Ước mơ trở thành nhạc sĩ nổi tiếng của chàng trai bại não
Cử động khó khăn nhưng Quốc Hùng vẫn có thể chơi đàn. Khi tay tê cứng, chàng trai 22 tuổi lại sử dụng chân để điều khiển phím đàn.
Không được khỏe mạnh lành lặn như những đứa trẻ bình thường, Vũ Quốc Hùng (sinh năm 1993, Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) bị bệnh bại não từ thuở lọt lòng. Di chứng của căn bệnh khiến cho Hùng khó cử động, phát âm không rõ. Sinh hoạt hàng ngày của Hùng như tắm rửa, ăn uống đều được gia đình giúp đỡ.
Dù bị tật nhưng Hùng vẫn sống lạc quan và không ngừng sáng tác nhạc.
|
Khi Hùng chào đời, gia đình không phát hiện gì khác lạ. Con chậm lớn, gia đình đưa đi viện, bác sĩ chẩn đoán Hùng bị bại não, căng cứng các cơ. Bố mẹ chạy đủ nơi, cứ ai mách chỗ nào chữa trị, có chút tia hy vọng là đến chữa, chưa bao giờ bỏ cuộc.
Không thể đến trường và học tập như bạn bè cùng trang lứa, cuộc sống của Hùng ban đầu chỉ gắn liền với căn phòng kín mít. Con hay rầu rĩ, buồn bã, gia đình tạo điều kiện để Hùng học máy tính, học chữ và giảm bớt khoảng thời gian rảnh. Không ngờ Quốc Hùng lại bén duyên với con đường âm nhạc trong sự ngạc nhiên của mọi người.
Bà Tạ Thị Mùi, mẹ Hùng, cho biết khi đứa em thứ hai học nhạc với cô giáo tới nhà dạy, Hùng thường từ trong phòng ra để lắng nghe và háo hức khi được chạm vào những nốt nhạc. Thấy Hùng thích thú với nhạc, mọi người cũng chỉ nghĩ cho em ngồi nghịch đỡ buồn. Dần dần Hùng xin bố mẹ cho học rồi gắn bó với con đường này.
Đối với Hùng, học nhạc là quá trình luyện tập gian nan, vất vả, việc tìm người dạy lại càng khó khăn hơn. Mới đầu do cơ tay căng cứng nên khi tập, Hùng phải gồng mình để có thể sử dụng phím nhạc. Mỗi lần chơi đàn xong, người Hùng cũng đẫm mồ hôi, hai chân mỏi rời vì tập luyện. Nhiều lúc tay bị tê cứng, Quốc Hùng phải dùng chân để điều khiển phím đàn, mở máy.
Nở nụ cười trên môi, Quốc Hùng cho biết không lành lặn nhưng chưa bao giờ buồn hay cảm thấy chán nản, mà đó là động lực để Hùng theo đuổi đam mê âm nhạc. Chàng nhạc sĩ khuyết tật cũng thường lên mạng để tìm hiểu về âm nhạc và nghe những ca khúc do chính mình sáng tác. Hùng có khả năng hòa âm, phối khí cho bài hát. Niềm đam mê với âm nhạc là động lực giúp Hùng vượt lên những khó khăn, chinh phục bản thân. Nhiều hôm, chàng trai trẻ thức tới 3-4h sáng để viết bài hát. Với Hùng, viết nhạc không phải để nổi tiếng mà là cách vươn lên, trở thành người "tàn nhưng không phế".
Hùng cho biết, để có được như ngày hôm nay điều quan trọng nhất là nghị lực và niềm tin vào chính bản thân.
|
Những ca khúc Hùng sáng tác và được đông đảo bạn trẻ yêu mến như Sợ mất em, Đến lúc buông tay, Hạnh phúc của anh… do các ca sĩ như Nam Cường, Tăng Nhật Tuệ thể hiện. Mới đây ca khúc Đừng bắt em phải quên của Hùng do ca sĩ Miu Lê thể hiện đã nhận được sự yêu mến của khán giả.
Chủ đề chính trong các sáng tác của Hùng tập trung vào tình yêu đôi lứa, những bài hát chứa đựng những cảm xúc trong veo mà chàng trai đã trải qua. "Em chủ yếu sáng tác về tình yêu, thỉnh thoảng nhân dịp sinh nhật mẹ hay kỷ niệm ngày nào đó thì làm thơ tặng mẹ. Mẹ đọc xong lúc nào cũng khóc hết. Còn nhạc em sáng tác toàn bài buồn thôi, chắc buồn nhiều nên có tâm trạng hơn", Hùng cho hay.
Nhìn con vui vẻ trò chuyện, mẹ Hùng mỉm cười hạnh phúc: "Hùng bảo sau này sẽ cố gắng kiếm nhiều tiền để nuôi bố mẹ. Bậc làm cha mẹ chỉ cần con cái mạnh khỏe, hạnh phúc là vui rồi. Bây giờ, Hùng không buồn như trước nữa vì có âm nhạc bầu bạn".
Hiện tại chàng trai bại não hài lòng về cuộc sống của mình. Hùng hy vọng sẽ viết được thêm thật nhiều ca khúc hay và trở thành nhạc sĩ nổi tiếng. Nhìn lại chặng đường "chiến đấu" để không trở thành người thừa của gia đình, xã hội, Quốc Hùng cười xòa tâm sự: "Cứ có niềm tin và nghị lực thì mọi việc sẽ thành công".
Ca khúc "Sợ mất em" của Vũ Quốc Hùng do Nam Cường thể hiện:
Bài và ảnh: Đoàn Thị Huyền
Video được xem nhiều nhất