Xúc động chuyện 2 người con nuôi giấc mơ đỗ Đại học từ thùng kem dạo của ba

Kênh 14 - 04/10/2015, 16:00

Nhà nghèo, mồ côi mẹ từ nhỏ, nhưng nhờ công ba vất vả đạp xe bán kem dạo, nuôi dạy hai con mà Thắng và Hiếu đều hoàn thành giấc mơ đỗ Đại học với thành tích cao.

Khoảng 4 năm về trước, câu chuyện về người cha bán kem dạo nuôi con đỗ Thủ khoa Đại học Sư phạm Huế được báo chí nhắc đến đã từng lay động không ít trái tim độc giả. 4 năm sau, khi quay lại gia đình ấy, một niềm vui mới lại vừa bắt đầu khi người con trai út trong gia đình tiếp tục đỗ vào Đại học kinh tế - ĐH Huế.

 
Nỗi đau quá khứ
 
Ở TP Huế, những ai thích ăn kem dạo, có lẽ sẽ thấy quen quen khi nhắc đến bác bán kem đã lớn tuổi, ngày ngày đạp xe chở theo thùng kem đi khắp phố phường. Chiếc xe đạp đã hoen rỉ, cũ rích và đôi khi, hai bên lốp đã mòn nhưng những que kem của người đàn ông ấy thì bao giờ cũng ngọt mát, trong lành. Mỗi khi bác bán kem đi qua, thứ ánh sáng toát lên từ màu trắng, đỏ vui mắt và mùi hương vani bung tỏa ngào ngạt bỗng trở thành niềm ao ước của biết bao lứa tuổi thơ ngây. Cũng nhờ sức sống của tình yêu kem lâu bền qua năm tháng ấy, ông Nguyễn Đắc Đề (khu vực 1, phường An Đông, TP. Huế) vẫn hàng ngày đắt khách và kiếm đủ tiền nuôi hai con hoàn thành giấc mơ đỗ Đại học.
 
Nói về công việc của mình, ông Đề chia sẻ, bản thân ông sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khi lớn lên lại không tìm được công việc ổn định nên chỉ còn biết nghĩ cách đi bán hàng rong, kiếm sống qua ngày. "Tôi đã đi bán kem dạo được khá lâu, bắt đầu từ năm 29 tuổi", ông Đề nói.
 
1-7e1a3
Suốt nhiều năm tháng, bỏ qua những ánh nhìn xem thường của nhiều người, ông Đề vẫn lặn lội một mình đạp xe lê la khắp các cung đường TP Huế, bám kem kiếm tiền nuôi con ăn học.

 

2-7e1a3
Những que kem dạo giá rẻ chỉ vài nghìn đồng này là kế sinh nhai của cả ba cha con ông Đề.
 
Cho đến khi lấy vợ, sinh con, ông Đề vẫn một mình lăn lộn với nghề bán kem dạo, gom từng đồng bạc lẻ để lo lắng cho mọi sinh hoạt gia đình. Cuộc sống tuy có khó khăn nhưng vô cùng hạnh phúc. Ông Đề nói: "Cuộc đời tôi có nhiều điều may mắn nhưng may mắn nhất là đã lấy được một người vợ dịu hiền".
 
4-7e1a3

Hạnh phúc gia đình trọn vẹn đã không vững bền khi người vợ ông Đề đột ngột ra đi năm 2005...

 
3-7e1a3

... Bỏ lại ông Đề giữa cảnh gà trống nuôi con.

Nhưng niềm vui ấy đã không kéo dài được quá lâu. Những hạnh phúc người ta cứ nghĩ đã nằm gọn trên tay, bỗng một ngày tử thần kéo đến và dập tắt tất cả. Năm 2005, trong một lần ra sông hái rau về nấu cám cho đàn lợn, vợ ông bị lật xuồng và bị nước cuốn đi. Ông Đề lâm vào cảnh "gà trống nuôi con".
 
Gia đình thiếu vắng bóng dáng người phụ nữ bỗng như bị một trận gió thổi cho tắt đi ngọn lửa đầm ấm. Một mình ông Đề nhiều khi bẩn thẩn suy nghĩ: "Liệu mình sẽ nuôi nấng hai con ra sao, xã hội rồi sẽ nhìn nhận, đánh giá mình như thế nào, mình liệu có xứng đáng là một người ba tốt hay không".
 
Vợ mất khi hai con còn thơ dại, Nguyễn Đắc Hiếu (con trai lớn) mới học lớp 7 và Nguyễn Đắc Thắng (con út) mới học lớp 3. "Tôi đã cố gắng để mọi thứ diễn ra bình thường. Con tôi còn nhỏ quá và có lẽ, chúng chỉ biết rằng hàng ngày vẫn có tôi đứng ra chăm sóc, lo cơm ăn, áo mặc và tiền cho chúng ăn học", ông Đề nói.
 
Khác với suy nghĩ của ông, cả Hiếu và Thắng đều hiểu rõ nỗi đau số phận. "Nhiều lúc mình khóc, nhưng là khóc không để ai biết. Mọi việc đã trở lại bình thường nhưng mình biết, không khí gia đình yên vui đã mất đi", Hiếu chia sẻ.
 
Một thùng kem dạo nuôi hai giấc mơ lớn
 
Thương cha, thương người mẹ đã mất và lo lắng cho chính tương lai của mình, cả Thắng và Hiếu đều cố gắng học thật giỏi để vươn lên, hướng đến những điều tốt đẹp hơn. "Mình coi việc học giống như một cách để trả ơn ba đã vất vả nuôi hai anh em ăn học", Thắng nói trong niềm xúc động dâng trào. Đối với Hiếu, cậu cũng từng tâm niệm: "Mình không biết làm gì phụ giúp ba nên chỉ biết dùng thành tích học tập để báo đáp ba và giúp ông yên lòng".
 
Gia đình nghèo khó, một mình ông Đề lận đận trên chiếc xe bán kem dạo, nai lưng kiếm sống. Thời gian cho công việc đã chiếm trọn cả một ngày, việc chăm lo cho các con cũng không thể hoàn toàn sát sao. Điều may mắn là cả Thắng và Hiếu đều là những người con ngoan và giàu nghị lực vươn lên. Nhắc lại chuyện dạy con, ông Đề nhớ nhất một kỉ niệm khó quên liên quan đến đôi giày để trong tủ.
 
"Ba có một đôi giày nhưng ba không bao giờ đi. Không phải vì ba nghèo không đủ tiền mua giày mà vì công việc của ba không thể đi giày đi làm mà phải dùng đôi dép. Ba mong các con sau này, khi các con đi làm, các con có đôi giày láng láng nào thì cũng có thể mang đôi giày đó đi làm. Đó là niềm hân hạnh của ba", ông Đề nhớ lại.
 
6-7e1a3
Câu chuyện về đôi giày ba không dám đi đã trở thành một động lực to lớn giúp Hiếu và Thắng cố gắng học tập thật tốt.
 
7-7e1a3
Năm 2011, Hiếu đỗ thủ khoa ĐH Sư phạm Huế.
 
5-7e1a3
Noi gương anh trai, 4 năm sau, Thắng tiếp tục đậu ĐH Kinh tế - ĐH Huế trong niềm tự hào khôn xiết của ba.
 
Câu chuyện đơn giản nhưng vô cùng cảm động ấy đã trở thành một niềm động lực to lớn thúc đẩy hai anh em Hiếu, Thắng tiến về phía trước. Kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2011, Hiếu xuất sắc giành vị trí Thủ khoa đầu vào Đại học Sư phạm Huế. Mơ ước của người cha đã dần trở thành hiện thực một cách bất ngờ. "Ngày ấy, hình như ba mình còn rất mơ màng về thông tin mình đỗ Thủ khoa", Hiếu kể.
 
Giấc mơ đã cán đích và điều tuyệt diệu hơn là nó không chỉ đến một lần trong đời. Kỳ thi năm nay, con trai út Nguyễn Đắc Thắng tiếp tục giành điểm số cao và đỗ vào trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế.
 
Ba cha con, ba người đàn ông trong gia đình đã từng nương tựa vào nhau vượt qua bao khó khăn, gian khổ, những hạnh phúc và cả nỗi đắng cay. Nhưng cũng vì là đàn ông nên suốt bấy nhiêu năm vẫn chưa ai thốt lên được một lời tâm sự từ đáy lòng. Ông Đề luôn nghĩ các con vẫn là những đứa trẻ thơ dại, không hiểu nổi tâm sự người lớn còn hai con lại đau đáu, in hằn cả nỗi buồn của người cha trong tâm trí mình nhưng lại chưa biết cách giãi bày, tâm sự.
 
8-7e1a3

Niềm hạnh phúc vỡ òa  khi được chia sẻ cảm xúc tự đáy lòng của ba cha con trong ngày khai trường của Thắng.

 
Và, đó cũng chính là lý do khiến chương trình Điều ước thứ 7 đã xuất hiện và mang đến những bất ngờ mới cho cả ba cha con, đánh thức lại những tâm sự chưa một lần được thổ lộ trên chính sân khấu khai giảng ĐH của Nguyễn Đắc Thắng. Câu chuyện về ba cha con bán kem dạo được diễn lại trên sân khấu đã lay động không ít trái tim thầy, cô và sinh viên trường ĐH kinh tế Huế. Giây phút ba cha con bật khóc, nói cho nhau nghe những lời tự đáy lòng cũng là lúc hàng nghìn người khác đang thầm mong một tương lai tươi sáng hơn sẽ đến với họ, đưa giấc mơ của người cha bán kem dạo đi về những bến bờ tràn ngập hạnh phúc và yêu thương.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất