5 điều nên làm khi bắt đầu công việc mới để tạo ấn tượng tích cực
Bắt đầu công việc mới, bạn sẽ luôn là đối tượng bị “soi” nhiều nhất về tất cả các khía cạnh từ ăn mặc, cách đối xử đến khả năng làm việc. Làm thế nào để vượt qua được giai đoạn thử thách này một cách êm đẹp, vừa làm việc hiệu quả, được ghi nhận từ cấp trên, vừa tạo được dấu ấn tốt với mọi người xung quanh?
Nếu bạn là nhân viên mới và không muốn phí hoài công sức lựa chọn việc làm Biên Hòa, Bình Dương… và tham gia các vòng phỏng vấn khó nhằn thì đừng bỏ qua những lưu ý sau đây để có một khởi đầu thuận lợi.
Giao tiếp tốt, hòa đồng, khiêm tốn
Sẽ thật bất lợi nếu như bạn là nhân viên mới nhưng thiếu kỹ năng giao tiếp và có tính khoa trương, thích thể hiện.
Khi bạn chưa quen với môi trường làm việc mới, đặc biệt những đồng nghiệp còn xa lạ, bạn và họ chưa hiểu hết về nhau nên sẽ dễ xảy ra các hiểu lầm, khúc mắc. Một người khéo léo sẽ hiểu rõ vấn đề này để điều chỉnh bản thân chuẩn mực trong giao tiếp. Đặc biệt với vị trí của nhân viên mới, bạn nên giữ thái độ vui vẻ hòa đồng và khiêm tốn với tất cả mọi người. Nên tránh thể hiện bản thân thái quá, đùa giỡn vô tư, thiếu ý tứ hoặc quá khép kín không tương tác với mọi người.
Kỹ năng giao tiếp và ứng xử tốt, khéo léo chính là chìa khóa đầu tiên giúp bạn từng bước bắt đầu công việc mới tự tin và có động lực hơn.
Quan sát, nắm bắt công việc, chủ động
Thời điểm bắt đầu công việc mới, bạn sẽ gặp một số khó khăn khi chưa quen với quy trình công việc… Đây cũng chính là lúc bạn phát huy kỹ năng quan sát và nắm bắt để có thể làm tốt phần việc của mình.
Bạn nên tập trung vào nhiệm vụ chính, chủ động học hỏi để đi vào “quỹ đạo” công việc nhanh nhất bởi vì không ai “cầm tay chỉ việc” cho bạn nếu bạn không tự nỗ lực. Chủ động học hỏi từ đồng nghiệp, tìm hiểu sâu, lên kế hoạch cụ thể sẽ giúp bạn hoàn thành công việc tốt nhất.
Ngoài ra là nhân viên mới bạn cũng nên quan sát và nắm bắt những sự việc diễn ra xung quanh… dù không trực tiếp liên quan đến bản thân nhưng có ảnh hưởng tới công ty, tới lĩnh vực của mình về lâu dài.
Tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp
Dù bạn làm trong môi trường công việc nào thì sự chuyên nghiệp luôn là yếu tố cần thiết. Bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng sẽ “soi” nhân viên mới nhiều hơn về cả năng lực, ứng xử, tác phong… Do đó, bạn cần xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp và sớm khẳng định điều này từ ngay khi bắt đầu công việc mới.
Sự chuyên nghiệp của một người thể hiện qua chất lượng, năng suất công việc, có tinh thần trách nhiệm cao, kỷ luật và làm việc đúng theo cam kết (hoặc theo quy trình)… Khi một nhân viên làm việc chuyên nghiệp sẽ được ghi điểm từ cấp trên và các đồng nghiệp xung quanh.
Ngược lại, nếu bạn làm việc theo tùy hứng, thiếu trách nhiệm và cẩu thả sẽ dễ bị loại sau thời gian thử việc. Lúc này chính bạn đã đánh mất cơ hội công việc của mình sau bao cố gắng vượt qua các vòng tuyển dụng.
Nói ít làm nhiều
Có một sự thật là những người nói ít làm nhiều thường sẽ làm việc hiệu quả và tạo được cảm tình tốt hơn với đồng nghiệp. Bởi lẽ dù bạn có tài ăn nói khéo léo mà lười biếng, ngại nỗ lực thì công việc của bạn cũng khó hoàn thành hoặc đạt năng suất cao.
Đặc biệt khi là nhân viên mới, bạn chưa thực sự hiểu sâu sắc môi trường mới thì việc nói nhiều sẽ sai nhiều và trong mắt người khác bạn chỉ là người ba hoa, “miệng mồm đỡ tay chân”. Tất nhiên tuýp nhân viên nay không được đánh giá cao cũng như không tạo được thiện cảm với đồng nghiệp.
Do đó, khi mới vào làm việc bạn nên biết vị trí mình ở đâu, nói những gì cần nói và tập trung làm việc thật tốt. Chính kết quả công việc sẽ nói lên nỗ lực và năng lực của bạn.
Tìm cho mình một người dẫn dắt
Có một thực tế khi đi làm đó là trong môi trường công việc, bạn sẽ thuận lợi và nhanh thạo việc hơn nếu có một người đồng nghiệp hỗ trợ nhiệt tình. Đặc biệt vào lúc mới bắt đầu, bạn chưa hiểu hết chỗ làm mới thì sẽ được người có kinh nghiệm trò chuyện, chỉ dạy. Điều này giúp bạn nhanh nắm bắt công việc và nhanh chóng hòa nhập với đồng nghiệp.
Người dẫn dắt ở đây có thể là người đã phỏng vấn tuyển dụng bạn, trưởng bộ phận, trưởng nhóm hay đơn giản là một người đồng nghiệp có thâm niên làm việc. Để làm được điều này, chính bạn phải có thái độ nhiệt thành, cầu thị, chủ động tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp để lắng nghe và học hỏi.
Sẽ không còn gì lo lắng nếu bạn đã có sự chuẩn bị tốt khi bắt đầu công việc mới. Mong là bạn sẽ nhanh chóng bắt nhịp công việc và tạo được cái nhìn thiện cảm với toàn thể đồng nghiệp với những gợi ý trên đây.
Đặng Hảo
Video được xem nhiều nhất