Chàng trai vàng Toán học mơ ước trở thành "Ngô Bảo Châu thứ 2"

Ione - 16/07/2015, 09:13

Nguyễn Thế Hoàn - nam sinh hai lần giành huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế tâm sự: "Người mình ngưỡng mộ và mong muốn được trở thành nhất là GS Ngô Bảo Châu"

Từ Thái Lan, Nguyễn Thế Hoàn, một trong hai nam sinh vừa giành huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế 2015 cho biết rất bất ngờ về kết quả đạt được. "Trước khi thi, mình rất quyết tâm song không đặt nặng thành tích. Dù vậy, khi biết kết quả mình cũng vỡ oà hạnh phúc", Hoàn nói.

HCV-Olympic-Toan-Quoc-te-112-7720-140534

Nguyễn Thế Hoàn - nam sinh Việt Nam giành hai huy chương vàng Olympic Toán quốc tế năm 2014 và 2015. Ảnh: Quỳnh Trang.

Năm ngoái, khi đang học lớp 11, Hoàn đã giành huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế. Năm nay, cậu bạn lại xuất sắc đem về cho đội Việt Nam một huy chương Vàng, nhưng điểm số cao hơn năm trước.

Chàng trai vàng Toán học cho hay, do có thời gian học nhiều hơn, và rút kinh nghiệm từ năm trước nên cậu biết phân bổ thời gian và áp dụng nhanh các kiến thức để làm bài. Ngày thi đầu tiên, Hoàn làm khá tốt với hai bài trọn vẹn và gần hoàn tất bài còn lại. Chính vì vậy, Hoàn khá tự tin khi bước vào ngày thi thứ 2.

Tuy nhiên, ngày thi sau đề khó hơn, bài 2 về số học và bài 5 về đại số khiến cậu khá vất vả vì yêu cầu phải dùng kĩ thuật nhiều. Một điều Hoàn hơi tiếc là bài 6 chưa thể tiếp cận vì không đủ thời gian.

"Nhưng dù sao thì mình vẫn cảm thấy mình đã làm hết sức. 6 thành viên trong đoàn, kết quả có khác nhau, tâm trạng vui, buồn, hối tiếc, nhưng đều có chung cảm xúc rất tự hào khi biết Việt Nam ở tốp 5", Hoàn tâm sự.

Ngay sau khi biết kết quả vào tối 14/7, vì không thể gọi điện cho bố mẹ, Hoàn đã nhắn tin cho chị gái và thông báo tin mừng cho gia đình. Với Hoàn, kết quả mà Hoàn có được là nhờ sự hi sinh, chắt chiu, lam lũ của cả bố và mẹ. Năm trước đón con trai giành huy chương Vàng trở về, bố và mẹ em đều đang làm phụ hồ ở Hà Nội. Năm nay, mẹ Hoàn đã trở về quê, còn bố vẫn lăn lộn kiếm tiền ở thủ đô để nuôi dưỡng tài năng của các con.

"Mình muốn giành những thành tích này cho bố mẹ và cảm ơn các thầy cô đã giúp em có được thành quả đó", Hoàn nói.

10409186-346804878838965-12145-2887-7185

Thế Hoàn chụp cùng GS Ngô Bảo Châu trong một lần gặp gỡ giáo sư và các thế hệ IMO.

Làm hồ sơ xin tuyển thẳng vào Đại học Khoa học Tự nhiên, Hoàn dự định sẽ tiếp tục với niềm đam mê Toán học. Trong thời gian này, Hoàn cũng dành thời gian học Ngoại ngữ, để săn học bổng du học nước ngoài. Khi đó, cậu sẽ có nhiều cơ hội hơn trong học tập và nghiên cứu.

"Mình mong muốn được trở thành một người như Giáo sư Ngô Bảo Châu, dù mình biết đó chỉ là mơ ước viển vông", Hoàn chia sẻ.

Biết vậy nhưng Hoàn "bào chữa", ước mơ là nguồn cảm hứng cho sự thành công, và không ai đánh thuế giấc mơ, nên cậu bạn sẽ tiếp tục mơ ước.

"Hơn nữa, cố gắng hết mình không phải tốn tiền mua, nên mình sẽ luôn dùng nó để có thể tiệm cận với giấc mơ cuộc đời mình", Hoàn tâm sự.

Khi đi thi lần thứ 2, nhiều người nghĩ nếu ngay lần đầu tiên Hoàn đã giành huy chương Vàng thì lần thứ hai không tốn nhiều công cũng sẽ có được thành quả như vậy. Nhưng Hoàn lại cho rằng, con báo đi săn một lần thành công không có nghĩa là lần sau không cần tăng tốc mà vẫn có được thức ăn. Nếu chạy đến những giọt mồ hôi cuối cùng, thì dù có chịu đói bữa đó, con báo sẽ vẫn cảm thấy thỏa mãn và khâm phục tốc độ của con mồi thông minh.

Thế Hoàn sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Hòa Bình, huyện Hưng Hà (Thái Bình). Ba sào ruộng cấy lúa quanh năm của cha mẹ chẳng đủ nuôi 4 miệng ăn. Thương bố mẹ làm lụng vất vả, Hoàn luôn chăm chỉ học tập và đạt thành tích cao. Khi thi vào THPT, Hoàn đỗ liền ba trường chuyên Sư phạm Hà Nội, Khoa học tự nhiên và chuyên Thái Bình. Ước mơ được học tại ngôi trường của nhiều anh chị đạt giải cao thi Olympic quốc tế như Lê Hùng Việt Bảo, Ngô Đăng Tuấn…nên Hoàn xin bố mẹ cho lên Hà Nội học vì "con lên Hà Nội học cũng chỉ ăn từng ấy gạo thôi". 

Ngày Hoàn nhập trường chuyên Khoa học Tự nhiên cũng là lúc bố mẹ em rời làng quê, khăn gói lên thủ đô đi phụ hồ. Công trình ở đâu, bố mẹ Hoàn dựng lều bạt sống tạm tại đó. Mỗi tháng kiếm được 6-7 triệu đồng thì quá nửa số đó dành đóng tiền học phí cho con và sinh hoạt, số còn lại gửi về quê cho ông bà chăm sóc giúp cậu con út đang học lớp 9 chuyên Văn.

VnExpress

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất