Khám phá bí ẩn những kim tự tháp bị bỏ quên nơi sa mạc
Kênh 14 -
02/06/2015, 08:11
Ít ai ngờ, những kim tự tháp này đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa nhưng vẫn là cái tên lạ lẫm đối với thế giới.
- Loạt công trình tuyệt đẹp gây ảo ảnh thị giác cho người xem
- Bộ tranh "âm dương" khiến con người giật mình về hành vi sai trái
- "Gặp lại" người thân đã chết qua khuôn mặt được cấy ghép kinh điển nhất lịch sử y học
- Phát hiện bí mật trong kim tự tháp thời tiền văn minh Aztec
- Bí ẩn về “kim tự tháp” dưới biển Nhật Bản
Nằm ở vùng sa mạc phía Tây Sudan, bên bờ con sông Nile huyền thoại là quần thể di tích kim tự tháp Meroë. Dù thuộc vào trong số những di tích quốc gia và đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa nhưng những chứng nhân lịch sử này vẫn là cái tên lạ lẫm đối với thế giới.
Vào khoảng 1.000 năm TCN, theo sau sự sụp đổ của đế chế Ai Cập thứ 24 là sự nổi dậy của vương quốc Nubia. Nhà vua Kush đã đưa đế chế của mình lên nắm quyền lực tối cao ở khu vực sông Nile bằng cách càn quét và đánh chiếm nhiều vùng đất của Ai Cập trong khoảng năm 712-657 TCN.
Vào khoảng năm 300 TCN, thủ đô và khu lăng mộ hoàng gia của Nubia được chuyển từ Napata về phía Nam, đến vùng Meroë. Nơi đây được cho là vùng đất lý tưởng bởi nó nằm tại ngã ba giao cắt của các con sông và tuyến đường trên sa mạc.
Cùng với đó, Meroë còn kết nối vùng trung tâm châu Phi, thông qua dòng sông Nile với vùng đất Ai cập, vùng Biển Đỏ và cao nguyên Ethiopia.
Những tài liệu lịch sử về đế chế Nubia còn lại là không nhiều. Đó là do vào khoảng thế kỷ I TCN, người Nubia bắt đầu sử dụng ngôn ngữ riêng thay vì ghi chép bằng tiếng Ai Cập như trước. Điều này gây khó khăn cho các nhà khoa học muốn khám phá thêm về vương quốc này.
Cho đến nay, những tìm hiểu của các nhà khoa học vẫn chỉ dựa trên các phát hiện khảo cổ đến từ Hy Lạp cũng như các ghi chép của người Roma.
Tuy vậy, những công trình còn sót lại của vương quốc này đã phần nào cho thấy một nền văn hóa vừa độc đáo vừa là tổng hợp giữa nghệ thuật, kiến trúc và tôn giáo từ các nền văn minh vĩ đại khác.
Vua Kush của đế chế Nubia, được gọi là The black Pharaoh.
Truyền thống tôn thờ Pharaoh của các triều đại Ai Cập tiếp tục được kế thừa bởi những nhà vua của ở Meroë. Họ dựng những tấm bia để ghi lại thành tựu của triều đại cùng nhiều ngôi mộ bên trong kim tự tháp kiên cố.
Chế độ truyền ngôi của Meroë có chút khác biệt và không phải luôn là cha truyền con nối.
Theo đó, ngôi vua sẽ được đặt vào tay thành viên gia đình hoàng gia xứng đáng nhất. Ngôi báu thường được truyền từ anh cho em và chỉ khi không tồn tại mối quan hệ anh em ruột thì ngôi vua mới được truyền cho con cháu. Hệ thống chính trị gắn kết này được thể hiện thông qua quần thể di tích kim tự tháp rộng lớn tại đây.
Quần thể kim tự tháp Meroë bao gồm gần 200 công trình cổ đại khác nhau, mang giá trị lịch sử và văn hóa to lớn. Những kim tự tháp Meroë không lớn bằng người họ hàng Ai Cập của mình - chỉ cao từ 6 -30m nhưng lại mang phong cách đặc biệt của Nubia.
Cấu trúc của kim tự tháp ở Meroë có phần đế hẹp và góc nhỏ ở hai bên cùng họa tiết trang trí của nhiều nền văn hóa nổi tiếng từ thời Pharaoh Ai Cập đến những chi tiết của nền văn minh Hy Lạp và Roma.
Theo UNESCO, chính đặc điểm này đã biến quần thể kim tự tháp Meroë trở thành một di tích vô giá.
Cũng giống như các kim tự tháp Ai Cập, các kim tự tháp ở Meroë được xây dựng với mục đích là sử dụng làm lăng mộ cho các thành viên gia đình hoàng gia.
Những công trình mang tuổi đời khoảng 4.600 tuổi này đã đứng vững sau nhiều năm tháng cho đến thập niên 80. Vào khoảng thời gian này, nhiều tòa kim tự tháp đã bị phá hủy trong công cuộc truy tìm kho báu của nhà thám hiểm người Ý Giussepe Ferlini.
Các bức bích họa trang trí trong các ngôi mộ cũng phần nào miêu tả phong tục chôn cất của gần 40 nhà vua, nữ hoàng cũng như thành viên hoàng gia khác trong quần thể kim tự tháp này. Khác với ở Ai Cập, họ sẽ bị đem đi thiêu sau đó mới ướp xác và phủ lên bằng đồ trang sức và yên nghỉ trong các quan tài gỗ.
Bên cạnh xác ướp, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều vật bồi táng như xương người hoặc động vật cùng với đồ vật như vũ khí, đồ nội thất gỗ, gốm, bạc và đồng tàu… Rất nhiều vật trong số đó có nguồn gốc từ Ai Cập, Hy Lạp hay La Mã cổ đại.
Ngày nay, Meroë là địa điểm khảo cổ lớn nhất của Sudan. Tuy sở hữu những công trình đồ sộ cả về mặt kiến trúc lẫn giá trị văn hóa nhưng khu di tích này lại ít được biết đến.
Đó là do những rào cản kinh tế và du lịch áp đặt bởi nhiều quốc gia phương Tây lên đất nước này vì lo sợ về các cuộc nội chiến và cuộc xung đột ở Darfur.
Theo báo cáo, Sudan chỉ tiếp nhận ít hơn 15.000 khách du lịch mỗi năm, chỉ bằng 1/10 lúc trước và con số này không có dấu hiệu tăng. Chính điều này đã khiến những kim tự tháp này vẫn đang chỉ là một viên ngọc bị bỏ quên nơi sa mạc.
Nguồn: The Atlantic, Wikipedia
Video được xem nhiều nhất
Bình luận