Vô cảm và thiếu văn hóa đang lớn dần: Reo hò trước nỗi đau người khác

21/04/2015, 09:12

Sự vô cảm, từ chối trách nhiệm và hành xử thiếu văn hóa đang trở thành “căn bệnh” lớn dần trong đời sống xã hội. Phải xem đây là chuyện quốc gia đại sự, cần xây dựng một xã hội đồng cảm và chia sẻ... Nếu không có những giải pháp ngăn chặn sẽ là tác nhân l

Vô cảm và thiếu văn hóa đang lớn dần: Reo hò trước nỗi đau người khác
Nhiều bạn trẻ cười nói rôm rả khi chứng kiến cảnh đánh nhau - Ảnh: cắt từ clip
 
Không ít bạn trẻ coi sự dửng dưng, vô cảm là chuyện hết sức bình thường. Thậm chí, có những người còn cổ vũ, reo hò trước nỗi đau của đồng loại.
 
“Không phải chuyện của mình”
 
Xem những đoạn phim học trò đánh nhau trong thời gian gần đây, nhiều người không khỏi bức xúc không chỉ bởi những cảnh ẩu đả, mà còn vì sự dửng dưng, thậm chí cổ vũ của không ít người trẻ trước những hành động bạo lực đó.
 
Tối 6.4, nhiều trang mạng xã hội lan truyền một clip quay cảnh đánh nhau giữa hai nữ sinh ở tỉnh Quảng Ninh. Trong đoạn video, các học sinh, thanh thiếu niên khác rôm rả nói cười khi chứng kiến cảnh ẩu đả. Một người nam thậm chí thè lưỡi làm điệu và tươi cười trước máy quay.
 
Trước đó, dư luận dậy sóng với đoạn phim học sinh THCS ở tỉnh Trà Vinh đánh hội đồng bạn bằng ghế. Mỗi khi chồng ghế ném trúng nạn nhân, lại có tiếng “Mày!” vang lên đầy thích thú…
 
Huỳnh Hoàng Hải (học sinh lớp 12, ở H.Đức Hòa, Long An) nhận xét: “Em thấy những hành vi thản nhiên đứng xem và cổ vũ trước những cảnh đánh nhau đó rất phản cảm. Mâu thuẫn thường liên quan đến chuyện tình cảm hoặc ghen tỵ trong việc học. Đôi khi từ những xích mích nhỏ như nhìn đểu, giẫm phải chân của bạn…, hai bên không kiềm chế được mà dẫn đến đánh nhau”.
 
“Quá lo ngại!” là lời cảm thán của ông Trần Công Bình, chuyên gia bảo vệ trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại VN khi đề cập đến thái độ vô cảm như trên.
 
Cũng là một phụ huynh có hai con đang học THPT và THCS tại TP.HCM, ông Bình chia sẻ: “Trong nhóm bạn như con tôi chẳng hạn, thay vì đứng ra ngăn chặn những hành vi bạo hành đối với bạn bè của mình, thì đa phần dửng dưng xem đó không phải là chuyện của mình. Các cháu sợ vô can ngăn sẽ bị dìm hàng, bị gây hấn, bị đì nên không dám”. Theo ông Bình, ngay cả ban giám hiệu, thầy cô đôi khi cũng không quan tâm đến những vụ học sinh ẩu đả nhau. Họ nghĩ rằng những đứa trẻ này hư hỏng rồi, không còn thuốc chữa nữa hoặc phải kỷ luật nặng mới được.
 
Thạc sĩ Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (Q.Tân Phú, TP.HCM), nhìn nhận bệnh vô cảm, không biết thương yêu đồng loại đang hoành hành trong bộ phận người trẻ. Theo ông Hiếu, cơ chế xử lý những vụ bạo lực học đường hiện còn nhiều bất cập. “Những vụ nào báo chí phản ánh thì mới được quan tâm, Bộ GD-ĐT và chính quyền địa phương đôn đốc xử lý. Còn không thì nhà trường thường coi đó là những chuyện nhỏ”, ông Hiếu nói.

 

Bình thường thành… bất thường
 
Chuyên gia Bảo vệ trẻ em của UNICEF VN - ông Trần Công Bình cho rằng do ảnh hưởng từ môi trường gia đình, môi trường học đường và ngoài cộng đồng, nhiều học sinh ứng xử với nhau thiếu tôn trọng, chan hòa. Ông Bình kể ngay cả hai đứa con của ông khi nói chuyện với nhau cũng hay chêm những tiếng lóng và những từ khá “mạnh bạo”. Lần đầu tiên, ông cảm thấy hơi sốc, đã hỏi con: “Ủa, sao con nói chuyện nghe ghê quá vậy?”. Những đứa con ông Bình tỉnh bơ: “Bình thường thôi mà ba! Bạn bè con đều nói vậy hết”.
 
Theo ông Bình, có những thầy cô giáo xưng “mày - tao” với học trò và coi đó là thể hiện sự thân thiện, gần gũi. Ông tâm tư: “Những điều mình dạy con như lễ phép, hòa đồng với bạn bè đã trở thành điều không bình thường trong môi trường của các con. Ngược lại, những điều bất bình thường lại trở thành bình thường!”.
 
Đề cập đến vấn đề giáo dục đạo đức trong trường hiện nay, ông Bình thẳng thắn: “Học sinh cần phải biết những giá trị rất căn bản là yêu quý giá trị bản thân các em cũng như tôn trọng bạn bè cùng trang lứa, phải có những đối xử chan hòa, thân thiện với mọi người… Thế nhưng, có bao giờ chúng ta nói đến những chuyện đó đâu? Chúng ta toàn đề cập đến những chuyện vĩ đại, bao la, chung chung, tản mạn”.
 
Cũng theo ông Bình, học sinh cần được trang bị những phản ứng tích cực trước các hành vi xấu, bạo hành để phòng ngừa ngăn chặn. Mặt khác, cũng cần có những chương trình trợ giúp trang bị các kỹ năng làm cha mẹ cho phụ huynh.
 
Gần đây, thạc sĩ Bùi Gia Hiếu cùng một số giáo viên khác tại TP.HCM đã có buổi nói chuyện thân tình với những sinh viên năm cuối khối ngành sư phạm. Trong đó, ông Hiếu và các đồng nghiệp nhấn mạnh sự cần thiết của việc tích hợp giáo dục đạo đức, kỹ năng trong từng môn học. Theo ông Hiếu, để ngăn ngừa bạo lực học đường và vô cảm với bạo lực học đường, nhà trường cần tận dụng nắm bắt nhiều kênh thông tin đa chiều, từ giáo viên, giám thị, cán sự lớp, phát phiếu đồng hành nắm bắt tâm tư học sinh. Bên cạnh đó, hiệu trưởng và giáo viên nhiều lúc cũng cần “vi hành” trên những trang mạng xã hội để hiểu thêm về muôn mặt cuộc sống của học sinh.
 
Ý kiến
 
Cần đội ngũ tư vấn viên có năng lực
 
Theo tôi, mỗi trường cần có phòng tư vấn tâm lý với tư vấn viên có năng lực (hiện nay thường để y tế học đường hoặc trợ lý thanh niên, tổng phụ trách kiêm nhiệm). Từ đó, có những hỗ trợ kịp thời giúp các em biết bạo lực không phải là cách giải quyết xung đột mà là hành vi vi phạm pháp luật; có khả năng nhận biết trách nhiệm và vai trò của mình, cần can đảm lên tiếng chống lại cái xấu và điều không tốt. Đồng thời, giúp các em có những mối gắn kết gần gũi với nhau để thân thiện, giúp đỡ và bảo vệ nhau.
 
Thạc sĩ xã hội học Vũ Thiện Toàn
 
Làm tổn hại hình ảnh học trò
 
Có những chuyện lẽ ra chỉ cần nói với nhau, ai có lỗi thì xin lỗi là xong, nhưng thực tế lại bị đẩy lên đến mức ẩu đả. Người ngoài nhìn vào nghĩ học sinh bây giờ vô cảm, đánh nhau tùm lum làm tổn hại hình ảnh áo trắng học trò. Theo mình, khi đã bước chân vào trường học rồi thì phải làm sao xứng đáng với hình ảnh áo trắng.

Huỳnh Hoàng Hải
 
(Học sinh lớp 12, H.Đức Hòa, Long An)
 
Em sẽ tiếp tục can
 
Chuyện học trò trong trường đánh nhau tung clip lên mạng hiện nay rất phổ biến. Riêng bản thân em, em từng có mấy lần can bạn đánh nhau rồi. Nếu thấy đánh nữa, em sẽ tiếp tục can. Khi thấy có người xung phong vào can ngăn thì sẽ có những người khác cùng làm với mình. Mặt khác, học sinh cũng nên báo cho thầy cô, cha mẹ biết những rắc rối mình đang gặp phải.
 
Tạ Đình Quý (Học sinh lớp 9, Trường THCS Thoại Ngọc Hầu, Q.Tân Phú, TP.HCM)

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất