Làm tình nguyện viên ở Pháp còn vất vả hơn xin việc
Nguyễn Quỳnh Mai Trâm - 20 tuổi, sinh viên Đại học Nantes, thành phố Nantes, Pháp - đã có một mùa hè khó quên khi tham gia chương trình tình nguyện tại làng Vergèze.
Tôi đã lên kế hoạch đi làm tình nguyện từ khi bắt đầu du học tại "xứ sở của những chú gà trống Gauloix”. Đây vừa là cách hiểu cuộc sống của người dân bản địa, vừa cung cấp thêm những kiến thức thực tế trong cuộc sống mà không nhà trường hay thầy cô nào dạy được.
Ngoài ra, tham gia các hoạt động cộng đồng cũng là một trong những yêu cầu dành cho sinh viên đại học tại Pháp. Tại ngôi trường tôi theo học, mỗi sinh viên cần có khoảng 500 giờ (tương đương 3 tuần) làm các công việc xã hội.
Đối với du học sinh, những chuyến đi tình nguyện là cơ hội giao lưu với bạn bè quốc tế. |
Ai cũng được khuyến khích làm tình nguyện
Ở Pháp, hoạt động tình nguyện thường do các tổ chức phi chính phủ, trường học thực hiện. Tình nguyện viên có thể là học sinh, sau khi kết thúc các năm học cấp 3, dành một năm làm việc để tìm hiểu cuộc sống thực tế trước khi vào đại học.
Cũng có thể là các sinh viên nước ngoài nhân cơ hội vừa đi tình nguyện, vừa du lịch. Nhiều trường hợp nhân viên công sở, sau nhiều năm đi làm, dành thời gian nghỉ ngơi và làm tình nguyện. Còn lại, phần lớn là sinh viên, dành mùa hè cho các hoạt động cộng đồng.
Tình nguyện viên tại Pháp được gọi là “bénévole” - những người tự nguyện. Họ là công dân, ở bất kể độ tuổi nào, công việc nào, vùng miền nào, có đủ thời gian, sức lực, kỹ năng, hiểu biết để đóng góp cho cộng đồng.
Chương trình từ thiện tôi tham gia mang tên FCABQ - một tổ chức phi chính phủ của các quốc gia nói tiếng Pháp - được thành lập với mục tiêu khuyến khích công dân trẻ tuổi tích cực tham gia và góp ích vào hoạt động xã hội.
Để được tham gia FCABQ, tôi phải trải qua 3 vòng nộp hồ sơ và phỏng vấn. Chỉ những ứng cử viên thật sự phù hợp mới được lựa chọn trở thành tình nguyện viên.
Vòng 1, tôi phải nộp CV, sơ yếu lý lịch, và một bản viết giải thích lý do vì sao tôi nên được chọn, tôi sẽ làm gì khi được chọn. Vòng 2, phỏng vấn quá mạng và cuối cùng là vòng gặp mặt.
Khi chắc chắn rằng tôi sẽ tham gia chương trình và đáp ứng đủ yêu cầu, tôi mới được thông báo, cung cấp các điểm đến cùng một số thông tin khác để chuẩn bị.
Nhiều người bạn của tôi đùa rằng, để trở thành tình nguyện viên ở Pháp, ứng cử viên còn vất vả hơn cả đi xin việc, vì các yêu cầu nghiêm ngặt về thời gian, sức khỏe, kỹ năng, tính cách.
Được tự lựa chọn công việc mình muốn
Sau nhiều ngày băn khoăn, tôi quyết định đến Vergèze (Languedoc-Roussillon), một ngôi làng cách thủ đô Paris 60 cây số. Đi cùng tôi là những người bạn đến từ nhiều đất nước khác nhau như Pháp, Đức, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Nga, Séc, Belarus và Armenia.
Các bạn được chia thành nhiều nhóm, tự bầu lên trưởng đoàn, được ở trong nhà thờ, khu nghỉ dưỡng cũ hoặc nhà dân.
Các đội sẽ được chọn giữa các việc: làm việc với trẻ em, dạy học, dạy kỹ năng, giúp đỡ y tế.
Đối với nhóm làm việc với trẻ em, mùa hè, các trường mẫu giáo ở Pháp đều nghỉ. Nhưng có một số trường dành riêng cho gia đình muốn gửi con nhỏ khi bố mẹ chúng bận hoặc đi làm.
Tình nguyện viên sẽ cùng các cô giáo chăm sóc các bé, hướng dẫn bé hát, múa, chơi những trò như nặn đất, xếp hình, cho đi dã ngoại.
Với nhóm dạy kỹ năng, các bạn sẽ tham gia với đội phòng cháy chữa cháy, đội cứu hộ bơi, đội thoát nạn. Sau khi được đào tạo trong hai tuần, tình nguyện viên sẽ cùng đội cứu hộ chuyên nghiệp giúp các em nhỏ học kỹ năng cần thiết như xử lý hỏa hoạn, làm gì khi lạc trong rừng, xử lý nhanh vết thương...
Nhóm trợ giúp y tế vất vả nhất, phải kiểm tra các bệnh lý đơn giản của dân trong vùng, kiểm tra tủ thuốc từng nhà, xem xét các giấy khám bệnh, nhắc nhở lịch khám bệnh, đưa các cụ già đến phòng khám. Hầu hết thành viên của nhóm này là y tá, bác sĩ hoặc sinh viên ngành liên quan.
Tôi tham gia vào nhóm dạy học, được phân công đến các trường cấp 1, trở thành trợ giảng cho thầy cô, giúp các em bé làm bài tập, phát sách vở, thu bài kiểm tra, hoặc dạy ngoại ngữ vì tôi là tình nguyện viên nước ngoài.
Ngoài ra, nhiệm vụ chính của tôi là tạo không khí thoải mái cho lũ trẻ, bằng cách chơi đùa, chuẩn bị các trò chơi, kể câu chuyện thú vị để chúng hứng thú với việc học hơn, không bị áp lực vì phải tham gia những lớp học hè.
Một trong những công việc của tình nguyện viên là dạy học cho trẻ em. |
Các tình nguyện viên được tự lựa chọn công việc mình muốn, thời gian làm việc và quan trọng nhất, luôn có sự hướng dẫn, theo sát của những người chuyên nghiệp.
Ví dụ với công việc của tôi, sẽ luôn có các cô giáo chính, làm toàn bộ công việc, tôi chỉ phụ giúp trong việc chăm sóc và dạy các bé. Tôi không phải là giáo viên chuyên nghiệp nên cần những người có trình độ và kinh nghiệm dẫn dắt.
Tương tự như vậy với tất cả công việc khác, như trợ giúp y tế, dạy kỹ năng.
Ngoài ra, mỗi nhóm đều có 1 người quản lý. Đó thường là người dân địa phương, có sự hiểu biết về địa lý trong vùng, có thể đi cùng và giúp đỡ chúng tôi trong những vấn đề của cuộc sống hàng ngày.
Phải làm việc thật sự nghiêm túc
Không như những điều người ta hay nghĩ về tình nguyện viên, chúng tôi phải làm việc thực sự nghiêm túc trong suốt 3 tuần ở Vergèze. Mỗi sáng, tôi dạy lúc 6h để tới lớp chuẩn bị sẵn sàng đồ dùng học tập và giáo án cho cô giáo đứng lớp.
Suốt thời gian cô giảng bài, tôi phải theo dõi học sinh. Em nào có thắc mắc hoặc chưa hiểu, tôi phải giải thích cặn kẽ. Bài tập về nhà của mỗi em được in riêng, kẹp vào sách.
Sau mỗi tuần, tôi chịu trách nhiệm nhận xét từng em, bé nào có cố gắng, bé nào cần thêm chuyên cần. Điều này đồng nghĩa với việc, tôi phải quan sát thật kỹ và nắm chắc tình hình học tập của các em.
Chỉ là tình nguyện viên, nhưng công việc yêu cầu tôi sự cẩn thận, tập trung và hết lòng. Cùng với đó, tôi cũng trở nên gắn bó, yêu thích công việc đang làm. Mỗi ngày được học cùng các bé là những giây phút tôi được sống trong niềm vui, tiếng cười và là tình thương mà học sinh mang lại.
Các em nhỏ sau 3 tuần được tôi dạy học, chơi đùa cùng, đã trở nên rất quấn quýt và lưu luyến. Tôi nhớ mãi lần đầu tiên tiếp xúc với các em do tôi dạy học. Vì lần đầu tiên nhìn thấy người châu Á, các bé tiến tới, đua nhau sờ má, cầm tay và khen tôi “mignonne” (nhỏ bé).
Trong một tiết học có đề tài “Gia đình”, khi được yêu cầu viết thư gửi cho một người thân yêu nhất, một cô bé đã viết dành tặng tôi, kèm dòng chữ ngay ngắn: “Je l'aime mon enseignante” (Tôi yêu cô giáo của tôi).
Tôi trân trọng tất cả kỷ niệm tôi có ở nơi đây và có lẽ sẽ chẳng bao giờ quên được quãng thời gian ngắn ngủi nhưng tươi đẹp đó.
Ngày chia tay, các em đã chuẩn bị những món quà xinh xắn cùng những lá thư tự viết để gửi tặng nhóm tình nguyện viên. Có cậu bé còn chạy đến ôm tôi và khóc.
Cuối kỳ, cả nhóm được trao thưởng trước chính quyền, người dân địa phương cùng rất nhiều lời chúc mừng và quà tặng. Dù không có một tờ chứng nhận hay giấy khen nào, thành viên nào cũng cảm thấy vui và tự hào.
Quãng thời gian ngắn nhưng tôi được rất nhiều điều về kỹ năng làm việc nhóm, cách giao tiếp với người dân địa phương, khả năng hướng dẫn trẻ nhỏ.
Video được xem nhiều nhất