Cụ bà 64 tuổi nuôi cháu với gánh rau đêm vượt 60km mỗi ngày

Tiin - 26/07/2016, 11:22

Lề đường, gánh hàng rau và cám cảnh bà già 64 tuổi một mình nuôi cháu.

 

Gần 60km trên những chuyến xe bus từ Vĩnh Phúc lên Hà Nội, bà cụ tuổi lục tuần vẫn ngày ngày cần mẫn đem  từng mớ củ, quả bày bán bên lề đường.

Khi Hà Nội lên đèn, dòng người tấp nập qua lại, thì bên vỉa hè đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội), đoạn gần cây xăng dầu Nghĩa Tân, người ta lại thấy bóng dáng một bà cụ già đội xụp chiếc nón bên gánh hàng rau chờ từng lượt khách.

Trên những chiếc bao tải cũ, dưới ánh đèn đường vàng vọt, cụ bà bày bán vài quả bí xanh, bí đỏ, khoai cùng trứng...

Gánh rau vỉa hè ấy mang bao tâm sự đến nhói lòng của bà cụ già từ Tam Dương, Vĩnh Phúc ngày ngày vượt gần 60km trên 2 chuyến xe bus. Được biết, bà cụ đáng thương ấy tên Nguyễn Thị Gái (64 tuổi) đã từng đạp xe nhặt ve chai trên rất nhiều đoạn đường ở Cầu Giấy.

Nhiều người thấy bà khoảng 1 năm nay làm những công việc cực nhọc ấy mặc trời mưa, nắng hay những ngày gió rét. Mới đây, bà được một nhóm sinh viên giúp đỡ cho ở nhờ qua đêm muộn nên nỗi lo dường như cũng vơi đi phần nào.

Để hiểu hơn về hoàn cảnh của bà Gái, chúng tôi trò chuyện cùng những người dân gần khu vực này. Cô Nga, người bán hàng nước tại đây kể:

'Thỉnh thoảng, bà mang cháu đi nhặt ve chai, nó ngồi lọt thỏm trong đống chai, lọ sau yên xe. Nhìn cảnh bà ngồi bán rau, cháu thơ thẩn nằm trên ghế bến xe bus chơi, có khi ngủ quên cả trên ghế chẳng ai cầm được lòng mình'.

Nửa tháng nay, đứa cháu trai 6 tuổi của bà không theo bà trên những chuyến xe lên Hà Nội nữa. Mình bà ngồi bên gánh hàng nhưng khuôn mặt thẫn thờ vì lo cho đứa cháu bị ho và ốm sốt nằm ở nhà và nhờ người một người quen chăm nom.

Nhắc đến cháu, giọng bà nghẹn lại: 'Hôm nay tôi mang nhiều rau lên hơn, mong sao bán được nhiều để mai sắp xếp đưa cháu đi khám'.

Cũng vì thế mà có lẽ hôm nay bà sẽ ngồi bên lề đường này lâu hơn ngày thường. Mọi ngày có thể đến 11h, 12h mong sao cho nhẹ gánh hàng nhưng hôm nay bà có thể phải ngồi thêm đến ngày mới để trông chờ vào những đồng kiếm được đưa cháu đi viện.

Đứa bé 6 tuổi cũng là gần 6 năm bà một mình chăm cháu. Do tai nạn mà con trai bà qua đời, con dâu lấy chồng mới, hai bà cháu không ruộng vườn. Người bà già cả sức yếu thuê 2 xào ruộng để cày cấy nuôi cháu.

Thế nhưng xót xa thay, cuộc sống của một người già, một đứa trẻ cuối cùng đành bám víu vào những đồng tiền bà dứt ruột bán căn nhà của mình. Từ ấy, hai bà cháu ăn nhờ, ở đậu qua ngày.

'Tới đây nó vào lớp 1, tôi đang tính nếu tìm được trường học nào rẻ rẻ đưa cháu lên đây, thuê căn nhà trọ, tôi vẫn đi bán rau. Để cháu ở nhà một mình tôi không yên tâm nổi', bà Gái tâm sự, giọng đầy lo lắng.

Ánh mắt bà vẫn nhìn vào khoảng không vô định, bởi hơn ai hết bà hiểu những ngày sau này cuộc sống của hai bà cháu khốn khó như thế nào, thậm chí bà cũng chẳng biết nó đi đâu về đâu.

Khi được hỏi, bà sẽ bán hàng đến bao giờ, bà trả lời: 'Tôi chịu đói, chịu khổ được nhưng cháu tôi...'. Nói đến ấy, giọng bà Gái nghẹn lại, có lẽ bởi những giọt nước mắt nuốt vào trong.

Mơ ước rất đỗi bình dị của người bà đáng thương ấy là cho cháu mình được đi học như những đứa trẻ khác. Ôi, mong ước chứa đầy những niềm tin, tình yêu ấy sao lại khó khăn với hai con người khốn khó ấy đến vậy.

Tôi hỏi: 'Sao bà không ước gì cho bà ạ?'. 'Cả cuộc đời còn lại của tôi, tôi khổ cũng vì cháu, tôi chỉ mong cháu tôi đủ đầy hơn', giọng bà thổn thức, đôi bàn tay lân từng vạt áo.

Nhiều người qua đường, thương cảm tỏ ý muốn tặng tiền, giúp đỡ bà nhưng bà đều gói rau, trứng gửi lại để cảm ơn chứ không nhận không của ai.

Ở tuổi lục tuần, cái tuổi những  người già đáng lẽ được nghỉ dưỡng, an yên thì đâu đó vẫn còn những mảnh đời như bà Gái, lay lắt bám víu lấy sự sống. Làm sao không thương dáng người còm cõi với đôi dép lê và chiếc nón ngày ngày vẫn cặm cụi bên gánh hàng mưu sinh khi đêm đã về.

Dáng người khắc khổ của bà mong chờ từng lượt khách...

Dưới ánh đèn đường, bên những mảnh bao tải cùng ước mơ nhỏ nhoi của mảnh đời già nuôi cháu, cần lắm những tấm lòng hảo tâm chung tay để cuộc sống những ngày ít ỏi của tuổi già bớt đi những nỗi lo cơm áo.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất