Chàng trai “không có gì là không thể”
Cùng một thời điểm, Nguyễn Vĩnh Bảo (năm cuối, ngành Cử nhân thương mại, trường ĐH RMIT) đảm đương rất nhiều chức vụ, dự án ở trường, tổ chức sinh viên quốc tế AIESEC, vẫn giành học bổng, “chạy sô” MC, chơi đàn piano…
Đừng dễ dàng bỏ cuộc
Năm lớp 1, Bảo bắt đầu được bố mẹ cho đi học piano. Càng học lên cao thì các kỹ thuật càng khó, đặc biệt là chơi nhạc cổ điển. Có những bài nhạc chỉ dài 3 – 4 phút nhưng người học đàn phải tập luyện mỗi ngày 3 – 4 tiếng, suốt hàng tuần lễ.
Năm lớp 9, chuẩn bị thi vào THPT nên việc học của Bảo khá nặng, hết học ở trường lại đi học thêm. Trong khi đó, Bảo vẫn phải giữ lịch học piano hằng tuần, tối nào cũng phải tự rèn luyện kỹ thuật chơi đàn 1 – 2 tiếng.
Bảo kể: “Có lúc, mình cảm thấy kiệt sức, nản chí và muốn rời bỏ piano. Rất may là sau khi bình tâm, rồi được sự động viên của bố mẹ, mình đã quyết định phải “vượt lên chính mình”. Mình sắp xếp lại các danh mục ưu tiên, phân bổ lại thời gian cho từng việc. Cuối cùng, mọi thứ đều tốt đẹp, mình thi đỗ và vẫn gắn bó với piano.
Trên tất cả, đó là cảm giác tuyệt vời khi chiến thắng được bản thân. Từ đó, mình hiểu rằng, chỉ cần không dễ dàng bỏ cuộc, cứ nỗ lực hết mình thì cuối cùng sẽ gặt hái được thành công”.
Sau đó, Bảo còn có thêm nhiều thành công ở những chặng đường kế tiếp: Giành học bổng toàn phần của ĐH Quốc tế RMIT; trở thành Phó Chủ tịch Quản lý Dự án – AIESEC Hà Nội; Đại sứ Trường học Unilever; Giải thưởng Lãnh đạo của trường ĐH Quốc tế RMIT; Đại biểu Hội nghị Sinh viên lãnh đạo trẻ tiềm năng lần thứ năm, tại Phnom Penh, Campuchia…
Bạn cho biết, những thành tích trên đạt được là nhờ sự nỗ lực không ngừng và quan trọng hơn cả là suy nghĩ: “Tôi có thể làm được những điều tưởng chừng không thể”.
Có những hôm chạy dự án về muộn, 11h – 12h đêm Bảo mới viết luận, viết say sưa đến tận 3 – 4h sáng. Thế nhưng, lần lượt bài luận thứ nhất, thứ hai, rồi đến bài thứ bảy, thứ tám đều bị Bảo quăng vào… sọt rác vì chưa ưng ý.
Triết lý lãnh đạo (lãnh đạo là truyền cảm hứng cho những người khác mơ ước, học hỏi, làm điều tốt) thì Bảo đã có sẵn nhưng anh chàng bị bế tắc trong việc xây dựng kết cấu cho bài luận để truyền tải thông điệp một cách dễ hiểu nhất.
Cứ rảnh là Bảo lại suy nghĩ về bài luận. Thế rồi, một lần, trên đường tới buổi họp, Bảo đã nảy ra ý tưởng, đó là chia sẻ triết lý lãnh đạo của bản thân thông qua chính những câu chuyện về mình. Bảo tạt ngay xe vào lề đường, ghi chú lại ý tưởng.
Nghị lực, kiên nhẫn để vượt qua vấp ngã
Bảo còn trở thành một trong 650 đại biểu đến từ 47 quốc gia trên thế giới tham dự Hội nghị Sinh viên lãnh đạo trẻ tiềm năng lần thứ năm (5th University Scholars Leadership Symposium), tại Phnom Penh, Campuchia. Hội nghị diễn ra trong 7 ngày.
Đại diện sinh viên các nước được nghe những bài diễn thuyết của các khách mời, diễn giả nổi tiếng thế giới và tham gia nhiều hoạt động cộng đồng.
“Khi tới thăm Làng trẻ em Sunrise, mái nhà chung của hơn 600 trẻ mồ côi, khuyết tật, mình đã dạy một bé trai ở đó chơi một bài piano. Cậu bé rất nhút nhát, không nói được tiếng Anh nên mình đã cố gắng hết sức để diễn đạt, kể cả việc dùng ngôn ngữ cơ thể để dạy đàn. Cuối cùng, cậu bé đã đánh thành công bài đó, còn say sưa chơi lại rất nhiều lần”, Bảo kể.
Chiều hôm đó, trước khoảng 200 đại biểu tham dự hội nghị, Bảo đã trình diễn một bản piano và nhận được những tràng pháo tay giòn giã. Hôm sau, có bạn sinh viên quốc tế nói với Bảo: “Hôm qua, bạn chơi đàn tuyệt quá!”.
Khi được hỏi là người nước nào, Bảo đã rất tự hào đáp lại, mình là người Việt Nam. Bảo nói: “Trong chuyến đi này, việc chơi đàn piano đã giúp mình “ghi điểm”, có trải nghiệm thú vị. Nếu trước đây mình không đủ quyết tâm, bỏ học đàn giữa chừng thì sẽ chẳng có những điều tuyệt vời ấy”.
Theo Hồng Giang
Sinh viên Việt Nam
Video được xem nhiều nhất