Bài dự thi: Bà ngoại tôi
Bà ngoại tôi năm nay gần 90 tuổi, thuộc lớp người cao niên trong làng. So với mấy năm trước, sức khỏe của bà đã yếu đi nhiều nhưng tinh thần vẫn rất minh mẫn.
Những dịp con cháu sum vầy, bà thường nhẹ nhàng dạy bảo, từ chuyện làm ăn kinh tế, chuyện gia đình, làng xã rồi học hành, công tác. Lời dạy của bà tuy không đao to búa lớn nhưng lúc nào cũng khiến tôi xúc động và thêm cảm phục bà nhiều lắm.
Bà ngoại về làm vợ ông tôi từ lúc mới 17 tuổi. Để ông yên tâm đi bộ đội, một tay bà quán xuyến chuyện gia đình, chăm sóc bố mẹ chồng và cụ ngoại tôi khi ấy đã bị lòa. Bà vào hợp tác xã nông nghiệp, dạy bình dân học vụ, tham gia du kích địa phương… Nhìn dáng vẻ nhỏ bé của bà bây giờ tôi không ngờ bà mình trước kia lại gan dạ và đảm đang đến thế!
Năm ấy giặc Tây về càn, nhiều nhà trong làng bị đốt, rất nhiều người chết. Người dân ở các tỉnh lân cận như Hải Dương, Nam Định cũng chạy loạn về nhiều, ai cũng đói khổ. Mẹ kể lại năm đó mẹ 8 tuổi, đang ngồi thái bèo ở sân thì bà dắt theo một bé gái gầy đét da đen nhẻm, tóc cháy như râu ngô về bảo: “Đây là cái Trẽ. Nhà nó cháy, bố mẹ chết hết rồi. Từ nay nó ở đây với mẹ, con phải gọi là chị”. Từ đấy, bác Trẽ ở với bà tôi, bà thương bác như con đẻ. Có lần tôi hỏi: “Năm ấy đói thế bà lại dắt thêm bác về bà không sợ nhà hết gạo sao?”, bà chỉ cười bảo “Lúc ấy thấy bác cháu tội nghiệp quá nên dắt theo luôn, chẳng kịp nghĩ gì”. Cái tính thương người của bà lúc nào cũng giản dị và chân chất như vậy đấy!
|
Không chỉ với con gái mà con rể bà cũng yêu thương và công bằng hết mực. Dì út tôi sau khi lấy chồng thì vẫn ở với ông bà vì chú Luận về ở rể. Ngày đó người ta khinh cái người đi ở rể như “chó chui gầm chạn”, phải chịu nhún nhường trước vợ, cả đời không ngóc đầu lên được. Bà tôi hiểu miệng người đời cay nghiệt nên lúc nào cũng khuyên bảo dì tôi phải biết giữ đạo làm vợ, không được cậy gần bố mẹ mà lên mặt với chồng, khinh thường gia đình chồng. Mặt khác bà cũng đối xử với chú như con trai, không hề thiên vị dì. “Dì cháu may mắn nên lấy được chú chứ như người khác thì ai chịu đi ở nhờ nhà vợ. Ông bà không có con trai, lúc già yếu lại trông cả vào chú với bố cháu. Bà lúc nào cũng nhớ cái ơn đấy cháu ạ!”. Từ cách sống ấy của bà mà mọi thành viên trong đại gia đình tôi luôn yêu thương, gắn kết với nhau, vừa ý thức trách nhiệm với gia đình riêng vừa cùng chung tay vun đắp xây dựng gia đình lớn.
Với các cháu, kể cả dâu rể bà cũng luôn yêu thương, quan tâm giúp đỡ. Tôi nhớ năm chị Ngát tôi tới tuổi lấy chồng, buổi tối trai làng tới chơi đông như hội. Chị Ngát đẹp lại đảm đang nên ai cũng bảo thế nào chị cũng lấy anh X nhà giàu xóm trên đang say chị như điếu đổ. Nhưng chị tôi lại đem lòng yêu người khác, cái anh thanh niên nghèo không quyền không thế, bố vừa câm vừa điếc đi quét chợ thuê, mẹ thì ở già yếu bán rau với cá lẹp. Hai bác tôi phản đối ra mặt. Chị trốn bố mẹ đưa anh vào nhà ông bà. Sau mấy lần gặp mặt nói chuyện, bà nhận ra anh là người thật thà, có chí lại thật lòng thương chị nên hết lòng ủng hộ. Nhà bà trở thành chỗ anh chị hẹn hò, thư từ còn ông bà trở thành thuyết khách tác động bên hai bác tôi. Bây giờ hai anh chị đã nên vợ chồng, có nhà cao cửa rộng, hai con ngoan ngoãn khiến làng xóm chẳng thể lời ra tiếng vào. “Nhìn người đừng chỉ nhìn gia cảnh của người ta mà đánh giá, cái tâm bên trong mới đáng quý trọng” – bà ngoại đã dạy tôi một bài học sâu sắc như thế đó.
Tuy thuộc lớp người cũ nhưng hiểu biết và tầm nhìn của bà rất rộng, không hề bị bó hẹp. Bà thích nghe về chuyện làng xã, tình hình chính trị địa phương, bầu cử… Bà lúc nào cũng bảo bố và chú tôi “Ông ngoại ở đây với ông ở đằng ấy (ông nội tôi) đều là Đảng viên cốt cán, hai con làm gì cũng phải biết giữ danh dự cho gia đình mình”. Sau này có tin đồn chú tôi lúc ấy đang làm Trưởng thôn lợi dụng chức quyền mà tham ô quỹ đất, bà buồn lắm. Vì nghĩ ngợi nhiều mà bà bệnh cả tuần liền. Con cháu khuyên giải mãi không được nên quyết định viết đơn lên ủy ban nhân dân Huyện đề nghị cử thanh tra về tiến hành đo đạc. Lúc chú được giải oan bà ngoại là người mừng nhất. Bà bảo thế này thì bà không thẹn với hai ông ở trên trời. Bây giờ các chú, các em tôi tham gia công tác trên xã lúc nào cũng lấy chuyện này để răn mình, giữ đúng kỉ cương, làm tròn nhiệm vụ để bà được an lòng.
Bà ngoại tôi năm nay gần 90 tuổi, tóc đã bạc, lưng đã còng, mắt đã mờ theo thời gian nhưng ở bà vẫn đẹp mãi tình yêu thương con cháu, đức hi sinh nghìn đời của người phụ nữ Việt Nam. Ở cái tuổi xế chiều, bà vẫn là cầu nối yêu thương, là cây cao bóng cả, là chỗ dựa tinh thần cho đại gia đình. Tất cả những bài học mà tôi học được từ bà sẽ là những hành trang quý báu trên bước đường tương lai, không chỉ trong việc xây dựng vun đắp gia đình mà còn trong cách hành xử và yêu thương.
Nguyễn Thị Thu Huyền
https://www.facebook.com/cuocthivietvegiadinh/
Video được xem nhiều nhất