Hóa ra bị "Tào Tháo đuổi" lại có vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa

Kênh 14 - 16/06/2017, 13:46

Căn bệnh tiêu chảy chẳng ai muốn "dính" phải hóa ra đóng vai trò tương đối quan trọng. Nếu không có nó, có thể nhiều người đã phải chết.

Bị tiêu chảy - hay dân gian còn gọi vui là "Tào Tháo đuổi" (dựa trên tích Tam Quốc xưa, Tào Tháo dụng binh giỏi nên thường xuyên đuổi đánh kẻ thù chạy rẽ đất) - là một trải nghiệm chẳng ai muốn gặp phải.

Khi mắc phải tiêu chảy, bạn có thể phải đi cầu nhiều hơn 3 lần/ngày, thậm chí vừa kéo quần lên đã vội vã quay lại vì cơn đau ập đến. Chưa kể, thứ "đi" ra chủ yếu là nước, khiến cơ thể mất nước và yếu đi trầm trọng.

Hóa ra bị Tào Tháo đuổi lại có vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa - Ảnh 1.

Thế nhưng, một nghiên cứu mới cho thấy, trải nghiệm ấy hóa ra có một số vai trò nhất định trong quá trình tiến hóa. Cụ thể hơn, các chuyên gia từ Bệnh viện Brigham and Women (BWH) đã thực hiện thí nghiệm quan sát trên chuột, nhằm tìm ra cơ chế kích hoạt căn bệnh tiêu chảy khó chịu này.

Mục đích của cuộc nghiên cứu là xác định xem tiêu chảy là một loại bệnh, hay còn đóng vai trò gì khác. Và họ nhận ra ở những con chuột mắc bệnh, một số protein khiến thành ruột bị rò rỉ khiến nước chảy vào, làm cho phân trở nên lỏng hơn, và qua đó khiến bệnh bớt nghiêm trọng đi.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy, như nhiễm khuẩn, dị ứng thuốc, uống quá nhiều cafe hoặc rượu... Về cơ bản, tiêu chảy xảy ra khi có quá nhiều nước ứ lại trong ruột mà cơ thể không tự hấp thụ lại được.

"Lý thuyết cho rằng việc tiêu chảy giúp làm sạch mầm bệnh trong ruột đã gây ra tranh cãi trong nhiều thế kỷ"- trích lời tiến sĩ Jerrold Turner từ BWH.

"Ảnh hưởng của nó đến nay vẫn chưa được làm rõ. Vậy nên chúng tôi muốn xác định vai trò của căn bệnh này, để xem việc ngăn tiêu chảy có khiến những căn bệnh khác bị kéo dài hơn không" .

Hóa ra bị Tào Tháo đuổi lại có vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa - Ảnh 2.

Để thực hiện nghiên cứu, các chuyên gia sử dụng chuột bị nhiễm khuẩn Citrobaterodentium - một loài khuẩn giống với E.coli ở người.

Họ tìm thấy 2 loại protein gây ra tiêu chảy, là interleukin-22 và claudin-2. Trong đó, họ điều chỉnh gene một số cá thể chuột để gia tăng lượng claudin-2 sản sinh ra. Kết quả, chuột thường tiêu chảy khi bị ốm, còn chuột biến đổi gene thì luôn tiêu chảy.

Tuy nhiên, chuột không biến đổi gene lại bị tổn thương ruột nhiều hơn. Hơn nữa, chúng vẫn bị tiêu chảy do bị các kháng thể tấn công tế bào khỏe mạnh.

Các chuyên gia cho biết, nhìn chung tiêu chảy có 2 vai trò: làm sạch mầm bệnh, và giới hạn mức độ nghiêm trọng của mầm bệnh. Theo tiến sĩ Turner, khám phá này có thể đóng vai trò quyết định đối với nhiều loại bệnh tật, đặc biệt là ở giai đoạn đầu.

Nguồn: Daily Mail
Theo J / Trí thức trẻ

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất