Dạy học sinh đi trên thủy tinh: Những luồng ý kiến trái chều

Zing - 26/08/2015, 19:05

Theo các chuyên gia về kỹ năng sống, những học viên từng trải nghiệm cảm giác đi trên thủy tinh đều muốn thử lại nhiều lần bài tập này.

Mới đây, nội dung cuốn sách Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1 của hai tác giả Phan Quốc Việt và Nguyễn Thị Thùy Dương, do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành được mọi người quan tâm.

Theo đó, trong trang 77 của cuốn sách, ở mục Nghe thầy (cô) kể chuyện, xuất hiện tình huống giáo viên khuyến khích trẻ đi chân trần lên thủy tinh để chứng minh lòng dũng cảm. Bài học này nhanh chóng gây nên nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận những ngày qua.

Bài học về lòng dũng cảm gây tranh cãi những ngày gần đây.
 

Lo lắng về độ an toàn của bài tập

Phần lớn mọi người tỏ ra khá bất ngờ trước sự nguy hiểm của bài tập này. Chị Phương Nhung (Tây Hồ) chia sẻ: "Cảnh tượng đi chân trần trên thủy tinh thường chỉ có trong các chương trình biểu diễn xiếc, khí công. Thậm chí, khi xuất hiện, nó cũng đi kèm với lời cảnh báo khán giả không nên làm thử. Tôi quá bất ngờ khi trò nguy hiểm đó lại được đưa vào sách dạy cho trẻ con".

Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi: "Thế nào là dũng cảm?". Chị Thu Thảo (phụ huynh tại Hà Nội) cho rằng, bài học không đưa ra lý do để khơi gợi lòng dũng cảm, vậy tại sao bảo học sinh cần dũng cảm? Dũng cảm phải vì mục đích chính nghĩa như tinh thần dân tộc, tình bạn... Vấn đề SGK đưa ra chỉ để biểu diễn xiếc, hay dạy cho con người biết "làm oai". Phải chăng sách dạy học sinh sự liều lĩnh trong cuộc sống mà mặc kệ hậu quả?

Bên cạnh sự phản đối, một số độc giả cũng đưa ra phương án hợp lý hơn. Thành viên Minh Hải bày tỏ: "Thay vì ý tưởng đi trên thủy tinh, sao không lấy ví dụ về một bé A phạm lỗi gì đó, được cô giáo hay ba mẹ động viên, bé đã dũng cảm nhận lỗi?". Người này cũng thấy rằng ví dụ trong sách giáo khoa hoàn toàn không hợp lý. 

 

Học sinh thay đổi sau khi trải nghiệm

Ngoài cuốn sách được bàn luận những ngày qua, trên thực tế, nhiều trung tâm giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống cũng đã áp dụng bài tập này trong thời gian dài.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, ở trường hợp các bé thực hiện có sự giám sát của người lớn và áp dụng mọi quy tắc chuẩn, việc đi trên thủy tinh là điều bình thường. Đây là một trong những biện pháp thích hợp rèn luyện sự dũng cảm và lòng gan dạ cho các em ngay từ khi còn nhỏ.  

Tại bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, anh Đồng Xuân Tứ - Giám đốc, giảng viên, huấn luyện viên của công ty Huấn luyện kỹ năng Đồng Đội, giảng viên Kỹ năng mềm ĐH FPT Đà Nẵng - chia sẻ: "Trước hết, tôi không bàn về nội dung và đối tượng của sách Thực hành kỹ năng sống lớp 1. Tôi chỉ nói về mức độ an toàn của bài tập này. Thú thật, mới đầu tôi rất sợ. Nhưng khi nắm vững và thực hành đúng hướng dẫn của huấn luyện viên, mọi thứ trở nên dễ dàng. Mỗi bài tập có một mục đích và cách truyền dẫn của người dẫn dắt phải thật bài bản và đúng quy trình, còn đối với người thực hiện phải thực hiện thật chuẩn xác".

Học sinh trong bài tập đi trên thảm thủy tinh. Ảnh: Trung tâm huấn luyện kỹ năng Đồng Đội Đà Nẵng.

Là người được đào tạo bài bản về phương pháp giảng dạy và huấn luyện, anh Tứ cùng các đồng nghiệp đã thực hành nhiều lần những bài tập tưởng chừng rất nguy hiểm như ngã người từ trên cao, đi qua thảm mảnh chai, than hồng, bàn đinh... Lúc còn ở quân đội, anh cũng từng nằm trên lưới thép gai làm cầu cho đồng đội đi qua. Theo anh Tứ, thực chất đây là những bài tập đánh lừa cảm giác và tâm lý hoảng sợ của bản thân. Trên thực tế, nó an toàn.

Anh chia sẻ, sau mỗi lần trải nghiệm, mọi người đều không có thương tích. Thậm chí, nhiều học viên sau khi đi qua được lần một thì thích thú, muốn làm thêm nhiều lần nữa. 

"Có những người còn thực hiện ở các mức độ khó như cõng thêm người, đội thêm đồ vật trên đầu hoặc vừa cõng, vừa bồng thêm một người phía trước... mà bàn chân vẫn lành lặn tuyệt đối" - anh nói. Trong những bài tập này, an toàn được đảm bảo khi mảnh chai làm đúng quy cách, đã mài cạnh và người hướng dẫn phải nắm chắc quy trình dẫn dắt...

Đồng quan điểm với anh Tứ, anh Đoàn Trọng Hiếu - Giám đốc Trung tâm Chuyên sâu đào tạo, huấn luyện kỹ năng mềm Tâm Việt - cho hay, từ lâu, trung tâm anh đã chọn việc cho học sinh đi trên thủy tinh để rèn các em sự can đảm và ý chí mạnh mẽ. Trong quá trình đào tạo, mỗi học viên đều có những sự thay đổi rõ rệt.

Bé gái khá thoải mái trước bài tập về lòng dũng cảm. Ảnh: Trung tâm Tâm Việt.

Theo anh Hiếu, việc các học viên - dù lớn hay nhỏ tuổi - đi trên thủy tinh đều được giảng  viên hướng dẫn cẩn thận trước khi thực hiện. Để an toàn, họ chỉ được thực hiện bài tập này khi có sự giám sát của giảng viên.

"Trong mỗi bài tập, người hướng dẫn cần chuẩn bị chu đáo và đảm bảo số lượng thủy tinh sao cho an toàn với người thực hiện. Xung quanh thảm phải có khung giữ, tránh việc học viên đi qua làm xô các miếng vỡ, thảm dàn mỏng khiến người thực hiện có thể bị đứt chân".

Về mấu chốt an toàn của việc đi lên thủy tinh, anh Hiếu cho biết, theo quy tắc Vật lý, việc đi trên thảm có nhiều mảnh thủy tinh hoàn toàn khác so với đi trên một, hai miếng đơn lẻ. Đây là điều khá dễ dàng, không nguy hiểm như nhiều người vẫn nghĩ. Bởi khi diện tích tiếp xúc nhỏ, áp suất sẽ lớn.

Những thảm mảnh chai được các trung tâm sử dụng đều tuân theo quy chuẩn có độ dày tối thiểu 3 cm. Khi chúng dựng đứng, chịu áp suất lớn từ chân người sẽ được dàn bằng xuống và nằm ngang.

Cũng theo quy tắc này, mảnh vụn nhỏ sẽ lọt xuống bên dưới. Bề mặt tiếp xúc với bàn chân chủ yếu là mảnh nằm ngang, có tiết diện tiếp xúc với bàn chân lớn hơn. Do đó, khi đi trên thảm có diện tích lớn, áp lực từ chân người đè xuống sẽ giảm đi rất nhiều. Người thực hiện sẽ có cảm giác như đi trên thảm cỏ.

 

Ngoài ra, bài tập cũng yêu cầu các học viên bước đi bằng cả bàn chân, nhẹ nhàng, dứt khoát, tuyệt đối không được nhón chân để đảm bảo diện tích tiếp xúc với thủy tinh lớn. Việc mắt nhìn thẳng phía trước cũng là một trong những yếu tố cơ bản giúp mọi người trải qua thử thách dễ dàng hơn. Bài tập chỉ kéo dài 2-5 giây nên khá nhiều học viên tại trung tâm huấn luyện kỹ năng sống tỏ ý muốn thực hiện lại nhiều lần.

Trải nghiệm mang đến cảm giác thú vị

PGS Văn Như Cương - chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) - cho biết, ông cùng học sinh trong trường từng đi trên thảm thủy tinh và thấy rằng, hành động này không có vấn đề gì. Ông cho hay, sau khi trực tiếp bước chân lên thủy tinh, ông cảm thấy đây là bài tập thú vị, mang đến cho con người cảm giác mới lạ, khi vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình.

Phương Anh - học viên tại Trung tâm Tâm Việt - chia sẻ: "Trước đó, mình khá run. Tuy nhiên, khi vượt qua cảm giác sợ hãi, mình thấy bản thân có thể làm được nhiều hơn thế và tự tin hơn trong những công việc mang tính thử thách trong cuộc sống".

Bên cạnh những mặt tích cực của phương pháp rèn luyện này, các vị huấn luyện viên cũng đưa ra cảnh báo nguy hiểm dành cho đối tượng thực hiện nhưng chưa nắm vững quy tắc an toàn.

Anh Đồng Xuân Tứ chia sẻ, khi người hướng dẫn không được đào tạo bài bản, thực hiện không đúng quy trình, không biết nguyên tắc của việc làm học cụ hay làm ẩu, làm sai nguyên tắc, không kiểm tra dụng cụ trước khi sử dụng... sẽ gây nguy hiểm. Bởi vậy, người tham gia nên học, tập cách tổ chức, thực hiện đúng quy tắc, tuyệt đối cẩn thận, không làm bừa để gây ra những điều đáng tiếc. 

Đối với anh Hiếu, bài tập này hoàn toàn có thể tự tập tại nhà. Tuy nhiên, nếu muốn làm như vậy, người thực hiện cần được hướng dẫn cụ thể và nắm vững những biện pháp an toàn thiết yếu, ghi chép cẩn thận các bước, từ việc chọn loại chai, số lượng chai, cách đập chai và sử dụng phần nào của chai để thực hiện, chuẩn bị thiết bị y tế dự phòng như cồn, băng gạc... Đặc biệt, nếu là trẻ em thì phải có bảo hộ của người lớn tuổi, tốt nhất là có sự giám sát trực tiếp từ huấn luyện viên có nhiều kinh nghiệm.

 

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất