Shipper lao đao vì những mánh lừa của khách

24h - 27/08/2015, 17:04

Nỗi khổ lớn nhất của shipper không phải là đội nắng, đội mưa chở hàng cho khách mà là vướng phải những mánh lừa gian xảo của chủ shop hoặc khách hàng.

 

Kinh doanh online phát triển cũng là lúc thời đại của các shipper lên ngôi. Do nhu cầu mua hàng online của người dân ngày càng cao nên các shipper không bao giờ lo thiếu việc, nếu khéo sắp xếp, vận chuyển nhiều đơn hàng có thể cho thu nhập vài trăm ngàn/ngày.

Tuy nhiên, nghề ship cũng có nhiều gian nan và rủi ro. Bên cạnh việc phải đội nắng, đội mưa, di chuyển quãng đường dài chở hàng cho khách, họ còn thường gặp phải khách "bom", khách hàng khó tính, bị shop thiếu tôn trọng… Thậm chí, họ còn phải đối mặt với hàng loạt những mánh lừa của chủ shop và khách hàng.

 - 1

Những mánh khóe lừa đảo của chủ shop (hoặc giả danh chủ shop) khiến các shipper lao đao (ảnh minh họa)

Hiện nay, phần lớn các cửa hàng kinh doanh online đều thuê ship ngoài bởi lượng hàng cần vận chuyển không quá lớn. Với mỗi đơn hàng, các shipper phải đặt một khoản tiền tương ứng với giá trị sản phẩm cho chủ shop, sau đó thanh toán với khách hàng, riêng tiền ship có thể do shop hoặc khách hàng trả tùy theo thỏa thuận.

Lợi dụng điểm này, không ít chủ shop (hoặc giả danh shop) nghĩ ra những mánh lừa khiến shipper lao đao. Họ sử dụng một món hàng rẻ tiền rồi buộc shipper phải đặt cọc một số tiền lớn, nhưng khi đến nơi, họ lại không thể liên lạc với khách hàng để thanh toán. Khi quay về tìm gặp chủ shop để giải quyết thì họ đã “cao chạy xa bay”, shipper đành ngậm ngùi ôm món hàng không xứng với số tiền bỏ ra đặt cọc.

Bạn Hường (Hà Nội) cay đắng kể lại lần dính “phốt” lừa của mình: “Hôm đó, mình nhận ship hàng từ Kiều Mai đi bệnh viện Hà Đông. Ban đầu họ bảo 5 giờ chiều sẽ chuyển, nhưng sau đó lại nói khách muốn nhận hàng sớm hơn nên 11h30 qua luôn. Hàng là một đôi giày, mình phải đặt cọc 350 ngàn đồng. Sang đến nơi, gọi điện cho khách thì khách bảo đang ở Văn Điển, 2 giờ chiều mới nhận hàng được. Mình ngồi chờ đến 2 giờ chiều, gọi lại thì nhận được câu trả lời là không nhận hàng nữa. Mình gọi cho người bán hàng, họ cũng bảo không nhận lại. Mình kiên trì giải thích là bọn mình có trách nhiệm ship hàng đúng giờ, khách có nhận hay không thì chủ shop phải giải quyết với khách chứ không thể bỏ hàng lại cho người ship. Họ tắt điện thoại và thuê bao luôn, không những thế còn chặn nick Facebook, xóa hết bài đăng trên group trước đó. Ship được có 30 nghìn đồng trưa nắng, giờ mất trắng 350 ngàn. Nghĩ mà tủi. Về sau mình phải bán lại đôi giày đó với giá 250 nghìn, lỗ mất 100 nghìn”.

Cũng có không ít người (nhóm người) giả danh chủ shop để lừa đảo shipper. Mánh khóe của họ rất gian xảo, ban đầu đăng tin tìm người chở hàng trên các group riêng dành cho shipper, sau đó hẹn ở địa điểm nào đó cạnh một cửa hàng, nhận tiền ứng rồi “cao chạy xa bay”, để lại một mình shipper ngậm ngùi với món đồ giả.

Bạn Duy Kiên kể lại: “Mình là tay ship không chuyên nên cũng chưa có shop ruột, cứ lên group thấy ai nhờ ship hàng mà tiện đường là đi thôi. Hôm ấy, mình nhận được đơn hàng từ Trần Duy Hưng lên Nguyễn Trãi, ship 20 nghìn, ứng 650 nghìn. Mình đã cẩn thận gọi điện cho khách, xác nhận địa điểm, thời gian cụ thể rồi mới đi, thế mà lên đến đó không sao liên lạc được. Mình gọi lại cho chủ shop vừa nãy thì cũng thuê bao. Thấy hoảng quá, mình vội lộn về chỗ lấy hàng, vào trong shop gần đó hỏi thì họ nói, sáng nay không có nhờ ai ship hàng. Thì ra, tên kia giả danh chủ shop để lừa mình. Thà đánh rơi tiền còn không ức bằng kiểu bị lừa thế này. Đơn hàng được có 20 nghìn mà mất tới hơn 600 nghìn”.

 - 2

Các shipper nhiều khi không chỉ bị quỵt tiền ship mà còn bị quỵt cả tiền ứng (Ảnh minh họa)

Được cảnh báo nhiều, các shipper cũng cẩn thận hơn trong việc ứng tiền và vận chuyển hàng. Tuy vậy, đôi khi họ vẫn không thoát khỏi những mánh khóe tinh vi, gian xảo của bọn lừa đảo. Chúng tìm ra đủ mọi cách khiến các shipper tin tưởng và đồng ý ứng tiền, chuyển hàng.

Bạn Ngọc Anh (một chủ shop) kể lại: “Mình là chủ shop, chứng kiến bạn ship bị lừa mất gần 1 triệu mà hoảng quá. Hôm đó, kẻ lừa đảo có một đơn hàng, gọi bạn shipper đến nhận và ứng tiền (gần 1 triệu), sau đó bảo bạn ấy qua bên shop mình nhận thêm một đơn nữa để ship cùng luôn (đơn hàng đó là hắn mua bên mình). Đơn hàng giá 200 nghìn, nó bảo bạn ship ứng cho mình 690 nghìn rồi khi shipper đi giao hàng thì hắn sẽ qua chỗ mình lấy tiền thừa. Mình thấy nghi nghi, nên chưa cho hắn qua lấy tiền luôn, chờ shipper đi giao hàng xem có giao được không rồi mới tính. Ai ngờ là khách ảo. Bạn ship quay lại chỗ mình hỏi, mình cũng ngơ ngác không biết nói sao vì trước đó cũng chỉ liên hệ với tên kia qua Facebook, điện thoại, gọi thì thuê bao. Cũng may, mình chưa đưa cho chúng số tiền bạn ship ứng với mình, chứ không bạn ấy còn mất nhiều nữa”.

Không ít shipper vướng phải những chiêu lừa đảo, quỵt tiền ứng như vậy. Tháng 6 vừa qua, cộng đồng mạng cũng xôn xao về việc một shipper bị lừa đảo ở Hà Nội do bực tức quá đã quay lại đánh người bàn hàng. Theo đó, một nam thanh niên nhận giao hàng với hóa đơn trị giá 2,4 triệu đồng nhưng gặp phải khách ảo và bị thiếu nữ bán hàng online quỵt tiền trắng trợn. Quá bức xúc, nam shipper đã tìm đánh cô gái một trận nhừ tử rồi giao cho công an. Sự việc này khiến cộng đồng shipper một lần nữa “ngã ngửa” với mánh khóe tinh vi của bọn lừa đảo.

Không chỉ lao đao vì những mánh lừa của chủ shop (và những người giả danh chủ shop), các shipper còn khốn khổ với các chiêu trò của khách hàng. Trên một group dành riêng cho shipper từng đăng tải câu chuyện về một bạn trẻ bị lừa khi đi giao hàng gây xôn xao dân mạng.

Theo đó, mánh khóe của khách hàng này là đặt một món hàng nhỏ, dụ shipper giao hàng lên tận nhà rồi kêu la mất đồ và đổ cho người giao hàng lấy cắp. Sự việc sẽ được làm ầm ĩ lên cho đến shipper chịu bỏ một ít tiền ra trả mới được yên lành ra về.

Những vụ lừa đảo trắng trợn như trên không còn lạ với dân ship hàng. Tiền công họ nhận được cho mỗi đơn hàng không nhiều nhưng nếu chẳng may vướng phải mánh lừa thì số tiền mất là quá lớn.

“Các shipper phải hết sức cẩn thận kẻo bỏ một lượng ra mà thu về chẳng nổi một đồng. Khi quyết định chạy đơn hàng nào đó, tốt nhất nên nhận hàng ở trong shop cho chắc chắn, gọi điện xác nhận thật kỹ khách hàng và thời gian, địa điểm để tránh mất công. Biết là bọn lừa đảo có thủ đoạn, tinh vi, gian xảo, đôi khi “tránh trời không khỏi nắng” nhưng có tâm thế đề phòng vẫn hơn”, shipper Thanh Huyền chia sẻ. 

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất