Lại 60 phút mở: Người ta làm từ thiện vì ai?

2 sao - 06/06/2016, 14:09

Và tại sao người làm chương trình cứ phải nhìn ngược sáng cả những việc làm đang rất tốt đẹp của người làm từ thiện?

 Tâm trạng người xem chương trình hết sức bực mình vì sự cố ép cho cái câu hỏi vốn khi đặt ra đã xúc phạm ghê gớm người làm từ thiện. Tôi dành thời gian đúng 60  phút để xem hết clip chương  trình: Người ta làm từ thiện vì ai?

Và tự hỏi: Người ta làm cái này là vì điều gì?

Tạ Bích Loan cố gắng dẫn dụ những khách mời vào câu  hỏi làm từ thiện vì ai?  Và cố gắng để ai đó trong những vị khách mời nói ra cho được chủ đề, vì ai? Vì mình? Vì để chơi trội? Vì để chém gió? Vì để nổi tiếng... mà bỏ qua tấm lòng của người làm từ thiện, bỏ qua hiệu quả của những chuyến hàng từ thiện... Có vẻ như chương trình chỉ muốn xoáy, vặn, chì chiết, bắt bẻ những sơ suất về thái độ, về cách thức, về chất lượng hàng từ thiện, có vẻ khoái trá bàn luận về những chuyến hàng từ thiện bị địa phương từ chối. Như trong chương trình dẫn ngay phóng sự địa phương từ chối một chuyến hàng từ thiện rất lớn cho các cháu bé... chỉ vì những lý do ất ơ, đáng ra phải phê bình địa phương chứ không phải hả hê vì sự "đổ bỏ" hàng tấn thực phẩm, bánh trái không trao được...

Tôi không hiểu, tại sao cứ phải nói ngược mới ra... 60 phút mở.

Và tại sao người làm chương trình cứ phải nhìn ngược sáng cả những việc làm đang rất tốt đẹp của người làm từ thiện.

Tâm trạng người xem chương trình hết sức bực mình vì sự cố ép cho cái câu hỏi vốn khi đặt ra đã xúc phạm ghê gớm người làm từ thiện: Người ta làm từ thiện vì ai?

Chắc chắn, trong nhiều chuyến từ thiện, trong nhiều cách đưa từ thiện, vẫn còn những chuyện này, chuyện kia chưa trọn vẹn, hoàn toàn có thể chia sẻ để cùng rút kinh nghiệm, nhưng không có nghĩa là mang nó ra để mổ xẻ và hả hê mà bỏ qua muôn vàn điều tốt đẹp mà những tấm lòng từ thiện mang lại cho cộng đồng nghèo khó.

Đáng ra, cần gửi một thông điệp tới các địa phương trong thái độ đón tiếp, tiếp nhận quà từ thiện, cần một ứng xử văn minh, cần một sự tiếp đón chu đáo, và nếu vì lý do gì đó phải từ chối thì đó cũng phải là sự từ chối của những con người tử tế chứ không phải ngăn cản, tự ái, gây khó dễ, thậm chí còn gây áp lực với các đoàn từ thiện.

Trong chương trình, xuất hiện thêm vị tiến sĩ tên Giang, như một đồng minh của nhà báo Tạ Bích Loan, nói ngược, bình ngược, thậm chí đưa ra những lý lẽ nghe rất khôi hài, kiểu như nếu chúng ta mang quần áo lên từ thiện cho đồng bào các dân tộc thì dễ làm tổn hại đến bản sắc văn hóa của họ.

 
Hình ảnh từ chương trình 60 phút mở: Người ta làm từ thiện vì ai?

Hãy nghe nhà báo Trần Đăng Tuấn viết cảm nhận về chương trình này: Xem trên TV vị tiến sỹ trầm ngâm nho nhã luận về chuyện cứu trợ quần áo cho vùng cao sẽ làm mất bản sắc văn hóa, mình thấy thành trí thức bây giờ cũng dễ. Đọc ít sách (hay là nhiều cũng thế), rồi xoa cằm suy tư và luận một cách bao giờ cũng đúng về mọi sự trên đời.

Lại nhớ một tối ở vỉa hè Lào Cai, vừa từ Bát Xát về, mình và ông Phạm Ngọc Tiến gặp một trí thức, người cả đời dạy học và quản lý dạy học ở đây, nay đã hưu. Khi mình nói nhà đất trình tường đẹp, ông nhìn mình nói như quát: Nhà báo các anh cứ đi ca ngợi cái kiểu ăn ở ấy đẹp là các anh hại cho người ta đấy.

Mình im vì mình thấy ông đúng. Ở nhà thành phố khen tường đất đẹp thì nho nhã rồi. Hãy vào trong cái nhà trình tường mùa sương mù, nền đất nhão nhoét thành lớp bùn, tường ướt nhẹp, cửa sổ bé tý, tối om...sẽ thấy họ ở vậy vì xưa nay không thể có nhà kiểu khác thôi. Ai yêu sống trong nhà như vậy - cứ vào mà ở lấy một mùa.

Ai nói áo rét làm hỏng tính dân tộc, cho tôi biết cái mẫu áo rét đậm đà bản sắc dân tộc vùng cao đi. Tôi thì chả thấy ngoài cái bếp củi họ có loại quần áo chống rét nào. Chúng tôi cũng cố gắng nhờ thiết kế mẫu áo rét có màu sắc hoa văn vùng cao đấy, nhưng chỉ kịp may thử một ít, còn thì cứ luôn phải tìm mua những gì đang có, ấm, bền mà phải rẻ, để kịp mang lên cho những đứa trẻ tím tái vì rét. Chúng rét không vì bảo tồn tính dân tộc đâu. Mũi chúng nó viêm quanh năm, tai nhiều đứa viêm chảy mủ. Chân tay chúng nó như cổ trâu. Để bảo vệ tính dân tộc - và cái thân thể dân tộc - chúng nó cần ấm một chút đã. Có những vùng, có những cộng đồng người dân tộc không mặc lại quần áo cũ. Có những nơi trẻ em luôn mặc bộ đồ dân tộc. Cần biết để mang đồ quần áo lên ủng hộ đúng chỗ. Nhưng chẳng có nơi nào người ta từ chối nhận đồ ấm chống rét. Họ khoác áo rét đó cho con họ, phủ ngoài các bộ dân tộc. Tôi mạo muội đề xuất vị tiến sỹ mùa đông này đi với chúng tôi một lần. Tôi hứa dọc đường tôi sẽ luận bàn về bản sắc dân tộc với số lý thuyết lập luận có kém cũng không kém tiến sỹ nhiều đâu. Nhưng chỉ dọc đường thôi, trong xe ô tô kín đáo, có sưởi ấm. Trước khi đến với những ngôi nhà trình tường ướt nhoẹt và những lớp học thông thốc gió.

Mà đã nói, thì tôi nói luôn: Tôi cùng bạn bè có một lần do không kịp mua áo rét nội (mà khi đó lại đắt nữa), đã lên biên giới mua 4500 áo rét Tàu mang luôn lên vùng biên cho trẻ nghèo phong phanh đợt rét dữ dội đông 2011. Bị trạm liên ngành nghi buôn hàng lậu, bắt vào định giam, rồi sau biết mua làm gì họ đã níu kéo lại đãi cơm tối. Sau lần đó thì chúng tôi tìm được các nguồn để mua cả vạn áo rét nội. Nhưng đó là sau.

Có bậc trí thức nào mắng tôi về chuyện tiếp tay cho hàng ngoại, tôi - kẻ ủng hộ hàng nội, và hiểu mọi lý thuyết về sự hay ho của ủng hộ hàng nội - cũng không ngại dỏng tai lên nghe chỉ bảo....
 
Theo Infonet

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất