17 tuổi, nữ sinh tài năng này đã sáng lập hội thảo Mô phỏng Liên Hợp Quốc cho các bạn trẻ Việt Nam

Kênh 14 - 26/07/2016, 09:27

17 tuổi, sáng lập hội thảo Mô phỏng Liên Hợp Quốc lớn nhất Việt Nam, vừa tốt nghiệp và đang thực tập tại Ernst&Young, cũng như làm kiểm toán cho UNESCO. Có quá nhiều thứ thú vị để chúng ta cùng ngồi lại và nói chuyện với cô gái trẻ xinh đẹp này.

 

Khuất Minh Thu Giang

Sinh năm: 1998

  • Vừa tốt nghiệp lớp 12, trường Quốc tế Singapore, Hà Nội

  • Hiện đang là thực tập sinh tại Ernst&Young Việt Nam và làm kiểm toán cho một dự án của UNESCO.

  • Học bổng ĐH Clark và Northeastern.

  • Được 4 trường luật top 10-20 của Anh nhận: University of Warwick, Queen Mary University London, University of Exeter, Newcastle University

  • Sáng lập/ Tổng thư ký Mô phỏng Liên Hợp Quốc Việt Nam (Vietnam National Model United Nations) 2015, 2016

  • Chủ tịch Hội đồng Học sinh trường quốc tế Singapore, từng gây quỹ trên 80.000.000 VND cho tổ chức Phẫu Thuật Nụ Cười Việt Nam

  • Đại biểu tiêu biểu tại Harvard Model United Nations China 2015

  • Đại biểu tại hội nghị Nhà lãnh đạo trẻ Châu Á Thái Bình Dương Singapore, gặp gỡ với Bộ Trưởng Văn hóa Singapore Lawrence Wong.

  • Đã từng đặt chân đến 17 nước, với mục tiêu bao nhiêu tuổi - sẽ ghé thăm bấy nhiêu nước. 

Tôi đã nghĩ về Thu Giang một cách rất khác trước khi gặp cô gái này. Ý tôi là, qua những hình ảnh trên Facebook, tôi biết Giang rất trưởng thành và xinh đẹp. Nhưng điều đó không khiến tôi giấu nổi sự ngạc nhiên khi gặp Giang ngoài đời. Giang "người lớn" hơn những gì tôi nghĩ, với làn da nâu khoẻ khoắn, mái tóc dài buông xoã và nụ cười tươi vô cùng tự tin. Tất cả cộng với chiều cao và cách ăn mặc càng khiến tôi nghĩ rằng mình đang gặp một cô gái trẻ tuổi độ 25 và thành đạt trong công việc, chứ không phải một cô gái trẻ 17 tuổi vừa tốt nghiệp lớp 12 ở một trường quốc tế tại Hà Nội, chuẩn bị sang Anh học Đại học, ngành Luật.

 - Ảnh 2.

 

17 tuổi, điều đưa tôi đến gặp Giang chính là chương trình Mô phỏng Liên Hiệp Quốc – VNMUN mà Giang đã tổ chức cách đây 1 năm (sắp tới – 5/8 sẽ là lần thứ 2). Danh tiếng của một mô hình mà mỗi cá nhân tham gia đều là những hạt nhân xuất sắc từ các trường đại học – vang xa đến nỗi, bất cứ ai cũng phải đặt câu hỏi về người đứng đằng sau chương trình này. Không khiến tôi thất vọng, trong suốt buổi nói chuyện, Thu Giang – cô gái 17 tuổi dần dần hé lộ một hình mẫu tuyệt vời mà bất cứ bạn trẻ nào cũng có thể được truyền cảm hứng từ đó. Trẻ trung, tài năng, không ngừng học hỏi và theo đuổi đến cùng những gì mình yêu thích, tôi không thể tìm một ví dụ nào hoàn hảo hơn Giang để giới thiệu tới các bạn, để kể cho các bạn nghe một câu chuyện về những bạn trẻ, về những cô gái trẻ Việt Nam đang làm gì để khiến cuộc sống xung quanh mình tốt đẹp hơn mỗi ngày.

I. Đưa Mô phỏng Liên Hợp Quốc trở thành chương trình cho tất cả các bạn trẻ Việt

Có lẽ bạn cần tìm hiểu một chút về mô hình hội thảo Mô phỏng Liên hợp quốc (MUN) mà Thu Giang đang cùng team của mình đã tổ chức được 2 năm. Thật ra, đây là một mô hình vô cùng phổ biến tại các trường cấp 3, đại học trên khắp thế giới. Các đại biểu được tuyển chọn sẽ cùng tranh luận theo các phiên họp riêng, với các vấn đề xã hội – chính trị nổi cộm, sau đó cùng bàn bạc để đưa ra giải pháp. Tất cả đều được tái hiện giống hệt như một phiên họp Liên Hợp Quốc, điều khác biệt duy nhất là tất cả các đại biểu đều ở lứa tuổi cấp 3, hoặc đang học đại học.

Dù rất thú vị, thế nhưng ở Việt Nam, đây không phải là một mô hình được nhiều người biết đến. Hầu hết các buổi Mô phỏng LHQ tại Việt Nam đều được tổ chức trong các trường quốc tế và chỉ dành cho các học sinh của trường đó, với mức phí tham gia từ 3- 5 triệu. Không có nhiều bạn trẻ có thể tiếp cận được với những hoạt động tuyệt vời của mô hình này. Và đó chính là một phần động lực khiến Thu Giang – nhân vật chính ngày hôm nay của chúng ta, quyết định sẽ tổ chức một Hội thảo Mô phỏng LHQ của riêng mình, dành cho tất cả mọi người, với mức chi phí rẻ hơn rất nhiều.

 - Ảnh 3.

 

 - Ảnh 4.

Thu Giang tại buổi Mô phỏng LHQ năm 2015.

"Tôi biết đến và tham gia Mô phỏng LHQ đã hơn 4 năm rồi, và đây là năm thứ 5" . Thu Giang hào hứng kể lại. "Tôi đã đi hội thảo ở Việt Nam, ở khu vực, rồi ở quốc tế và cũng đã có những thành công nhất định. Môi trường của mô phỏng LHQ rèn luyện người tham gia trở thành con người có hiểu biết sâu rộng về tất cả các vấn đề trên thế giới, về những cái xung quanh mình, rèn luyện kỹ năng lãnh đạo" . Giang chia sẻ. " Tôi cảm thấy Việt Nam cần nhiều hơn những chương trình như thế này, và đó là lý do thúc đẩy tôi tổ chức hội thảo năm ngoái và cả năm nay." Giang nhấn mạnh, điều đặc biệt là, buổi hội thảo năm nay sẽ là hội thảo lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam, mở rộng cho tất cả các bạn học sinh ở mọi trường đăng ký tham gia.

Để tham gia MUN, bản thân mỗi bạn trẻ tham gia đều là những nhân tố xuất sắc. Những vấn đề mà các phiên họp MUN đưa ra hầu hết là những vấn đề chính trị, xã hội, ví dụ như chiến tranh Syria, Iraq, những vấn đề về nhập cư ở châu Âu…. Tất cả đều có vẻ xa lạ với hầu hết học sinh cấp 3 và ngay cả Đại học, phải không? "Thế nên, các bạn trẻ nộp hồ sơ cho chúng mình đều đã là những người đã rất xuất sắc rồi, những người được chọn thì lại càng xuất sắc hơn" . Giang mỉm cười tự hào.

Ngay cả khi được chọn tham gia MUN, các "đại biểu" cũng phải trải qua một cuộc training vô cùng "gian khổ", với mục đích đảm bảo tất cả các bạn khi tham gia đều có kiến thức tốt về chủ đề sẽ tranh luận, chứ không chỉ… lao vào tranh luận với nhau. Các đại biểu đều được yêu cầu làm những bản báo cáo riêng. Trong buổi hội thảo, thành viên BGK sẽ cùng nhìn cách các đại biểu tranh biện và thể hiện, lập luận trước các ứng cử viên khác để tìm ra người xứng đáng được nhận giải. " Vậy nên, khi một bạn nhận được giải thưởng có nghĩa là bạn ấy đã rất rất cố gắng".

 - Ảnh 5.

 

Việc "đã từng tham gia MUN", hoặc "đã từng nhận giải thưởng ở MUN" đồng nghĩa với những điểm sáng đặc biệt trong hồ sơ cá nhân, và điều đó khiến nhiều bạn trẻ không tiếc thời gian tìm hiểu để có mặt trong những phiên họp này. "Mô phỏng LHQ rất phù hợp với các ngành luật, khoa học chính trị, quan hệ quốc tế, kinh tế… Nó rèn luyện cho các bạn trẻ khả năng tư duy rất cao. Chưa kể, chương trình lại được diễn ra hoàn toàn bằng tiếng Anh, vậy nên nó nói lên 1 phần khả năng tiếng Anh của các bạn thế nào thì mới có thể viết được những bản báo cáo ở trình độ rất cao như thế, và còn tham gia tranh biện những vấn đề "căng thẳng" như thế bằng tiếng Anh" . Giang không giấu nổi sự ngưỡng mộ của chính mình với tất cả những đại biểu đã từng tham gia MUN. "Các bạn đều rất, rất rất giỏi" . Cô nàng nhún vai.

 - Ảnh 6.

 

Vậy "đại biểu" nào để lại cho Giang nhiều ấn tượng nhất? "Khó quá đi mất!" . Giang bật cười và nheo mày lục lại trí nhớ. " Có nhiều bạn giỏi quá, mỗi bạn giỏi một cách khác nhau". Cô nàng có vẻ vô cùng lưỡng lự. "Có bạn trường luật tham gia với chúng mình năm ngoái, năm nay bạn ấy cũng tổ chức một buổi hội thảo tương tự cho cac bạn ở trường luật, có một bạn lại nhờ vào chương trình thì xin được việc ở một công ty kiểm toán nổi tiếng. Có bạn năm ngoái được giải Đại biểu ấn tượng, sau đó bạn ấy apply vào Cambridge và đã thành công" . Hầu hết, tất cả đều đã vận dụng tuyệt vời những kiến thức và kỹ năng mà chương trình mang lại, sau đó tiếp tục theo đuổi những dự án của riêng mình và có những bước tiến nhất định. "Các bạn đều chia sẻ lại rằng, nhờ những trải nghiệm như thế này ở chương trình đã hỗ trợ các bạn ấy rất nhiều". Giang thì thầm.

Vậy điều khó khăn nhất của Giang khi làm VNMUN là gì? "Tôi phải làm thế nào để mọi người hiểu và biết đến Liên Hợp Quốc là gì, Mô phỏng Liên Hợp Quốc là gì, mục đích của nó ra sao." Sau đó là vấn đề đi xin tài trợ, vốn là một câu chuyện khó khăn muôn thưở với tất cả những chương trình do người trẻ tổ chức. "Quan trọng nhất nữa là làm các bạn học sinh, sinh viên thích và muốn tham gia chương trình này. Nhiều bạn giỏi, nhưng rồi lại ngại, sợ mình không đủ… giỏi để tham gia".

II. Những thành công đáng nể ở tuổi… 17

Cuộc nói chuyện của chúng tôi, dĩ nhiên sẽ không chỉ dừng lại ở Mô phỏng LHQ. Tôi tò mò muốn biết thêm về Giang, về cô bé 17 tuổi nhưng đã nắm trong tay những thành tích có thể khiến người lớn giật mình. Tôi không nghĩ rằng, ở tuổi 17, có nhiều người có thể tổ chức một chương trình với tầm cỡ như vậy và khối lượng thông tin – học thuật đồ sộ đến thế. Chưa kể, ở tuổi 17, Giang đã làm việc với vị trị thực tập cho Ernst&Young, 1 trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu, chưa kể đến công việc kiểm toán cho UNESCO mà Giang từ chối tiết lộ thêm nhiều. Điều này khiến tôi hơi toát mồ hôi ban đầu, dù vậy, tất cả đã bị xoá tan nhờ nụ cười tươi sáng và sự vui vẻ, thân thiện hết sức của Giang.

"Bản thân tôi là một người rất may mắn, khi đam mê của mình lại trùng hợp với cái Mô phỏng Liên Hợp Quốc. Tôi theo đuổi nó đến cùng, đến mức cao nhất, không thể lên được nữa, nhưng đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa muốn dừng" . Giang mỉm cười.

 - Ảnh 7.

 

 - Ảnh 8.

 

Khởi đầu là một đại biểu, sau đó là một đại biểu được nhận giải, rồi trở thành chủ toạ chương trình, sau đó tham gia các hội thảo quốc tế, để rồi tổ chức một hội thảo cho riêng mình và bây giờ thì nó đã trở thành hội thảo MUN lớn nhất Việt Nam – Thu Giang có quyền tự hào về những gì mình đã làm được. " Với tôi, khi mình theo đuổi đam mê, mình sẽ không cảm thấy nó là một công việc." Giang thẳng thắn chia sẻ về quãng thời gian cô nàng lao vào các hoạt động cồng đồng, chỉ để giúp cho hồ sơ đại học đẹp hơn và dễ xin học bổng hơn. "Tôi không cảm thấy thực sự vui, không thấy việc làm ấy ý nghĩa, không cảm thấy việc mình đang theo đuổi có ảnh hưởng gì đến người khác. Vậy nên, đến bây giờ, khi rất hạnh phúc với những gì mình đang làm, tôi nghĩ rằng: Theo đuổi đam mê đến cùng là rất tốt".

 - Ảnh 9.

 

 - Ảnh 10.

 

Tự tổ chức một hội thảo MUN lớn nhất ở Việt Nam, thực tập ở những công ty – tổ chức hàng đầu thế giới, nhận học bổng từ 6 trường đại học nổi tiếng, từng gây quỹ 80.000.000 cho quỹ Phẫu thuật Nụ Cười Việt Nam, chưa kể đến việc trở thành đại biểu tại hội nghị Nhà lãnh đạo trẻ Châu Á Thái Bình Dương… mọi thứ đến với Thu Giang ở quá đỗi hoàn hảo với một cô gái 17 tuổi. Nhưng điều đó không khiến Giang "say chiến thắng". Cô nàng vui vẻ và thoải mái khi nói về những thất bại của mình, như thể đó là một điều rất rất bình thường.

"Tôi thất bại hàng ngày, từ những việc rất là nhỏ như đi xin tài trợ không phải lúc nào cũng thành công, hay mình làm một số công việc này kia trong cách đàm phán, đối tác không phải lúc nào cũng đúng. Rồi đi làm, công việc được sếp giao không phải luc nào cũng làm chuẩn 100% theo ý sếp." Giang chia sẻ, và những chia sẻ này khiến tôi giật mình, không biết có thật rằng mình đang nói chuyện với một cô gái 17 tuổi nữa hay không. (Tôi đã nghĩ đến đứa em của mình ở nhà) . "Sau khi thất bại, tôi sẽ học thêm được một chút. Còn nếu không thất bại, tôi sẽ không hiểu về bản thân mình. Ngày trước, tôi rất sợ sẽ kém hơn người khác. Còn bây giờ, tôi luôn ném bản thân mình vào môi trường nào đấy giỏi hơn thì mình mới lớn lên được. Nếu tôi là người giỏi nhất ở đấy, tôi sẽ luôn luôn dừng lại như thế thôi". Giang thẳng thắn.

 - Ảnh 11.

 

Tôi hỏi Giang về… thần tượng của cô nàng, và bất ngờ khi Giang – gần như ngay lập tức, chìa ra cho tôi xem màn hình điện thoại. Một người phụ nữ tóc vàng xinh đẹp . Elizabeth Holmes, người sáng lập ra công ty thử máu Theranos trị giá 9 tỷ USD. Từng bỏ học Stanford để theo đuổi ước mơ của mình. "Tôi không quá giỏi trong các môn tự nhiên và khoa học, điểm trên giấy tờ là tốt, điểm thích đam mê thì không phải" . Giang cười thật thà. " Tôi ấn tượng chị ấy ở cách lãnh đạo, lãnh đạo vì niềm đam mê thực sự của bản thân chứ không phải là muốn trở thành nữ tỉ phú". Giang ngưỡng mộ những người phụ nữ như vậy, giỏi và có đam mê. Cô nàng nhắc đến Natalie Portman, đến Emma Watson với một sự thích thú và cảm phục. "Không khó để có những gì mình muốn, nếu mình biết cách ưu tiên cái gì trong cuộc sống". Câu nói của Giang khiến tôi nhìn lại tất cả những gì mà cô gái này đã làm, đã lăn xả ở tuổi 17, và cảm thấy những gì Giang có ngày hôm nay là hoàn toàn xứng đáng.

 - Ảnh 12.

 

 - Ảnh 13.

 

III. Kết

Sau 1 tiếng nói chuyện trên trời dưới biển, về đủ chủ đề trên đời, chúng tôi tạm biệt nhau khi trời đã tối hẳn. Giang vội vàng chạy ra chờ bố đến đón, còn tôi lặng lẽ xuống hầm gửi xe trong toà nhà hoành tráng mà cô gái này hàng ngày vẫn đến làm. Tôi vẫn chưa hết được cảm giác "ngợp" trước những gì mà Giang đã làm được - ở tuổi 17. Cũng không thể ngừng tự hỏi mình: Đang có bao nhiêu bạn trẻ làm được những thứ như Giang, hoặc hơn thế, ở tuổi 17 hoặc thậm chí là nhỏ hơn?

Có quá nhiều câu hỏi, quá nhiều cảm xúc và sự yêu mến tôi dành cho cô gái trẻ măng này. Tôi quyết định sẽ giữ cho đến lần gặp sau. Bởi tôi biết chắc chắn rằng, rồi chúng tôi sẽ gặp lại nhau, ở một cột mốc khác, một thành công mới hoặc một bước tiến tuyệt vời mà Giang đã đạt được sau khi mạnh dạn dấn thân, bước về phía trước. Tôi nhìn thấy ở Giang một tinh thần của Sheryl Sandberg, của chính Elizabeth Holmes, của những người phụ nữ trẻ đang ngày đêm miệt mài lao vào học hỏi, theo đuổi đam mê và sẵn sàng trở thành người dẫn đầu, trở thành người lãnh đạo để biến giấc mơ của mình thành sự thật.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất