Chủ nhà không cho "chủ shop xúc phạm shipper" tiếp tục thuê cửa hàng vì không đồng tình cách hành xử
Trước sự việc chủ shop ở đường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội không trả 50 nghìn đồng tiền công cho shipper, còn ném gương mắng chửi và dọa đánh…, chủ ngôi nhà trên đã thu hồi lại cửa hàng và bày tỏ không hài lòng về cách hành xử của người thuê.
Chủ nhà quyết định chấm dứt hợp đồng
Mấy ngày nay, trên mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh dù 2 bạn shipper (người giao hàng) đã hết lời năn nỉ chủ shop trả 50 nghìn đồng tiền công nhưng chị H. (chủ shop, ở đường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhất quyết không đưa vì đồ không giao được đến khách hàng.
Không những vậy, chị còn ném gương, mắng chửi và dọa đánh shipper khiến nhiều người bức xúc, thậm chí dọa báo công an… Sự việc khiến nhiều người xôn xao, gây nên phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng shipper khi chủ shop được cho là đã có lời lẽ xúc phạm đến những người làm nghề ship.
Chiều 13/4, theo ghi nhận của chúng tôi cửa hàng trên vẫn đóng cửa im ỉm. Trên cửa nhà có dán tờ giấy thông báo thu hồi cửa hàng cho thuê.
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với chúng tôi, anh Dũng - chủ nhà cho thuê cho biết, anh đã thu hồi lại ngôi nhà trên và không đồng ý cho chị H. thuê để buôn bán kinh doanh nữa.
"Sau khi biết sự việc, tôi không đồng ý cho chị H. thuê nhà nữa. Không hiểu cô ấy làm ăn kiểu gì để mọi người kéo đến nhiều quá", anh Dũng nói.
Theo anh Dũng, chị H. thuê cửa hàng trên được gần 1 năm nay, thời hạn thuê theo hợp đồng 6 tháng. "Bản thân khi cho cô ấy thuê, tôi cũng không quan tâm đến việc kinh doanh nên không dám nhận xét. Tuy nhiên, cách đây 2 ngày đang công tác ở Quảng Ninh thì nghe người nhà nói về việc này nhiều quá nên tôi phải vội trở về. Về thì thấy trước cửa nhà vương vãi mắm tôm và tôi quyết định chấm dứt hợp đồng", anh Dũng cho hay.
Chủ nhà đã thu hồi lại cửa hàng sau sự việc xảy ra.
Anh Dũng đã cố gắng gọi điện thoại nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa liên lạc được với người thuê nhà để kinh doanh này. "Sáng tôi có gọi điện cho chồng cô H. thì cậu ấy gửi lời xin lỗi. Tôi nói là làm như thế tôi không cho thuê nữa, để mọi người ném như vậy vào nhà mình là không được và đã vi phạm hợp đồng thuê nhà.Tôi cũng nói rằng trong hết ngày hôm nay cô ấy phải trả lời tôi về việc này", vị chủ nhà cho hay.
Anh Dũng cũng cho biết, bản thân không rõ sự tình. Khi hỏi hàng xóm xung quanh, mọi người cho biết, chị H. đã có cách cư xử chưa chuẩn mực, thuê người ship hàng nhưng khi không giao được hàng thì không trả tiền công.
Cách đây không lâu, khi chị H. thuê được 6 tháng anh định chấm dứt hợp đồng vì bản thân và mọi người xung quanh không hài lòng với cách hành xử, giao tiếp của chị H. nhưng chồng cô gái này đã đứng ra năn nỉ, nói rằng cô sắp sinh con xin thuê tiếp nên anh đồng ý.
"Theo cá nhân tôi, về việc thuê người ship hàng cho mình và bản thân họ cũng đã hoàn thành công việc, họ cũng không biết được giữa cô H. và khách mua hàng giao dịch mua bán với nhau thế nào. Họ chỉ đi giao hàng và đã hoàn thành công việc dù đến nhưng khách hàng không ra lấy. Về nguyên tắc, cách hành xử của cô H. như thế là sai. Chỉ có 50 nghìn thôi nhưng việc làm trên đã ảnh hưởng không nhỏ", anh Dũng chia sẻ.
Cửa hàng bị nhiều người ném mắm tôm vì quá bức xúc
Anh Dũng cũng bức xúc khi việc chị H. đăng tải thông tin chuyển nhượng cửa hàng nhưng không thông báo cho mình. "Cô ấy không nói gì mà còn đăng lên mạng chuyển nhượng cửa hàng nhà tôi. Trong hợp đồng tôi viết rất rõ không được phép chuyển nhượng cho bên thứ 3. Nếu bản thân cô ấy không thuê nữa phải báo cho tôi để tôi cho người khác thuê chứ đằng này lại làm như vậy".
Liên quan đến vụ việc có người ném mắm tôm vào cửa hàng trên, trao đổi với chúng tôi, một cán bộ công an phường Mai Dịch cho biết đơn vị không nắm được thông tin chủ nhà cũng như việc người dân trình báo.
Chủ shop nên trả tiền cho shipper
Về vấn đề nhiều người thắc mắc là liệu chủ shop phải trả 50 nghìn đồng hay người đặt mua phải trả số tiền ship đó cho người vận chuyển, trao đổi với chúng tôi, luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng luật sư Giang Thanh (Hà Nội) cho biết, thông thường đối với trường hợp vận chuyển hàng thì người nhận (khách hàng) sẽ là người thanh toán tiền vận chuyển.
Người vận chuyển (shipper) khi nhận hàng từ người bán sẽ thanh toán luôn tiền hàng cho chủ hàng, sau đó chuyển hàng cho người nhận. "Lúc này người nhận hàng thanh toán cho shipper tiền hàng cùng với tiền vận chuyển đã được thỏa thuận từ trước. Điều này giúp shipper không phải quay lại nơi đã nhận hàng nữa, tránh việc phải di chuyển nhiều mất công sức, thời gian và tiền bạc. Cũng có khi người bán hàng thanh toán tiền vận chuyển cho shipper. Trường hợp này là do thỏa thuận trước với khách hàng và do quen thân với shipper từ trước", luật sư Giang Hồng Thanh cho hay.
Theo luật sư Giang Thanh, về phía khách hàng, khi họ nhận hàng sẽ thanh toán cả tiền hàng lẫn tiền vận chuyển cho shipper. Nếu không lấy hàng vì lý do nào đó, đa số khách hàng vẫn trả tiền vận chuyển cho shipper.
Nhiều người cho rằng cách hành xử của chị H. với shipper là không phù hợp.
"Nói chung nghề vận chuyển hàng là nghề lấy công làm lãi và gặp nhiều rủi ro. Hiện tượng không tìm được khách hàng hay khách hàng trốn tránh không lấy hàng không phải là hiếm. Thậm chí shipper bị lừa cũng đã từng xảy ra. Khi đó shipper vừa mất cả công lẫn tiền mà không biết đòi lại ở đâu. Nhưng cũng có những shipper có hành vi gian dối khi đánh tráo hàng lúc giao cho người nhận. Tuy nhiên cá nhân tôi luôn trân trọng những bạn trẻ làm nghề vận chuyển hàng vì thu nhập không cao nhưng trách nhiệm lại tương đối nặng nề. Bản thân tôi tiếp xúc với nhiều shipper, thấy họ có thái độ khá thân thiện, vui vẻ và nhiệt tình", vị luật sư này nêu quan điểm.
"Trở lại trường hợp vừa xảy ra được báo chí nhắc tới, cần khẳng định rằng lỗi đầu tiên thuộc về khách hàng nếu quả thực khách trốn tránh không nhận hàng. Điều này nằm ngoài mong muốn của cả người bán lẫn shipper. Tuy nhiên có một thực tế là shipper đã phải đi lại 2 lần (mà bình thường chỉ phải đi 1 lần), do đó dù không bán được hàng và nếu việc đó không phải lỗi của shipper thì chủ hàng vẫn nên thanh toán tiền vận chuyển, kể cả bị thua lỗ trong giao dịch lần này", luật sư Giang Thanh thẳng thắn nhận định.
Về vấn đề một số người vì bức xúc đã ném mắm tôm rồi tụ tập trước cửa hàng. Luật sư Giang Thanh cho rằng, sau khi sự việc xảy ra, người chủ hàng đã có lời xin lỗi shipper, đây là thái độ rất thiện chí. "Vì vậy các bên cần bỏ qua cho nhau những lời nói, việc làm chưa phù hợp như ném mắm tôm để chấm dứt mọi hành động gây tổn hại đến nhau, thậm chí là hành động vi phạm pháp luật. Nếu thiếu sự kìm chế, rất có thể sự việc sẽ bị đẩy đi xa ngoài tầm kiểm soát và khi đó sẽ có người phải chịu sự trừng phạt của pháp luật", luật sư Giang Thanh nói thêm.
Video được xem nhiều nhất