Vì sao giới trẻ thích “ném đá”?
Hiện nay, người ta dễ dàng tìm thấy những lời bình luận ác ý, những lời đả kích, chê bai trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn về bất cứ nhân vật, sự kiện nào.
Những vụ việc nổi cộm gần đây như chuyện cộng đồng mạng “ném đá” Lệ Rơi, nghi án tuổi thật của cầu thủ Công Phượng,… hay mới đây nhất là sự kiện ra mắt Bphone của Bkav, chuyện tình của nữ ca sĩ H.N.H.
Về hiện tượng này, PGS.TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, nói:
“Ném đá hội đồng” thực ra không quá mới, hay nó cũng không phải chỉ xảy ra ở Việt Nam. Thuật ngữ này bắt nguồn từ hình phạt những người vi phạm những tội được coi là rất nặng ở một số nước như ngoại tình, phản bội, chửa hoang, vi phạm điều cấm…
“Ném đá hội đồng” nay có nhiều biến thể trên thế giới ảo khi người ta không hài lòng về vấn đề gì đó. Một người khởi xướng, hàng trăm người ùa theo với sự hồ hởi đôi khi thiếu kiểm soát.
Nhiều người bình luận, chửi rủa, phê bình, chê trách đôi lúc không vì chính kiến, cũng chẳng vì sự bức xúc hay cảm xúc chân thật của chính mình mà cứ làm cho giống, làm cho vui, làm vì sức mạnh của đám đông. Không chỉ ở Việt Nam mà một số quốc gia khác chuyện này cũng tồn tại.
Giới trẻ “ném đá hội đồng” nhiều khi cho vui, theo đám đông. Ảnh: Như Ý
Thưa ông, phải chăng “ném đá” luôn thể hiện sự bất bình và bức xúc?
Thực ra chưa hẳn “ném đá” thể hiện sự bất bình và bức xúc đối với một nhân vật, một sự kiện, một vấn đề nào đó vì đôi lúc người ta làm theo số đông, làm theo quán tính và hành động cảm tính.
Có thể nói cảm xúc chi phối khá nhiều đến tâm lý của con người. Nhận thức của một cá nhân có thể ảnh hưởng khá nhiều đến cá nhân khác đặc biệt với trào lưu hướng về số đông, gây hấn hay tỏ ra sức mạnh nhóm thì “ném đá” dễ dàng trở thành một kiểu ứng xử trên mạng.
Hơn nữa, thế giới ảo với nhiều trò lố, với nhiều sự thật không thật nên “ném đá” lâu dần có thể trở thành kiểu công kích, kiểu phản ứng mang tính “chỉnh sửa” được người ta dễ dàng thừa nhận.
Điều này dẫn đến mặt trái là nhiều người đã lợi dụng để đả kích, chê bai, nhiều khi rất vô lý, vô căn cứ?
Đó là nỗi đau của kiểu văn hóa mạng và kiểu cảm tính trong phê bình, nhận xét. Một số cá nhân không đáng bị “ném đá” nhưng vẫn bị ném không thương tiếc.
Một số hoàn cảnh người ta bị oan ức vì kiểu sức mạnh liên kết thiếu tỉnh táo, sự ám thị bởi đám đông, sự kích động dây chuyền, sự “đốt pháo” thiếu cân nhắc để quăng vào người khác khiến họ thậm chí khó có thể ngoi đầu lên…
Phải chăng một bộ phận người Việt, đặc biệt là giới trẻ vì thói đố kỵ mà sẵn sàng “ném đá”?
Trước hết, có thể nhìn thấy một bộ phận người Việt, đặc biệt là giới trẻ đang dùng thói đố kỵ để “dập hội đồng” thay vì nhìn vấn đề cân bằng, có trước có sau, thấu đáo.
Nặng nề hơn nữa là thiếu cân nhắc hậu quả khi ném đá người ta dẫn đến những tổn thương hay thậm chí là cái chết. Đó là biểu hiện của thái độ tiêu cực, không tranh luận và phản biện có văn hóa, thái độ thù địch, kẻ cả và trù dập người khác.
Hậu quả của việc “ném đá hội đồng” này như thế nào, thưa ông?
Như đã phân tích có những cá nhân cảm thấy thương tổn đến mức mất hẳn niềm tin và nghị lực làm việc. Với một số ý tưởng, việc ném đá vô tình lại trở chiều theo hướng được thừa nhận dù là bất thường. Thứ nữa, có những vấn đề và ý tưởng chết yểu trong khi đó lại là một ý tưởng mới hay một lựa chọn tích cực.
Phải chăng giới trẻ hiện nay không biết cách hành xử, góp ý, tranh luận mà họ chỉ biết cùng nhau “dập hội đồng” về một vấn đề xã hội?
Tôi nghĩ cũng khó đánh giá hay kết luận vì giới trẻ vẫn có những cá nhân rất sâu sắc và bản lĩnh. Nhưng vẫn tồn tại một số cá nhân thiếu bản lĩnh, thiếu sự khách quan và dễ bị người khác lôi kéo.
Việc này cho thấy các bạn trẻ cần tỉnh táo, cần trang bị cho mình quan điểm sống và tầm nhìn cũng như hệ tư tưởng vững vàng.
Thứ nữa, những kỹ năng đánh giá khách quan, tư duy phản biện, lập trường kiên định cần được trang bị khi xuất hiện và thể hiện trên thế giới ảo…
Xin cảm ơn ông
Theo Văn Minh
Tiền phong
Video được xem nhiều nhất