Cô bé 16 tuổi nhiều lần lấy máu cứu mẹ

Zing - 05/06/2015, 16:09

"Nhiều thời điểm, không có đủ tiền để mua máu, em phải lấy máu mình để cứu mẹ”, đó là tâm sự của Lê Thị Thu Hoa, 16 tuổi, ở xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Tuổi thơ vắng cha

Trong chuyến công tác tại xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, theo nhiều người mách, chúng tôi có dịp ghé thăm nhà em Lê Thị Thu Hoa (16 tuổi, ngụ thôn Bình Bắc). Hoa được người dân trong vùng thương cảm, bởi tuổi còn nhỏ nhưng phải gồng mình để nuôi mẹ bệnh nặng đã nhiều năm liền. Trước mắt chúng tôi là căn nhà cấp 4 cũ kĩ nằm heo hút ở cuối xóm, nền nhà bằng đất, chỗ lồi chỗ lõm. Đồ đạc trong nhà đơn giản tới mức chẳng có gì đáng giá, ngoài chiếc tủ thờ và chiếc giường nhỏ của mẹ Hoa. Được biết, căn nhà mẹ con Hoa đang ở là của người cậu ruột cho ở nhờ.

Tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, Hoa xoa bóp chân, tay cho mẹ.

Tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, Hoa xoa bóp chân, tay cho mẹ.

Giữa cái nắng oi bức của tháng Năm, Hoa hì hục làm cỏ cho ruộng khoai, sắn trước nhà, còn bà Trần Thị Thu Hà (39 tuổi), mẹ Hoa vì không đứng được nên chỉ ngồi trong nhà, nhìn con mà xót xa. Trò chuyện với chúng tôi, Hoa tâm sự: "Từ khi sinh ra em đã không biết cha mình là ai. Mẹ nói là em không có cha. Còn hàng xóm nói là cha em bỏ đi theo người đàn bà khác để ba mẹ con em phải bơ vơ".

Bà Nguyễn Thị Phúc (40 tuổi, ngụ xóm 3, thôn Bình Bắc), hàng xóm của gia đình Hoa cho biết, hoàn cảnh của gia đình em Hoa rất đáng thương. Nhiều năm nay, mẹ con Hoa thuộc diện hộ nghèo của xã. Cha mẹ em cưới nhau, nhưng không có mảnh đất cắm dùi, nhà cũng phải đi ở nhờ nhà ba mẹ chồng. 

Khi người anh trai Lê Công Bắc lên 2, còn Hoa chưa tròn 1 tuổi, thì cha vào TP HCM làm thuê kiếm tiền. Ngờ đâu, một thời gian sau, ba mẹ con Hoa nhận tin, cha đã “theo” người phụ nữ khác, không về quê nữa. "Cảnh đã nghèo khó mà chồng lại bỏ đi, một mình nuôi hai con nên mẹ của Hoa càng vất vả. Để có tiền nuôi con ăn học, cô Hà phải gửi con cho mẹ đẻ, còn mình vào TP HCM làm công nhân may", bà Phúc cho biết thêm.

Theo lời kể của ông Trần Công Sơn (44 tuổi, ngụ xóm 3, thôn Bình Bắc), cậu ruột của Hoa thì, bà Hà nhiều lần bị chảy máu ở mũi nhưng vì không có tiền, nên chẳng dám đi bệnh viện khám. Năm 2012, trong lúc đang làm việc, bà Hà bị ngất, may mắn có các công nhân đưa đi cấp cứu kịp thời. Các bác sĩ chẩn đoán, bà Hà bị ba căn bệnh: Xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, bệnh đái tháo đường, viêm phế quản. 

"Cả ba căn bệnh này, sự sống được duy trì bằng thuốc. Các bác sĩ khuyên chị Hà nên về quê nghỉ ngơi. Nhưng vì sợ không có tiền nuôi con ăn học, nên chị Hà cố gắng làm. Đến tháng 4/2014, bệnh nặng hơn, không còn sức để đi lại nên phải về quê để chữa bệnh. Nhà không có, nên tôi đưa ba mẹ con chị gái về nhà tôi sống. Nhưng vì nhà tôi đông con lại nghèo nên cũng không giúp được gì cho mẹ con chị", ông Sơn trầm buồn, khi kể về cuộc đời của chị gái.

“Nhìn con mệt lả, lòng tôi đau đớn lắm"

Dù hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn bộn bề, nhưng Hoa vẫn miệt mài chăm chỉ học tập và suốt 10 năm học, em luôn đạt học sinh giỏi. Ngoài đến lớp, em tranh thủ thời gian quán xuyến công việc bên gia đình nhà ngoại và đi gom nhặt ve chai, đồng nát để kiếm tiền lo cho việc học và chữa bệnh cho mẹ. Đến năm 2014, bà Hà bệnh nặng, đi lại khó khăn, chỉ ngồi một chỗ, nên cuộc sống của ba mẹ con lâm vào cảnh khó khăn. Thương mẹ vất vả nên Hoa nghỉ học, ở nhà đi làm thuê kiếm tiền lo thuốc men và chăm sóc mẹ.

"Bây giờ nhà em tiền ăn còn không có, lấy đâu tiền mà đi học. Anh trai em nói, sẽ nghỉ học để lo cho mẹ, còn em hãy cố gắng đi học. Nhưng em học lớp 11 nghỉ rồi sau này có điều kiện đi học lại cũng được, còn anh trai đã học năm nhất đại học, nếu nghỉ thì uổng lắm. Em ở nhà làm lo thuốc men cho mẹ, còn anh trai trong TP HCM, một buổi đi học còn một buổi đi làm thuê, trang trải cuộc sống và học phí", Hoa chia sẻ.

Gác chuyện học tập, cô bé 16 tuổi trở thành trụ cột của gia đình. Ai thuê, mướn làm gì thì Hoa làm nấy, từ gặt lúa đến phụ hồ. Sáng sớm, Hoa đã ra khỏi nhà, chiều tối mới về. Hôm nào đi làm gần nhà, buổi trưa, Hoa tranh thủ lúc nghỉ ngơi, chạy về lo cơm nước và ăn cùng mẹ. Hôm nào làm xa, em dậy sớm nấu cơm, rồi nhờ hàng xóm lo cho mẹ. Vừa trò chuyện với chúng tôi, Hoa vừa tranh thủ làm cỏ ruộng khoai, sắn cho xong để chiều đi cấy lúa thuê cho một người ở đầu xóm. Nhìn cô bé đang tuổi cắp sách đến trường, phải vất vả mưu sinh lo toan cho gia đình ai cũng phải xót xa.

"Nhìn cảnh cháu Hoa mà thương quá, con tôi bằng tuổi cháu Hoa, nhưng chỉ biết đi học với chơi. Đằng này, cháu lại vất vả đi làm để lo cho mẹ. Nhiều khi, trưa nắng, người lớn mà chịu không nổi phải về nhà nghỉ ngơi, thế mà cháu Hoa vẫn cặm cụi ngoài đồng. Ai cũng thương lắm", bà Phúc xót xa khi nói về hoàn cảnh của Hoa. Dù làm việc vất vả như thế, nhưng số tiền Hoa làm ra cũng không đủ lo thuốc men cho mẹ. Hoa cho biết, riêng tiền thuốc cho căn bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn của mẹ đã "ngốn" của em từ 3 - 4 triệu đồng mỗi tháng. Hàng tháng bà Hà phải đến bệnh viện để khám và truyền bạch tiểu cầu vào người, mỗi lần như thế hết hơn 3 triệu đồng.

"Bác sĩ kiểm tra, nếu sức khỏe của mẹ em ổn thì truyền một bịch, còn mệt thì truyền nhiều hơn. Tháng Chạp vừa rồi, sức khỏe mẹ yếu nên phải truyền đến bốn bịch máu, chi phí hết hơn 6 triệu đồng. Rồi, tiền thuốc của hai căn bệnh kia nữa. Em không biết lấy tiền đâu ra", Hoa lau vội nước mắt và nói. “Hàng tháng, anh trai em vẫn phải lấy số tiền làm thêm, dành dụm đóng học phí gửi về điều trị bệnh cho mẹ, nhưng vẫn không thấm vào đâu. Rồi người thân trong gia đình, bà con hàng xóm thương tình đóng góp... Khi mà không còn tiền để mua máu cứu mẹ, em đã nhiều lần lấy máu mình để truyền cho mẹ”, Hoa tâm sự.

"Biết trong nhà không có tiền, nên khi nào đau lắm, tôi mới vào bệnh viện Quảng Ngãi nằm. Nhiều lần hết tiền mua máu, con Hoa phải lấy máu của mình truyền cho tôi. Nhìn con mệt lả, lòng tôi đau đớn lắm", bà Hà nói trong nước mắt. Bữa ăn hàng ngày của hai mẹ con chỉ có cơm trắng, rau luộc và nước mắm. Thi thoảng, có bữa, có thêm con cá, ít thịt là do bà con hàng xóm thương tình cho. Vì hoàn cảnh gia đình nên mơ ước được trở lại trường trở nên quá xa vời với Hoa. "Giờ em chỉ mong mình có sức khỏe để đi làm, kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ, còn chuyện đi học thì...", Hoa bỏ giữa chừng, không nói hết câu.

Khi chúng tôi chuẩn bị ra về, cũng là lúc Hoa chuẩn bị đi cấy lúa thuê cho một người ở đầu xóm. Nhìn bóng em liêu xiêu, lặng lẽ bên những âm thanh lọc cọc phát ra từ chiếc xe đạp trên đường làng, đi ngược với nhóm học sinh mặc đồng phục cười nói rôm rả, chúng tôi không những cảm thông mà còn nể phục sự hiếu thuận của em đối với mẹ. Chúng tôi cũng cảm nhận được nét buồn phảng phất trên gương mặt Hoa khi em nhìn các bạn cùng trang lứa đi học về.

Ông Trần Công Thành, Chủ tịch UBND xã Tịnh Bình cho biết: “Gia đình cháu Lê Thị Thu Hoa là hộ nghèo nhất của xã. Vì lúc trước, ba mẹ con nhập hộ khẩu với ông bà nội nên không được xét vào diện hộ nghèo. Hiện, xã đang làm thủ tục chuyển khẩu cho mẹ con cháu Hoa để được hưởng các chính sách an sinh xã hội dành cho hộ nghèo. Trước mắt, xã đã hỗ trợ cho ba mẹ con cháu Hoa 45 kg từ nguồn gạo dự trữ của xã”.

 

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất