6 tín hiệu bạn nên ngừng theo đuổi khách hàng tiềm năng
Đã bao giờ có một khách hàng tiềm năng đồng ý làm việc với bạn nhưng sau đó lại bặt tăm hơi, bạn không nghe thấy gì từ họ nữa?
Bạn nên làm gì khi một khách hàng tiềm năng biến mất? Có nên gửi email hoặc gọi điện cho họ? Làm sao bạn biết đã đến lúc phải buông tay?
Biết các dấu hiệu nên ngừng theo đuổi khách hàng tiềm năng cũng là yêu cầu khi tuyển nhân viên bán hàng nhanh của nhiều doanh nghiệp. Hãy tham khảo các dấu hiệu sau đây để trả lời khi phỏng vấn và áp dụng trong công việc nhé.
Khách hàng tiềm năng không trung thực và cởi mở để chia sẻ thông tin
Khi khách hàng tiềm năng sẵn sàng trả lời các câu hỏi về nhu cầu, mong muốn và khó khăn của họ, họ đang nói với bạn rằng họ có vấn đề và có thể cần bạn hỗ trợ khắc phục. Đây là một dấu hiệu thực sự tốt cho thấy họ rất quan tâm đến bạn. Nếu họ không sẵn lòng trả lời các câu hỏi của bạn một cách cởi mở và trung thực, họ có thể đang làm khó bạn hoặc họ không quan tâm đến sản phẩm hay dịch vụ của bạn.
Khách hàng tiềm năng không có đủ tài chính để mua sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn
Nếu bạn theo dõi các khách hàng tiềm năng của mình, bạn có thể nhanh chóng biết được họ có đang gặp khó khăn về tài chính hoặc các nghĩa vụ pháp lý đang chờ xử lý hay không. Trong trường hợp như vậy, hãy dừng theo đuổi họ vì nếu tiếp tục thì chỉ là nỗ lực vô ích vào thời điểm này.
Khách hàng tiềm năng tỏ ra khó chịu
Đôi khi một khách hàng khó tính không đáng để bạn dành thời gian và sức lực. Rất nhiều nhân viên bán hàng luôn tự động viên bản thân, và rất ít điều có thể giết chết động lực của bạn hơn một khách hàng khó chịu. Nếu bạn gọi điện và khách hàng tiềm năng trả lời một cách thô lỗ, hãy ngừng theo đuổi vì nếu họ trở thành khách hàng của bạn thì rất có thể họ sẽ tiếp tục đối xử tệ với bạn. Tuy nhiên, bạn cần đánh giá xem mức độ bạn cần khách hàng này. Nếu bạn có thể “chia tay” với khách hàng tiềm năng này mà không cần đắn đo suy nghĩ, hãy làm điều đó.
Khách hàng tiềm năng đưa ra những yêu cầu phi thực tế
Khách hàng tiềm năng hứa hẹn sẽ đặt một đơn hàng nếu được giảm 20%. Họ hứa chắc sẽ đặt hàng nếu bạn có thể giao hàng sớm hơn 2 tuần so với khả năng giao hàng của bạn. Họ muốn dùng thử miễn phí 6 tháng và sau đó trả phí 12 tháng nếu bản dùng thử đáp ứng các tiêu chí mơ hồ. Khi phải đối mặt với những yêu cầu rõ ràng là vô lý, cách tốt nhất là bỏ đi thay vì sa lầy vào cuộc đàm phán vô vọng.
Bạn thực sự không thể giúp gì cho khách hàng tiềm năng
Đôi khi trong quá trình theo dõi khách hàng tiềm năng, bạn nhận ra sản phẩm hoặc dịch vụ của mình không phù hợp với một khách hàng tiềm năng cụ thể. Ngay cả khi khách hàng tiềm năng không nhận ra điều đó, bạn biết điều đó - và chẳng ích gì khi theo đuổi một cuộc mua bán khiến bạn phải chịu tổn thất.
Ngay cả khi bạn có thể dễ dàng bán được hàng, tốt hơn hết bạn không nên thực hiện giao dịch này và cho khách hàng tiềm năng biết lý do tại sao. Điều này sẽ khiến khách hàng tiềm năng sẽ tôn trọng bạn và công ty của bạn vì đã thẳng thắn, điều này mở ra cơ hội cho việc bán một thứ gì đó khác hoặc họ sẽ giới thiệu cho bạn một khách hàng tiềm năng khác.
Thực tế, khi bạn từ chối bán hàng trong tình huống này, động thái tiếp theo của bạn là sẽ nhờ họ giới thiệu cho những vị khách tiềm năng khác. Những nhân viên bán hàng giỏi luôn tìm ra những khách hàng tiềm năng tuyệt vời ngay cả từ những khách hàng tiềm năng không tốt của họ!
Khách hàng tiềm năng không vui khi thấy bạn
Khi bạn gặp trực tiếp khách hàng có nhiều khả năng mua hàng, họ sẽ bắt tay bạn, mỉm cười và giao tiếp bằng mắt. Ngôn ngữ cơ thể là một dấu hiệu quan trọng và nếu họ khoanh tay nói chuyện với bạn và trả lời bạn bằng những câu trả lời ngắn gọn như “Có” và “Không”, thì chắc chắn họ không quan tâm tới bạn.
Nếu bạn cảm nhận như vậy, hãy tin vào trực giác của mình và lịch sự kết thúc cuộc gặp.
Khi bạn đang chia sẻ thông tin, mong muốn mang lại giá trị và thể hiện sự tôn trọng nhưng khách hàng tiềm năng của bạn không sẵn lòng đáp lại, thì thật không đáng để bạn dành thời gian cho một mối quan hệ chẳng đi đến đâu. Cuối cùng, tất cả những gì bạn nhận được chỉ là một đôi giày đã sờn cũ vì mãi đuổi theo khách hàng tiềm năng.
Bạn nên làm gì sau khi ngừng theo đuổi khách hàng tiềm năng?
Nếu bạn cảm thấy rằng một khách hàng tiềm năng sẽ không bao giờ trở thành khách hàng của bạn, chỉ cần ngừng giao tiếp với họ hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu bạn tin rằng một khách hàng tiềm năng có nhiều khả năng quan tâm đến sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn trong tương lai, hãy giữ thông tin liên hệ của họ. Bạn có thể ghi tên họ vào danh sách khách hàng tiềm năng để theo đuổi trong tương lai. Những trường hợp như vậy thường là khách hàng tiềm năng đang gặp khó khăn tài chính tạm thời hoặc có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong tương lai gần.
Trâm Nguyễn
Video được xem nhiều nhất