Chuyện cổ tích của nữ sinh nghèo "phải cất giấy báo nhập học": Cái gật đầu của người mẹ đáng thương và món quà nhân văn đầy bất ngờ
Bà Hạt hứa với con gái rằng sẽ cố gắng tự chăm sóc bản thân, thăm khám thường xuyên và uống thuốc đều đặn. Còn Ngọc, dù không dám hứa sau này sẽ kiếm thật nhiều tiền để báo đáp mẹ, nhưng em sẽ luôn phấn đấu, để xứng đáng với giấc mơ đại học và sự kì vọng của thầy cô, cộng đồng.
Cô bé Ngọc lần đầu xa mẹ, vượt quãng đường gần 300km từ xóm nghèo Nghi Tiến (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) ra Hà Nội nhập học. Với Ngọc, mảnh đất mới lạ này chẳng có gì nhiều ngoài mái trường mơ ước cùng sự cô đơn. Chưa bao giờ em dám "trốn" khỏi lũy tre làng, thế nhưng, như bao đứa trẻ tỉnh lẻ khác, nếu muốn đổi đời và có một cuộc sống khấm khá hơn, Đại học không phải là con đường duy nhất, nhưng ngắn nhất.
"Mẹ xin lỗi. Mẹ không biết mình còn có thể sống được thêm bao lâu nữa. Giờ con đi học, rồi ai nuôi nấng con nơi đất khách quê người. Mẹ biết con đã khóc nhiều lắm, con hay giấu mẹ ngồi một mình bên ngoài để khóc. Mẹ thương con, nhưng chẳng biết phải làm sao...".
Bà Hạt (57 tuổi) - mẹ Ngọc, nói với con gái, như tự vấn chính bản thân mình. Bà là mẹ đơn thân, lại bệnh tật, hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn. Quyết định cho Ngọc ra Hà Nội, với bà, chưa bao giờ là dễ dàng. Bà van nài, bất lực "xin" đứa con duy nhất của mình thôi không học ĐH nữa...
Hai mẹ con bà Trần Thị Hạt và em Trần Thị Hồng Ngọc. Ảnh: Trí Thức Trẻ.
Người mẹ nghèo đơn thân không dám mơ cho con tiếp tục học ĐH
Năm 20 tuổi, bà Hạt không may gặp tai nạn trong một lần tham gia lao động ở địa phương. Bị một thân cây lớn đè lên người, cánh tay trái của bà bị gãy, đứt dây thần kinh không nối lại được, buộc phải cưa đến tận bả vai.
Năm 1986, địa phương tạo điều kiện cho bà làm công việc văn thư ở xã Nghi Tiến (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), tiền lương khi ấy vào khoảng mấy chục nghìn đồng. Mãi đến đầu năm 2019, khoản tiền mới tăng lên 1 triệu.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn lại mang thương tật trên người, bà Hạt luôn cảm thấy lạc lõng giữa xã hội. Nguyện ước có một đứa con để nương tựa lúc về già, bà đánh liều tự "xin" con, rồi làm mẹ đơn thân bằng tất cả nghị lực phi thường vượt lên điều tiếng. Ngày con bé Ngọc ra đời, bà hạnh phúc khôn xiết. Nước mắt rơi đầy trên khuôn mặt đáng thương, bù lại khoảng thời gian người phụ nữ mang bầu rồi tự mình vượt cạn.
Năm 2015, khi con gái vừa tròn 14, bà Hạt bị gãy chân, nghỉ một năm không làm gì ra tiền. Số phận người đàn bà lam lũ, nhọc nhằn cứ ngỡ từ đây sẽ thôi bất hạnh, bỗng 3 năm sau, bà hay tin mình mắc ung thư tuyến giáp giai đoạn cuối. Sức khỏe giảm sút, bà Hạt bước vào ca phẫu thuật trong tâm thế lo lắng, bồn chồn. Hàng tháng, bà tái khám và điều trị tại bệnh viện Ung bướu Nghệ An, chi phí mỗi lần hết 3-4 triệu đồng.
Bà Hạt không dám mơ cho con gái tiếp tục học ĐH, bởi bà không còn đủ tiền để lo liệu mọi thứ. Học hết cấp 3 với một đứa trẻ nông thôn, thế là đủ rồi! Bà chưa một lần mua đủ bộ sách giáo khoa cho con bé Ngọc, hay sắm cho nó một bộ quần áo mới để tựu trường. Với người mẹ, tình thương cho con là điều giá trị duy nhất bà có.
Căn nhà nhỏ xập xệ là nơi 2 mẹ con Ngọc sống hàng chục năm qua. Ảnh: Facebook.
Bà Hạt phải chặt mất cánh tay trái sau một lần tai nạn lao động, giờ lại mắc phải căn bệnh ung thư tuyến giáp giai đoạn cuối. Ảnh: Trí Thức Trẻ
"Xin mẹ mua cho con cái khung, con treo giấy báo nhập học lên tường nhà"
Ngọc thích đọc sách, mê mẩn từng trang viết của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Con bé còn "ngấu nghiến" cuốn "Tiếng chim hót trong bụi mận gai" của nữ văn sĩ Colleen McCullough, để làm tư liệu văn học cho bản thân. Thi môn Văn, dù không biết "Ai đã đặt tên cho dòng sông?", nhưng "cái Ngọc - con bà Hạt được 9.25 điểm, cao nhất trường cấp 3 THPT Nghi Lộc 4 đó". Môn Lịch sử được gièn dũa qua hàng trăm sơ đồ tư duy xuất sắc cán mốc 7.75 điểm.
"Còn môn Địa, em ôn thi không được mấy, nhưng điểm lại cao hơn Sử, đạt 8.75 điểm" - Ngọc cười, khuôn mặt rạng rỡ.
Nhà cách trường cấp 3 gần 10 km, trước kia, Ngọc cần mẫn đạp xe mỗi ngày. Sau, anh em họ hàng thương cảnh con bé trời nắng trời mưa cặm cụi không nghỉ, liền góp tiền mua tặng chiếc xe đạp điện. Đường đến với con chữ bởi thế cũng đỡ gian nan.
Thay vì đến lớp học thêm, Ngọc ra đồng giúp mẹ trồng rau, rồi đem ra chợ bán lấy tiền. Nghỉ học, em xin mẹ ra thị xã làm bưng bê cho quán ăn, mỗi ngày được trả 100.000 đồng, nếu làm nửa buổi thì 80.000 đồng.
"Mệt nhưng được cái hai mẹ con có đồng ra đồng vào" , Ngọc nói. Ngày chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT Quốc gia cũng là lúc Ngọc hay tin mẹ mắc bệnh ung thư tuyến giáp.
Ngọc từng rất buồn khi phải nói lời xin mẹ tiền để đóng khung tờ giấy thông báo nhập học.
Nếu tỉnh tổng số đề ôn thi trắc nghiệm, đến Ngọc còn không nhớ nổi bản thân đã "kinh" qua con số bao nhiêu vì nhiều quá! Cô bé chỉ nhớ những lần lên thư viện trường mượn sách, qua nhà cô giáo nhờ ôn thêm các dạng văn. Mỗi tuần, từ tháng 3 đến tháng 5, em luyện một đề viết, tích cóp dần vốn từ để bài văn thêm phong phú và sâu sắc.
Tuy tổng điểm 26.5 không đủ để ứng tuyển vào nguyện vọng 1 của trường ĐH Kiểm Sát Hà Nội, nhưng Ngọc chắc chắn "ẵm" một suất học tại Khoa Báo chí, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.
Ngày nhận giấy báo nhập học, nếu như nhà người ta, vừa vui vừa tự hào đến độ mổ gà mổ lợn mời khách, thì với Ngọc, suy nghĩ đầu tiên là phải... cất nó đi. Bà Hạt không muốn con gái mình học ĐH vì nhà bà nghèo quá, rồi bà lo đầu ra của nghề báo liệu có ổn định. Nên thôi, như bao đứa trẻ nông thôn khác, học xong cấp 3 đã là một "đặc ân" lớn lao. Ý bà Hạt là, con bé Ngọc nên ở nhà đi làm kiếm tiền tự nuôi nó và nuôi cả bà. Nhưng bà cũng day dứt nhiều lắm.
Ngọc buồn khi mẹ bảo: "Con nên xác định tư tưởng đi!". Cầm giấy báo nhập học trên tay, em càng buồn hơn. Thế là, nó bảo bà Hạt, giọng điệu vừa vui vừa buồn, vừa thật vừa không thật: "Xin mẹ mua cho con cái khung, con treo giấy báo lên tường nhà".
Dứt câu, hai mẹ con ôm nhau khóc nức nở. Lời Ngọc nói ra, nhẹ nhàng và có phần bâng quơ, nhưng lại vô tình "giết chết" một người mẹ như bà Hạt. Bà xót xa khi mình sinh con ra, nhưng lại không thể làm tất cả vì nó.
"Mẹ xin lỗi, vì mẹ mà con phải nghỉ học".
Hoàn cảnh gia đình khó khăn tưởng như sẽ đóng lại mọi cánh cửa tương lai của Ngọc.
Cái gật đầu của người mẹ đáng thương và món quà nhân văn đầy bất ngờ
"Nếu không đi học, chắc em sẽ phải đi làm để phụ tiền thuốc thang cho mẹ. Bác sĩ bảo mẹ em phải uống thuốc cho đến khi chết...".
Điểm số thi ĐH xuất sắc, những tấm bằng khen treo đầy trong nhà, nghị lực phi thường của cô con gái... cũng không thể thắng nổi nỗi lo của người mẹ tật nguyền. Thầy cô, bạn bè, người thân, họ hàng đều tận tình hỏi thăm, mỗi người một lời động viên, cố gắng xin cho Ngọc được đi học, bà Hạt vẫn kiên quyết nói không, vì bà sợ mình không gắng được tiền chu cấp cho con.
Trước ngày nhập học được ghi trong giấy báo một ngày, thầy Nguyễn Văn Phương - Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 4 đã về tận nhà, xin bà Hạt cho Ngọc ra Hà Nội học ĐH.
"Mẹ im lặng cả buổi không nói gì, em cũng sợ. Ăn trưa xong, mẹ vào trong phòng, ngồi trên giường, mẹ không ngủ được.
Em mạnh dạn hỏi mẹ: Con xin mẹ cho con được đi học, trước mắt là kì đầu tiên. Con sẽ vừa học vừa làm, cố gắng tiết kiệm. Nếu đủ trang trải, con xin mẹ học tiếp. Nếu không, con sẽ bảo lưu, về nhà đi làm rồi sang năm học tiếp".
Bà Hạt thương con, khóc đến khô cả mắt và lẳng lặng gật đầu đồng ý. Thế là, nhỏ Ngọc cũng thỏa giấc mơ vào ĐH, ít nhất là để hai mẹ con thoát khỏi cái nghèo.
"Em say mê văn học, nên báo chí có vẻ là thế mạnh của em nhỉ? Nhưng em không sợ nghề báo thường khó khăn với con gái hay sao? Và mẹ em thì nghĩ gì?" , tôi hỏi.
"Em mê làm thơ, viết văn. Em còn từng làm "báo" cho trang bảng tin của trường cấp 3. Mẹ em, đương nhiên là luôn ủng hộ đam mê của em, chỉ là mẹ sợ không đáp ứng đủ điều kiện cho em theo học.
Còn em, em không sợ. Với đam mê của mình, em phải cố gắng để được trải nghiệm. Nghề báo rất vất vả, nhưng cũng thú vị vì được đi nhiều nơi, gặp nhiều người, tiếp xúc với nhiều câu chuyện trong cuộc sống. Điều tuyệt vời nhất nghề báo mang lại, em nghĩ là được chia sẻ kiến thức với mọi người. Và sau này, em cũng sẽ nghĩ đến những hoàn cảnh như em hiện giờ, đã từng được các anh chị "tiền bối" giúp đỡ như thế nào".
Giây phút Ngọc ôm chầm lấy mẹ trước khi lên đường ra Hà Nội nhập học. Ảnh: Facebook.
Nhận được cú gật đầu của mẹ Hạt, y như chìa khóa mở ra những cánh cổng trước mắt mình, Ngọc đặt vội xe khách cho ngày ra Hà Nội làm thủ tục nhập học. Điều mà em không bao giờ nghĩ đến, chính là món quà bất ngờ từ thầy cô trường ĐH Nhân văn nơi mà em sắp theo học.
Cuối chiều 21/8, PGS.TS. Nguyễn Quang Liệu - Trưởng phòng Chính trị công tác sinh viên, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, đã đích thân tìm về tận nhà Ngọc để hỏi thăm hoàn cảnh, đồng thời đón em ra trường để kịp làm thủ tục nhập học vào ngày 22/8. Thầy Liệu còn mang theo học bổng giá trị đầu đời dành cho em.
Theo đó, Ban lãnh đạo nhà trường đã quyết định miễn học phí toàn bộ khóa học, đồng thời hỗ trợ chỗ ở miễn phí tại ký túc xá nhà trường cho em trong suốt khóa học. Bên cạnh đó, sau mỗi học kỳ, nhà trường thực hiện xét các học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó theo quy định và sẽ ưu tiên giúp đỡ em. Kết thúc 4 năm học, nhà trường sẽ tạo điều kiện và liên hệ với các cơ quan báo chí để Ngọc có công việc phù hợp với ngành học mà em đã theo học.
GS.TS Phạm Quang Minh - hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn xúc động chia sẻ trước quyết định này, "Tôi cảm động trước ý chí và nghị lực của em Ngọc và nhận thấy em là một bạn trẻ có tiềm năng. Nhà trường sẽ rất buồn nếu những khó khăn, nghiệt ngã của cuộc sống lại trực tiếp tước đi ước mơ và tương lai của một bạn trẻ như vậy. Nếu em đã chọn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) với một tình yêu và sự nỗ lực đến thế thì chúng tôi cũng mong muốn được góp phần nào vào việc giảm thiểu những khó khăn mà cuộc sống đặt ra cho em, để em có thể đi đến cùng với ước mơ trên con đường học vấn.
Tôi hy vọng em sẽ đón nhận món quà này, tình cảm này của nhà trường để tạo đà cho một tương lai tốt đẹp hơn, đem đến hạnh phúc cho cá nhân em và người mẹ của mình. Nhà trường sẽ vui mừng được đón em với tư cách là tân sinh viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vào ngày nhập học".
Ngoài ra, TS. Nguyễn Anh Thu (Trưởng ban Hợp tác Phát triển, ĐHQGHN) cũng xác nhận sẽ hỗ trợ em Ngọc một chiếc xe đạp làm phương tiện để em đi học hàng ngày cùng 2 triệu đồng mỗi tháng tiền sinh hoạt phí trong năm học đầu tiên.
Trước đó, sáng cùng ngày, lãnh đạo trường THPT Nghi Lộc 4 (Nghệ An) đã thay mặt cho các nhà hảo tâm đến tặng 1 sổ tiết kiệm 50 triệu đồng cho mẹ Hạt, 25 triệu tiền mặt để Ngọc chuẩn bị lên đường nhập học và một khoản kinh phí trong tài khoản dự phòng cho em.
Thầy Nguyễn Quang Liệu cẩn thận kiểm tra hồ sơ của Ngọc để xem cần bổ sung những giấy tờ gì trước lúc lên xe ra trường nhập học. Ảnh: Trí Thức Trẻ.
"Được đặt chân vào trường Nhân văn, ước mơ lớn nhất của em là trở thành một con người nhân văn"
Ngọc chia tay mẹ, lên Hà Nội một mình trong nỗi nhớ nhung. Chuyến đi đầu đời, xa con xóm nhỏ, cũng là lần đầu tiên xa mẹ.
Trước khi đi, mẹ ôm em, nói: "Mẹ không muốn xa con, mẹ không cho con đi nữa đâu" . Rồi mẹ khóc.
Mẹ ở nhà, Ngọc nương nhờ anh em họ hàng chăm sóc. Nếu muốn báo đáp mọi người, cách duy nhất là em phải học thật xuất sắc. Sau khi ổn định việc học, Ngọc hy vọng có thể kiếm được việc làm thêm đúng ngành và phù hợp, để trang trải chi tiêu và lo cho mẹ phần nào.
"Em rất vinh hạnh đón nhận tình yêu và sự quan tâm của các thầy cô, anh chị trường Nhân văn. Em tin mình đã chọn đúng mái trường để gửi gắm 4 năm tiếp theo của cuộc đời". Ngọc nói, dù Hà Nội với em 2 ngày vừa qua thật xa lạ và chán nản, không có bạn bè, đêm không thể ngủ. Nhưng em không cho phép mình nản chí.
Nhờ có nhà trường, cộng đồng, hàng xóm và người thân, 2 mẹ con Ngọc đã có sự đổi thay ngay trên căn nhà cấp 4 tồi tàn của mình. Bà Hạt hứa với con gái, rằng sẽ cố gắng tự chăm sóc mình, điều trị, thăm khám thường xuyên và uống thuốc đều đặn. Còn bé Ngọc, dù không dám hứa hẹn sau này sẽ giàu có để báo đáp mẹ, nhưng với bản thân, sẽ luôn ngoan ngoãn và hết mình với cuộc sống. Và trước cám dỗ của cuộc sống xa mẹ, xa quê hương, sẽ là một Hồng Ngọc tự tin, tự bảo vệ chính mình và kiên cường trước mỗi quyết định.
Sáng 22/8, Ngọc làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ảnh: Fanpage Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - USSH Hanoi
Em nắn nót từng dòng chữ. Ảnh: Fanpage Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - USSH Hanoi
Mỗi đứa trẻ tỉnh lẻ khi đặt chân tới Hà Nội - vùng đất được xem là miền đất hứa, đều ấp ủ những ước mơ và dự định. Và đây là câu trả lời của Ngọc khi được hỏi, ước mơ cao cả nhất của em là gì?
"Trước kia, khi còn nhỏ và chưa nhiều hiểu biết, em ước mơ lung tung nhiều lắm. Nhưng hiện giờ, khi đã được đặt chân vào trường Nhân văn rồi, ước mơ lớn nhất của em là trở thành một con người nhân văn".
Hãy như Ngọc, có bản lĩnh và đam mê. Dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, sự phấn đấu của bản thân sẽ luôn được đền đáp. Như cách Ngọc kết thúc buổi trò chuyện một cách đầy lạc quan, rằng em nói:
"Lời khuyên duy nhất của em dành cho các bạn cũng trong hoàn cảnh như em, là phải biết vươn lên, cố gắng hơn nữa, vì xã hội sẽ không bỏ qua sự nỗ lực của bất kỳ ai".
Chúc Ngọc sẽ luôn giữ được nụ cười hạnh phúc trên môi, cho hành trình 4 năm sắp tới dưới mái trường Nhân văn.
Video được xem nhiều nhất