Cán bộ phường cùng người dân đi chợ, nấu cơm miễn phí cho người nghèo ở Sài Gòn

Kênh 14 - 14/06/2016, 16:28

Ở Sài Gòn có không ít bếp cơm từ thiện phát miễn phí cho người dân nghèo, thế nhưng bếp cơm nhân ái của phường An Phú (quận 2) lại có một nét rất riêng. Tại đây người dân và cán bộ địa phương cùng góp sức để giúp người nghèo có những bữa ăn ngon.

Sài Gòn 6h sáng, khi mọi người vẫn còn chìm trong giấc ngủ, cô Võ Thị Gái (chủ tịch hội chữ thập đỏ phường An Phú) đã tất tả đi chợ mua những nguyên liệu tươi ngon cho buổi nấu cơm từ thiện. Tại đình An Phú, những tình nguyện viên cũng đã tập trung đông đủ, mỗi người một việc, tiếng xoong chảo tạo nên những âm thanh vui nhộn khiến ai cũng phấn khởi đón một ngày mới.

 - Ảnh 1.

Các thành viên của gian bếp từ thiện tập trung từ sáng sớm để chuẩn bị những suất ăn miễn phí cho người nghèo.

Bếp từ thiện "sang chảnh" nhất Sài Gòn

Đã gần 4 tháng nay, cứ mỗi sáng thứ 2, 4, 6 hàng tuần là các tình nguyện viên trong bếp ăn từ thiện của phường An Phú (quận 2, TP.HCM) lại tập trung tại đình thần An Phú để chuẩn bị những suất cơm miễn phí dành cho người nghèo.

Trước đây UBND quận có tổ chức nấu cơm phát miễn phí cho người nghèo, nhưng đến cuối năm 2015 thì vì một số lý do chương trình ngưng hoạt động. Xem xét tính thiết thực của chương trình, tháng 3/2015 UBND phường An Phú đã quyết định mở một bếp ăn từ thiện để giúp đỡ những hộ gia đình khó khăn trong phường.

"Thời điểm bắt đầu chương trình chúng tôi gặp phải rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là trong vấn đề kinh phí duy trì hoạt động. Có thể nói là vào thời điểm đó chúng tôi phải "chạy ăn từng bữa" để phục vụ cho bà con" - cô Võ Thị Gái (47 tuổi) chia sẻ khó khăn của những ngày đầu.

 - Ảnh 2.

Cô Gái cho biết những ngày đầu tiên mở bếp cơm gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên hiện tại đã có nhiều mạnh thường quân liên hệ để hỗ trợ.

Cô Gái cho biết mặc dù UBND phường cùng một số mạnh thường quân đã hỗ trợ hết mình nhưng kinh phí hoạt động vẫn luôn trong tình trạng thiếu hụt. Để giải quyết vấn đề, mỗi thành viên trong phường đều phải tận dụng mối quan hệ của bản thân để liên hệ xin quyên góp cho bếp ăn.

Thế rồi chính tấm lòng của những con người nhiệt thành, mà đã gần 4 tháng qua chưa khi nào bếp phải ngưng hoạt động. Thường lệ vào 6h sáng thứ 2, 4, 6 mỗi tuần, cô Gái sẽ đi chợ mua nguyên liệu theo thực đơn của bếp trưởng. Sau đó cô Gái quay về phường làm việc và các tình nguyện viên còn lại sẽ phụ nhau nấu nướng.

 - Ảnh 3.

Mỗi ngày bếp nấu 6 mâm, mỗi mâm khoảng 3kg gạo.

"Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người nhận, chúng tôi thường đặt các nguyên liệu từ siêu thị chuyển đến. Một số người bạn của tôi hay chọc bếp tình thương của phường An Phú là "bếp nhà giàu", vì tôi bảo rằng chúng tôi chỉ nhận những đồ quyên góp có xuất xứ rõ ràng, có tên tuổi nổi tiếng. Chung quy là cũng mong muốn đem đến một bữa ăn chất lượng và đảm bảo vệ sinh cho người nghèo" - cô Gái tâm sự.

 - Ảnh 4.

Các nguyên liệu đa số lấy từ siêu thị nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Miễn phí nhưng không bố thí - Làm từ thiện cũng phải tinh tế

Tầm 9h30 thì các phần cơm đã được chuẩn bị sẵn sàng để mọi người đến nhận. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đến để nhận cơm, vì bếp chỉ phát cơm cho những ai nằm trong danh sách hộ nghèo mà phường đã khảo sát.

Những hộ thuộc diện được nhận cơm đa phần là người già neo đơn, người bị mắc chứng bệnh thần kinh không thể lao động và những gia đình đặc biệt khó khăn. Ban đầu mỗi ngày bếp phát 60 suất cơm, nhưng sau nhiều lần khảo sát, đến nay con số đã tăng lên 140 suất/ ngày.

 - Ảnh 5.

Mỗi người một tay, người đưa cơm vào bịch, người chuẩn bị thức ăn...

Ban đầu ủy ban dự tính đặt bếp ở tại trụ sở chính để tiện cho việc đi lại của cán bộ, không gian cũng rộng rãi. "Tuy nhiên chúng tôi hiểu rằng những người nghèo luôn mang trong mình những mặc cảm. Việc họ đến nơi có rất nhiều người qua lại để nhận cơm từ thiện sẽ khiến họ cảm thấy không thoải mái. Vì thế chúng tôi đã đưa bếp về đình, dù phải đi xa một tí, nhưng người nghèo đến đây sẽ cảm thấy vui vẻ hơn" - cô Gái chia sẻ.

 - Ảnh 6.

Cô Nguyễn Thị Mai Quỳnh (69 tuổi) dù đã lớn tuổi nhưng rất nhiệt huyết với bếp cơm, hiện cô đang giữ vai trò là bếp trưởng.

Không đơn thuần là tặng những bữa ăn ngon, người nghèo đến nhận cơm còn được cảm nhận những chia sẻ của cộng đồng và những lời động viên giúp họ vươn lên trong cuộc sống. 

 - Ảnh 7.

Cô Thanh Xuân bớt được gánh nặng cuộc sống khi nhận được sự hỗ trợ của địa phương.

Cô Hồ Thị Thanh Xuân (51 tuổi) bị khuyết tật hai chân, nhưng hàng ngày vẫn đi bán vé số để nuôi người chồng bị tai nạn ở nhà. Cô xúc động chia sẻ: "Từ ngày được nhận những phần cơm này, tôi dường như giảm đi một phần gánh nặng. Hai vợ chồng tôi chỉ trông chờ vào những đồng tiền ít ỏi kiếm từ việc bán vé số, thế nên bữa đói bữa no là chuyện thường xuyên. Có những bữa ăn miễn phí như thế này, tôi có thể dành dụm được chút ít để phòng khi bệnh tật phải mua thuốc men".

 - Ảnh 8.

Cô Phụng rất vui khi nhận được những bữa ăn ngon. Cô còn đề nghị làm giấy khen tặng các thành viên của bếp.

 - Ảnh 9.

Chú Võ Văn Giàu, tổ trưởng tổ bảo vệ khu phố 1, tự nguyện đem các phần cơm đến cho những người già neo đơn, không đủ sức khỏe đến đình để nhận cơm. Chú cho biết khi nào vẫn còn sức khỏe thì chú vẫn sẽ làm công việc này.

"Cô thích lên đây nấu cơm lắm!"

Những tình nguyện viên của bếp từ thiện đa số đều đã là U50, nhưng đều rất nhiệt tình với công việc. "Chỉ hôm nào bận quá không đi được thì mới gọi điện xin nghỉ một bữa. Chứ thiệt tình là cô thích lên đây nấu cơm lắm! Nhiều hôm nghỉ ở nhà mà chỉ mong cho tới ngày thứ 2 để được đi nấu cơm" - cô Nguyễn Thị Lệ (61 tuổi) hóm hỉnh kể.

 - Ảnh 10.

Các cô luôn sắp xếp công việc nhà để có thời gian tham gia hoạt động tình nguyện.

Một số thành viên khác dù hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn, nhưng vẫn vô cùng nhiệt huyết với công việc từ thiện. Cô Trần Thị Loan (44 tuổi, Trà Vinh) bán hàng nước ở trước đình An Phú, cô tâm sự: "Cô nhận được sự giúp đỡ rất nhiều của đình để có một chỗ ổn định, vì vậy việc góp một ít công sức cho cộng đồng cũng là việc nên làm".

Hễ hôm nào nấu cơm từ thiện, cô Loan lại phụ mọi người nấu nướng đến khi xong cô mới tất tả dọn hàng ra bán. Trong căn bếp nhỏ nóng bức, chưa bao giờ thấy vơi bớt những tiếng cười đùa. Các cô vừa làm vừa trò chuyện, chọc nhau cười và cuộc sống bỗng nhiên đẹp biết bao. Với những cô bếp tốt bụng này, việc đi làm từ thiện không chỉ giúp ích cho người nghèo mà còn giúp cho chính bản thân họ cảm thấy yêu đời hơn.

 - Ảnh 11.

Dù phải làm việc trong căn bếp nhỏ và nóng nực nhưng nụ cười chưa bao giờ tắt trên môi các cô.

Căn bếp hôm nay tôi có dịp đến thăm, nó thật đẹp! Đẹp như nụ cười của người nghèo khi nhận được những bữa ăn ngon và đẹp như tấm lòng của những cô bếp vui tính. 

 

 Phút ngẫu hứng của những cô bếp vui tính sau khi hoàn thành hàng trăm suất ăn từ thiện cho người nghèo ở Sài Gòn.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất