Đóng góp của sinh viên tình nguyện cần được công nhận
Sự đóng góp và mất mát của SVTN cần được công nhận, SVTN phải tập huấn nghiêm túc và chấp hành kỉ luật, sinh viên tình nguyện đi để trưởng thành, xin cha mẹ đừng lo lắng... Đó là tiếng lòng của các bạn SVTN ở hai đầu đất nước.
Người đội trưởng chín chắn, có trách nhiệm
Lê Hoàng Kha là sinh viên năm thứ 2 trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Kha hiện đang triển khai chiến dịch Mùa hè xanh tại xã Đak Sak, huyện Đak Mil, tỉnh Đak Nông - nơi mà 90% người dân là đồng bào M'Nông. Từ địa phương xa xôi này, Hoàng Kha chia sẻ qua điện thoại rằng, em và 27 thành viên trong đội đều khỏe mạnh và thích nghi tốt với khí hậu và điều kiện sống ở địa phương.
Kha được giao nhiệm vụ chỉ huy đội tình nguyện của trường ĐH Công nghiệp tại xã Đak Sak trong chiến dịch hỗ trợ người dân địa phương sửa trường học, làm đèn đường, dạy trẻ em học hè... Chiến dịch kéo dài từ ngày 12/6 và sẽ kết thúc trong vài ngày tới.
"Hiện nay, đội em đã hoàn thành xong phần sơn sửa trường học và đang tiến hành giáo án dạy học hè cho các em học sinh từ mẫu giáo cho tới lớp 8", Kha cho biết.
Hoàng Kha là người đã từng có kinh nghiệm hoạt động tình nguyện tại Đak Nông một năm trước, em nhận thấy khó khăn lớn nhất trong chiến dịch lần này là vấn đề ngôn ngữ bất đồng với bà con dân tộc M'Nông. May mắn là 28 thành viên của đội đã được nhà trường tập huấn trước đó để giao tiếp thông thường hàng ngày và tìm hiểu qua một số phong tục của địa phương.
"Trước khi lên đường, tất cả thành viên đội tình nguyện phải trải qua tập huấn sơ cấp cứu và tập huấn về phong tục tập quán của địa phương, còn về liên hệ với chính quyền cơ sở là do nhà trường thực hiện", Kha nói.
Cụ thể, đội SVTN ĐH Công nghiệp TP.HCM đã mời bác sĩ về tập huấn cho các em các phương thức sơ cấp cứu gãy xương (gãy trong và gãy ngoài, xác định mức độ vết thương), cấp cứu nạn nhân bị ngạt, CPA... Ngoài ra, nhà trường cũng hỗ trợ thuốc men cho đội mang theo.
Và các bạn cũng được tập huấn ứng phó với các tình huống có thể xảy ra tùy vào địa hình. Đội tình nguyện đi về miền Tây thì được tập huấn chuyên về sông nước, còn đội đi Tây Nguyên của Kha thì được tập huấn về cách sơ cứu khi bị rắn cắn, bị ngã suối... Các bác sĩ tập huấn cho các em sử dụng những dụng cụ có sẵn như là khăn rằn, cành cây... để dùng vào việc cấp cứu.
Kinh nghiệm của đội trưởng Hoàng Kha là: "Tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra, chỉ huy phải thường xuyên nhắc nhở các bạn, đặc biệt là những bạn có bệnh đã từng mắc thì phải chuẩn bị thuốc, những ai có cơ địa bị dị ứng thì phải báo trước để chỉ huy sắp xếp, chuẩn bị đồ ăn thức uống cho phù hợp. Em cũng liên hệ trước với thanh niên địa phương, và những người lớn tuổi để giúp đỡ cho hoạt động của của đội nhiều hơn, bên cạnh việc liên hệ với chính quyền".
Bí quyết của Kha là: "Người chỉ huy phải đánh vào tâm lý của các chiến sĩ tình nguyện để tự các bạn ý thức về sự an toàn của mình. Chính các bạn nắm giữ sinh mệnh của mình nên phải làm việc nghiêm túc, tập huấn nghiêm túc và chấp hành kỉ luật".
Kha cũng chia sẻ rằng sau khi biết về tai nạn đáng tiếc của 3 nữ sinh ĐH Ngoại thương, cha mẹ em cũng gọi điện dặn dò em nhiều điều nhưng cha mẹ rất yên tâm về em vì em có tính cách chững chạc từ nhỏ.
Cần được công nhận
Lại Ngọc Anh Thư, sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội là thành viên đội tình nguyện Tiếp sức mùa thi. Những ngày thi vừa qua, được chứng kiến cảnh phụ huynh đưa con đi thi, Thư càng thấu hiểu hơn tấm lòng người làm cha mẹ.
Thư nhớ nhất là hình ảnh một phụ huynh ngóng qua cổng trường thi nhìn theo con mãi vì bác sợ con để quên đồ dùng học tập hay giấy tờ gì đó mà lại không tìm thấy người nhà. Câu chuyện ấy khiến cô sinh viên Sư phạm xúc động không thôi.
Những ngày tiếp sức mùa thi, Anh Thư và các bạn nhận được rất nhiều lời động viên. Em nói: "Được khuyến khích và động viên tinh thần từ mọi người có lẽ là "thù lao" lớn nhất mà chúng em nhận được.
Đôi khi chúng em đi, gia đình cũng chưa chắc đã đồng ý. Cha mẹ lo lắng là chuyện không thể tránh khỏi nhưng vì chúng em thực sự mong muốn được đi tình nguyện nên cha mẹ cũng ủng hộ. Giờ em đã lớn rồi nên cha mẹ tin tưởng em và đây cũng là hoạt động có ý nghĩa nên việc thuyết phục cha mẹ cũng không quá khó".
"Ý kiến của riêng em để hoạt động tình nguyện có hiệu quả và an toàn là em mong những hoạt động của chúng em sẽ được đón nhận sự quan tâm hơn nữa của các cấp, đặc biệt là với những chuyến đi xa. Chúng em đi để đóng góp sức mình cho xã hội nhưng đôi khi lại nhận được chỉ là những mất mát mà không được ai công nhận. Đó là điều không ai muốn.
Và em mong các bạn SVTN khác dù đi đâu hay làm gì, hãy nghĩ đến gia đình để hành động cho đúng, để cho hoạt động tình nguyện không bị xấu đi bản chất của nó", Anh Thư bày tỏ.
Con đi để trưởng thành hơn, bố mẹ đừng lo lắng
Nguyễn Tiến Dũng, sinh viên trường CĐ Y tế Hà Đông. Dũng là một thành viên của CLB Tình nguyện viên Thủ đô. Năm nay là năm thứ 3 em tham gia hoạt động Tiếp sức mùa thi, nhận trách nhiệm hỗ trợ thí sinh "Cùng em đi thi".
Dũng chia sẻ: "Em nghĩ rằng tình nguyện cũng như cuộc sống bình thường, việc gì cũng có những bất trắc không ngờ tới. Nguy hiểm là không thể tránh khỏi, như là mình đi trên đường cũng có thể gặp tai nạn giao thông. Điều chúng ta cần làm là chuẩn bị mọi phương án phòng ngừa những bất trắc ấy.
Em đã từng tham gia chương trình Mùa hè xanh. Chiến dịch đi đến nơi khó khăn nên có những nguy hiểm nhất định. Do vậy, bản thân mỗi SVTN cần phải biết bảo vệ chính mình và khiến phụ huynh an tâm. Qua hoạt động TN này em học được nhiều kỹ năng: giao tiếp giữa mọi người với nhau, khả năng thuyết phục mọi người và sống trong tập thể... Đi tình nguyện làm cho con người em trẻ ra, yêu đời hơn. Khi hoạt động em có thêm nhiều mối quan hệ hơn, có nhiều bạn bè hơn.
Khi đi tình nguyện ở Bắc Kạn, em thấy được những em học sinh cấp 1 vượt đường xá xa xôi đi học, các em rất ham học khiến cho em tự nhìn nhận lại mình, là một người có điều kiện được học hành đầy đủ, em lại càng muốn chăm chỉ hơn.
Cũng trong chuyến đi Mùa hè xanh này, em biết được cách xây dựng một ngôi nhà cấp 4, có thể tự tay lợp mái tôn và sơn tường. Đó là những công việc mà ở thành phố chúng em chưa bao giờ được thử sức. Em rất tự hào vì có thể giúp các em học sinh ở địa phương có được phòng học sạch đẹp hơn, không bị dột vào lúc trời mưa".
Qua đây Dũng cũng muốn nhắn gửi tới cha mẹ em rằng: "Con đã lớn, đã có kĩ năng và kinh nghiệm sống, vì vậy hãy để con được làm công việc khiến con trưởng thành hơn, bố mẹ đừng lo lắng".
Mai Châm
Video được xem nhiều nhất