Chồng đòi ly hôn sau 18 năm không đưa lương

VnExpress - 18/10/2015, 08:22

Lương cứng 20 triệu, anh không đưa tôi đồng nào. Anh đã viết đơn ly dị và yêu cầu tôi ký để tìm người khác phù hợp.

Chúng tôi lấy nhau đã 24 năm. Những năm đầu lương ít, chồng tôi hàng tháng vẫn đưa về cho vợ. Từ năm 1998, chồng tôi có thu nhập cao hơn hẳn nhưng không đưa tiền cho vợ nữa. Tôi nghĩ đơn giản, thôi mình có thể trang trải được việc nhà thì để chồng lo việc lớn. 18 năm nay, anh quen với việc vợ phải cáng đáng hết mọi việc trong nhà. Các việc lớn thì đã làm xong, anh vẫn khư khư giữ tiền, không cùng vợ gánh vác việc chung. Mỗi lần tôi hỏi tiền lương thường là vợ chồng lại to tiếng và cãi nhau, tôi rất buồn nhưng cũng cố chịu.

Vừa rồi tự nhiên anh buột miệng nói rằng tôi mang tiếng đi Tây về chẳng có gì, rồi đến cuối đời cũng trắng tay. Tôi hỏi: "Thế nào là trắng tay?" Anh bảo: "Đất tôi mua, nhà tôi xây, chẳng của tôi thì của ai". Tôi ngã ngửa vì 18 năm tôi nuôi gia đình bị anh phủ nhận hoàn toàn. Sau hôm đó, tôi rất thất vọng.

Mấy tháng nay, tôi đấu tranh để anh đóng góp vài triệu nuôi gia đình mà vẫn không được. Lương cứng của anh ấy là 20 triệu. Tôi vô tình được ngân hàng báo vào điện thoại, chứ anh không bao giờ nói tiền lương cho tôi biết. Tôi chán nản và chưa biết cách giải quyết như thế nào. Anh đã viết đơn ly dị và yêu cầu tôi ký để tìm người khác phù hợp. Xin chuyên gia cho lời góp ý. Tôi vô cùng cảm ơn. ()

chong-doi-ly-hon-sau-18-nam-khong-dua-luong

Ảnh: learnvest.global

Trả lời

Chung tay gánh vác việc gia đình là trách nhiệm làm vợ, làm chồng. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh nào đó, tự một người lo cho gia đình hàng ngày, còn người kia lo “đại sự”, song như thế cũng là sự không tin nhau và thiếu trách nhiệm với nhau.

Câu chuyện của bạn rơi vào sự hy hữu trong cuộc sống, vì chồng bạn không đưa tiền về để nuôi con và ăn uống sinh hoạt của chính anh ta. Nguyên nhân bạn đã nói “mình có thể trang trải được việc nhà thì để chồng lo việc lớn”. Điều này là sự sai lầm vì việc nhỏ hay việc lớn, vợ chồng đều phải chung tay lo, đó mới là làm đúng trách nhiệm và thể hiện tình cảm cụ thể. Thói quen không đưa tiền cho vợ đã trở thành tự động hóa, nay tự nhiên bị hỏi tiền mà anh ta chưa có tâm lý trách nhiệm thì cãi nhau cũng là tất yếu. Lẽ ra bạn phải khéo léo như việc thiếu tiền mua thức ăn, thiếu tiền trả tiền điện, thiếu tiền đóng học cho con... và nhờ anh hỗ trợ hoặc nhờ anh mượn hộ... Cứ mượn đã, đừng nói gì anh ấy phải đóng góp, nghĩa là bằng cách nào để có tiền lo cuộc sống hàng ngày thông qua việc anh ấy giúp sức. Bạn cứ mượn từ ít đến nhiều và lúc nào vui vẻ thì công bố “vỡ nợ”. Quá trình này phải diễn ra rất khéo và rất thực tế. Còn bây giờ anh ta bảo “đất tôi mua, nhà tôi xây thì chẳng của tôi thì của ai” thì bạn chỉ nói rằng “của tòa án”.

Trong bối cảnh anh ta chỉ biết lo cho anh ta như vậy mà bạn gặp khó khăn về kinh tế thì sẽ nặng nề vô cùng, nhất là về tư tưởng. Anh ta đã viết đơn ly dị như vậy là đã có ý đồ từ lâu rồi. Bây giờ, nếu bạn thấy anh ta đã có hướng “tìm người khác phù hợp” thì bạn không nên dễ dãi ký đơn. Nếu muốn bạn ký đơn thì anh ta phải chuyển vào tài khoản của bạn một khoản tiền theo yêu cầu, nếu không bạn cứ để như thể cho cuộc “cầm cự” ai thắng ai. Còn nếu bạn thấy căng thẳng quá thì cũng không nên cố giữ làm gì, hãy tự cứu lấy mình và nhờ tòa án chia tài sản, trong đơn ly dị bạn cũng viết như vậy.

Chúc bạn thành công.

GS.TS. Vũ Gia Hiền

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất