Cấm thì mặc cấm, người Hà Nội vẫn hớn hở vẫy vùng giữa "bãi tắm" hồ Tây để giải nhiệt
Nắng nóng, nhu cầu giải nhiệt của người dân thủ đô tăng cao. Tuy nhiên, thay vì chọn cách đến bể bơi, nhiều người lại chọn hồ Tây như một "bãi tắm" lý tưởng.
- Hà Nội: Người nhà và bệnh nhân vật vã trong cái nóng đỉnh điểm 40 độ C ở bệnh viện
- Hà Nội oi bức kinh khủng, người dân nằm vạ vật ở hầm đường bộ và gầm cầu để trốn nóng
- Trăm kiểu chống nắng bá đạo của người Hà Nội những ngày nóng như đổ lửa
- 4 quán mới siêu hot ở Hà Nội, nếu chưa tới nghĩa là chưa bắt kịp xu hướng rồi!
- Hà Nội: Bạn bè tiếc thương nam phượt thủ 25 tuổi ra đi vì tai nạn giao thông
Sau một đợt mưa lớn khiến cả TP chìm trong "biển nước", mấy ngày gần đây, Hà Nội bỗng chuyển mình nắng gắt và hôm nay chính là cao điểm trong đợt nắng nóng đầu tiên của mùa hè với nền nhiệt lên tới 39 độ C.
Mỗi buổi chiều, Hồ Tây trở thành địa điểm lí tưởng để lội, bơi giải nhiệt của người dân Hà Nội bởi không gian rộng rãi và thoáng đãng. (Thực hiện: Kiên Nguyễn)
Đây là số liệu do Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương đưa ra, tuy nhiên trên thực tế, khi ra ngoài vào buổi trưa, nền nhiệt có thể cao hơn khá nhiều. Đặc biệt, độ ẩm trong không khí duy trì ở mức khoảng 50% khiến nhiều người cảm thấy cái nóng khá bỏng rát.
Mức nhiệt cao duy trì trong vài ngày liên tiếp khiến nhu cầu giải nhiệt của người dân tăng cao. Bên cạnh các dịch vụ giải khát thì việc tìm một nơi để tắm mát có vẻ như là ưu tiên hàng đầu của người dân Thủ đô.
Thoải mái dẫn theo con gái đi bơi.
Nước hồ Tây khá nông và cô gái tự tin lội ra khá xa mà nước mới chỉ dâng tới đùi.
Một số cậu bé được bố mẹ cẩn thận trang bị thêm áo phao.
Được đi bơi, ai nấy đều tỏ ra háo hức.
Tuy nhiên, thay vì chọn cách đến các bể bơi công cộng tắm tắp, nhiều người lại thích tìm đến những "bãi tắm tự nhiên" ở sông, hồ, trong đó, đông nhất phải kể đến hồ Tây.
Thời gian này, để cảnh báo người dân không nên "liều mình" lao xuống hồ Tây tắm giải nhiệt, các đơn vị chức năng đã dựng rất nhiều biển cảnh báo với nội dung "Cấm tắm, câu cá ở đây". Theo quan sát của PV, tại tất cả các bến nước của hồ Tây đều cắm biển báo này với kích thước khá lớn.
Biển cấm tắm ở Tây.
Thế nhưng, tất cả hình như không hề có nghĩa lý gì với người dân Thủ đô. Biển cứ "cấm" và người dân thì vẫn cứ tắm. Nhiều người thậm chí còn thoải mái dẫn theo con nhỏ khi đi bơi mà không hề chuẩn bị áo phao. Trong khi đó, số khác còn đem cả thú cưng đi bơi cùng và thường, mọi người đều bơi khá xa khỏi bở.
Thỏa sức vẫy vùng trong làn nước trong mát.
Nhóm thanh niên không cần áo phao vẫn mặc sức bơi ra giữa hồ.
Những chú "cún" cưng cũng rất háo hức được đi bơi.
Và chúng có vẻ rất vui khi được tắm mát như thế này.
Những cậu bé chỉ 4-5 tuổi được bố mẹ dẫn đi bơi.
Khung cảnh nhộn nhịp ở bến nước hồ Tây.
"Bãi tắm" ở hồ Tây đông nhất từ 16 đến 18h, tập trung chủ yếu quanh khu vực đường Thanh Niên, Trích Sài, Nhật Chiêu. Không chỉ có thanh niên, mà cả những người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em cũng đi tắm khiến cho khung cảnh nơi đây nhộn nhịp như một "bãi biển" thực thụ.
Lý giải về sở thích đi tắm mát ở hồ Tây, nhiều người dân cho rằng, nước sông hồ là nước tự nhiên, không gian rộng rãi, thoáng mát và không mất tiền mua vé…
Anh Nguyễn Toàn (Thụy Khuê, Tây Hồ) hào hứng cho biết: "Bây giờ đi vào bể bơi, bể nào rẻ cũng tầm từ 50.000 đến 70.000 đồng/người. Đắt đỏ như vậy nhưng chất lượng phục vụ không tốt, đông nghịt người chẳng thoải mái tí nào".
Trong khi đó, anh Thắng, một "kình ngư" khác cho hay: "Mình không thích đi tắm ở bể bơi lắm vì nước rất nặng mùi hóa chất, thậm chí đọc báo nghe đâu có bể cả năm không thay nước mới nên rất lo lắng. Mình thấy đi tắm ở hồ Tây vừa không mất vé, không gian lại thoáng rộng, nước mát, thích hơn là chui vô mấy bể bơi kia".
Nhiều người thích thú dừng lại chụp ảnh.
Những cậu bé vô tư nghịch nước trong ánh chiều vàng rực.
Việc tắm mát không chỉ có thanh niên mà còn có sự góp mặt của các cụ già, trẻ em, trai gái đều đủ cả.
Dựng xe bên ven hồ, chẳng cần phải đi đến bến nước, nhiều người tiện đâu là lao xuống đó tắm.
Ngoài lý do kể trên, một số người dân tự tin nói rằng họ thấy hồ Tây có mực nước khá nông nên không hề lo sợ.
"Mình thấy nước hồ Tây chỉ sâu tầm 1,5-2m. Thông thường nếu bơi gần bờ, có khi chỉ đứng thôi đã chạm đất rồi. Hồ lầy bùn, cũng không có đá lởm chởm gì mà nói nguy hiểm. Mình thấy bơi ở hồ Tây an toàn hơn nhiều so với ở sông Hồng hoặc hồ Linh Đàm", anh Mạnh (Tây Hồ, Hà Nội) nói.
Việc được bơi lội thỏa thích trong làn nước mát giữa những ngày oi nóng như thế này thực sự là một nhu cầu thiết yếu và chính đáng của người dân. Tuy nhiên, việc lựa chọn tắm ở những địa điểm tự phát luôn tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hiểm. Được biết, hồ Tây vẫn liên tục được cải tạo, nạo vét do đó, mực nước sâu, nông thường không đồng đều. Trong khi đó, quanh khu vực này không hề có lực lượng cứu hộ, đảm bảo an toàn cho người dân.
Hồ Tây là một hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội. Hồ có diện tích hơn 500 ha với chu vi là 18 km, nằm ở vị trí phía tây bắc trung tâm Hà Nội.
Ngành địa lý lịch sử đã chứng minh, hồ Tây là một đoạn của sông Hồng xưa trong quá trình ngưng đọng lại sau khi sông đổi dòng chảy.
Theo GS.TS Mai Đình Yên - Giảng viên cao cấp Khoa Sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hồ Tây được đánh giá là hồ lớn nhất ở đồng bằng Bắc Bộ, có diện tích khoảng 500 ha, độ sâu trung bình 1,5m và là một trong vài hồ nước ngọt tự nhiên có diện tích thuộc loại lớn nhất ở nước ta. Hồ Tây được xếp vào danh sách các hồ cần bảo tồn trên thế giới.
Video được xem nhiều nhất