6 kiểu ứng viên tìm việc không nên tuyển dụng

02/10/2020, 07:04

Trong tuyển dụng nhân sự, chọn ai, bỏ qua ai, trao cơ hội cho người nào, tất cả đều là những câu hỏi khó cần tới đánh giá chuyên môn và cảm quan sắc bén. Tuy vậy, có những trường hợp đặc biệt mà nhà tuyển dụng có thể gần như “bỏ qua” ngay lập tức mà không cần đánh giá sâu thêm. Khi gặp những kiểu ứng viên tìm việc này, rất khó để cho họ cơ hội và thường họ cũng không phù hợp với văn hóa của doanh nghiệp, cũng không có tiềm năng sẽ tạo nên thành tựu gì cho công ty. Cụ thể hơn, đó là 6 kiểu ứng viên có thái độ, tính cách sau.

Người nói dối thành tích

Nếu bạn phát hiện ra ứng viên của mình nói dối về thành tích từ các công việc trước đó hoặc che giấu những sai phạm trước đây ở công ty cũ, thì chắc chắn bạn nên loại ứng viên này, bởi họ đã vi phạm quy tắc đạo đức cơ bản nhất trong môi trường làm việc, đó là sự trung thực, minh bạch. Dù những người này có tài năng tới đâu, nhưng khi họ đã có tính cách gian lận, nói dối để đạt được lợi ích cho mình thì đây đều là những cá nhân không đáng tin cậy để giao phó trách nhiệm.

Những người quá cẩu thả

Lướt qua các tin đăng tuyển trên các web tìm việc tốt nhất, bạn có thể thấy cẩn thận, chú ý đến chi tiết luôn được đánh giá cao. Trái lại, không ai muốn một người cẩu thả. Thiếu cẩn trọng, cẩu thả là một tật xấu khá phổ biến, và thường bộc lộ qua CV, đơn xin việc, cách viết email cũng như trong phỏng vấn. Một email sai chính tả, một CV lộn xộn, câu cú lung tung, một diện mạo xộc xệch, không đúng giờ, hay ánh mắt trốn tránh… tất cả đều là những dấu hiệu của người không đáng tin cậy, cẩu thả. Tùy từng công việc mà chúng ta có thể chấp nhận sự thiếu chỉn chu ở một mức độ vừa phải, thế nhưng nếu ứng viên tỏ ra là người quá tùy tiện, bừa bãi, thì cũng không có gì đảm bảo rằng họ sẽ đáp ứng được yêu cầu công việc ở mức đạt tiêu chuẩn.

Những ứng viên trẻ nhưng thiếu sự tôn trọng

Có lẽ chuyên viên nhân sự nào cũng đã từng gặp những ứng viên tuy còn trẻ tuổi nhưng lại có thái độ “nhìn đời bằng một con mắt”, thiếu tôn trọng đối với nhà tuyển dụng. Họ giao tiếp không dùng kính ngữ, cộc lốc hoặc quá tự tin vào năng lực của bản thân nên không tiếp thu góp ý của người khác. Trên thực tế, những bạn trẻ này sẽ rất khó đào tạo và thường cũng không hòa đồng với những nhân viên khác trong tổ chức. Bạn hãy thận trọng và không nên đánh giá cao những ứng viên tìm việc này dù họ có năng lực phù hợp với vị trí đang cần tuyển dụng.

Những ứng viên quá đòi hỏi

“Quý ngài, quý cô” đòi hỏi cũng là một kiểu người nên tránh khi tuyển dụng. Đây là những ứng viên luôn chỉ chăm chăm để ý tới lợi ích của mình thay vì tập trung vào việc chứng minh, khẳng định năng lực và đóng góp vào thành công của công ty. Họ luôn muốn mình phải nhận được lương thưởng, đãi ngộ tốt, môi trường làm việc thoải mái, sếp và đồng nghiệp tạo điều kiện nhưng không chịu bỏ công sức và thời gian tương xứng với những thành quả đó. Với những ứng viên vẫn nhìn cuộc sống qua “cặp kính màu hồng” như thế này, bạn nên bỏ qua để tạo cơ hội cho những người thực tế hơn.

Những người có tư duy tiêu cực

Sự tiêu cực là kẻ thù nguy hiểm của văn hóa doanh nghiệp, và nó có thể được manh nha tạo nên từ những cá nhân mang trong mình tư duy này. Những người luôn than vãn, kể khổ, những người sợ hãi trước khó khăn hay luôn ở trong tâm trạng kích động, u uất... đều gây ra những ảnh hưởng không tốt tới tinh thần chung của đội ngũ. Bạn cần cân nhắc nếu thấy ứng viên của mình thường thể hiện sự tiêu cực qua lời nói, hành động hoặc cách ứng xử, bởi tuyển dụng những nhân sự này thường “lợi bất cập hại”, nhất là ở những vị trí nhân sự cấp cao.

Những người lười biếng, không chịu khó

Sự nhiệt tình, chăm chỉ, tinh thần đam mê công việc là một trong những yếu tố không thể thiếu để đạt được thành công, dù ở bất cứ ngành nghề nào. Chính vì vậy, một ứng viên hời hợt, không chịu khó hay có tính cách lười biếng, đùn đẩy trách nhiệm sẽ không đáng để công ty đầu tư chi phí, thời gian để đào tạo hay tuyển dụng thành nhân viên chính thức. Bạn hoàn toàn nên trao cơ hội này cho những người có sự nhiệt tình và tinh thần nỗ lực hơn, vì đây chính là những người biết cách tự tạo động lực cho bản thân để đi tới thành công.

Trong quá trình tuyển dụng, bạn sẽ thường xuyên gặp phải những ứng viên tìm việc không đáp ứng được yêu cầu về năng lực, đạo đức và thái độ. Bạn cần luôn tỉnh táo, nhạy bén để nhận diện, nắm bắt được từng dấu hiệu để loại bỏ ứng viên không phù hợp. Điều này sẽ giúp công ty, doanh nghiệp của bạn hạn chế đến mức thấp nhất việc tuyển dụng sai nhân sự, tiết kiệm được nguồn lực đồng thời có được những ứng viên chất lượng.

                                                                           Ngân Linh

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất