Đỗ Nhật Nam và những "thần đồng 10X" thời công nghệ
Đỗ Nhật Nam, Nguyễn Dương Kim Hảo, Phan Thiên Bạch Anh... đều thuộc thế hệ 10X. Không chỉ giỏi tiếng Anh, công nghệ, những bạn trẻ tài năng còn ghi dấu ấn về âm nhạc, cờ vua.
Đa lĩnh vực
Phần lớn những bạn trẻ được gọi là "thần đồng" hiện tại đều thuộc thế hệ đầu 10X (sinh năm 2000 trở lại đây). Trong đó, nổi bật là Đỗ Nhật Nam. 14 tuổi, Nhật Nam đang là du học sinh tại Mỹ; tổng biên tập tờ báo tuổi teen của Đông Nam Á - Creative Melange.
Ban đầu, Đỗ Nhật Nam được biết đến với khả năng về tiếng Anh. 7 tuổi, em trở thành dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam, 11 tuổi là người viết truyện nhỏ tuổi nhất được xuất bản. Em có trên 10 đầu sách viết và dịch thuật đã được xuất bản.
Kết thúc năm học này, Nhật Nam nhận được thư chúc mừng của Tổng thống Mỹ Barack Obama, với nội dung: "Chúc mừng em đã đạt giải thưởng giáo dục của tổng thống Mỹ".
Vừa về Việt Nam nghỉ hè, Nam đã mở lớp học tiếng Anh miễn phí, thu hút hàng nghìn học sinh tham gia tại Hà Nội.
Đỗ Nhật Nam và lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho em nhỏ ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Anh.
Nếu tiếng Anh là phần nổi bật của Đỗ Nhật Nam thì "thần đồng" Nguyễn Dương Kim Hảo lại có những thành tích ấn tượng về khoa học - công nghệ. Sinh năm 2001, Kim Hảo đang học lớp 8, THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình, TP HCM). Với ước mơ trở thành lập trình viên chuyên nghiệp, nam sinh này có nhiều sáng tạo ấn tượng.
Với 4 triệu đồng mua nguyên liệu từ cửa hàng phế liệu, Kim Hảo sáng tạo ra máy khắc laser sống động trên nhiều vật liệu, từ ảnh chụp bằng điện thoại, sử dụng hệ điều hành Android. Đây được đánh giá là sản phẩm độc đáo tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, bảng điều khiển thông minh, máy tính hóa học, robot điều khiển… của Hảo đều nhận được những giải thưởng cao trong và ngoài nước ở những cuộc thi sáng tạo.
Ngoài tiếng Anh và công nghệ, nhiều học sinh xuất sắc thuộc thế hệ Y2K có thế mạnh ở nhiều lĩnh vực khác. Phan Đăng Nhật Minh (sinh năm 2000), biết đọc, làm tính từ khi 18 tháng tuổi. Trong năm 2014, Nhật Minh trở thành quán quân cuộc thi trí tuệ mang tên Chinh Phục, được biết đến với khả năng giải toán nhanh hơn máy tính.
Bằng tuổi Nhật Minh là cao thủ piano - Phan Thiên Bạch Anh. Năm 2012, Bạch Anh trở thành hiện tượng của làng âm nhạc Việt, khi gặt hái nhiều thành công trong và ngoài nước, trở thành top 10 gương mặt tiêu biểu thủ đô.
Còn cậu bé của tiểu thuyết Nguyễn Bình ra mắt cuốn sách viễn tưởng Cuộc chiến với hành tinh Phantom khi mới bước sang tuổi thứ 10.
Không biên giới
Không chỉ nằm trong khuôn khổ Việt Nam, Đỗ Nhật Nam là cái tên được biết đến ở đất Mỹ. Tròn một năm du học, Nhật Nam đạt nhiều kỳ tích như vượt qua kỳ thi thi ACT American College Testing, lọt vào danh sách những học sinh có điểm cao nhất Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
Đỗ Nhật Nam chia sẻ: Thành công lớn nhất của em trong năm qua là vượt qua chính mình.
Cũng chính từ khi xa quê hương, em làm thơ nhiều hơn. Câu chuyện về máy bay AirAsia A320 rơi xuống biển ngày 28/12/2014, trận động đất lịch sử ở Nepal ngày 25/4/2015, thơ về nỗi nhớ Việt Nam ngày Tết, về bà ngoại xì-tin… khiến nhiều người xúc động.
Với Phan Thiên Bạch Anh, tài năng đã vượt qua biên giới khi liên tiếp gặt hái được những thành công to lớn: Giải vàng Liên hoan Âm nhạc Quốc tế châu Á tại Hàn Quốc, giải nhất bảng A cuộc thi Piano Quốc tế lần thứ 2, đoạt giải Thí sinh Việt Nam xuất sắc nhất bảng A, nhận học bổng dành cho những tài năng trẻ Việt Nam.
Phan Thiên Bạch Anh.
Trên đấu trường trí tuệ khu vực, "thần đồng" cờ vua Nguyễn Anh Khôi (sinh năm 2012) liên tiếp vô địch châu Á, từ U8 đến U12. Anh Khôi cũng là kỳ thủ châu Á đầu tiên hai lần liên tiếp vô địch trẻ thế giới (U10 và U12).
Ở đấu trường chuyên nghiệp, "cậu bé vàng" lập kỷ lục kỳ thủ trẻ nhất đoạt huy chương bạc Giải vô địch cờ vua đấu thủ mạnh toàn quốc vào năm 2013 khi mới 11 tuổi.
Cơ hội của thế hệ tài năng mới
Chúng ta từng biết đến những thần đồng thế hệ trước, với Trần Đăng Khoa nổi tiếng thơ văn, xuất bản tập thơ đầu tiên Góc sân và khoảng trời năm 10 tuổi; Lê Bá Khánh Trình được mệnh danh "cậu bé vàng của Toán học" - học sinh Việt Nam duy nhất đoạt giải đặc biệt trong một kỳ thi Toán quốc tế.
Ngày nay, những em nhỏ sinh năm 2000 có điều kiện hơn về khoa học, công nghệ, ngoại ngữ. Dấu ấn của những tài năng trẻ, vì thế, cũng lan tỏa rộng hơn, chứ không chỉ gói gọn trong nước. Nhưng dù ở thế hệ nào, họ vẫn là những người được xã hội, đất nước kỳ vọng.
Cuộc gặp gỡ của PGS Văn Như Cương và Phan Đăng Nhật Minh.
Có nhiều ý kiến cho rằng, nên có môi trường giáo dục đặc biệt cho những em có tố chất. Theo PGS Văn Như Cương, điều này cần cẩn trọng. Trước khi tạo môi trường giáo dục riêng, cần có quá trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc đối với sự phát triển từng cá nhân, sau đó mới áp dụng chương trình đào tạo sao cho phù hợp”.
Đối với PGS Văn Như cương, việc học ở nhà trường, dành thời gian cho cuộc sống gia đình, bạn bè vẫn là điều quan trọng nhất. Từ nỗ lực cửa mỗi người, những em có tố chất thông minh đặc biệt sẽ tự xác định được hướng đi cho tương lai.
PGS Văn Như Cương cho rằng: Thần đồng không tồn tại mãi mãi. Có những em ngày còn nhỏ, có khả năng đặc biệt vượt trội ở một lĩnh vực nào đó, như Toán học, Văn học, Nghệ thuật… Những khả năng này có thể mất đi khi lớn. Đó là do tự nhiên chứ không phải do các em kém cỏi. Vì vậy, nên để các em phát triển tự nhiên.
Video được xem nhiều nhất