Tủi phận của người đồng tính Hàn Quốc

Ione - 20/10/2015, 11:44

Bị coi là hiện tượng ngoại lai và không được xã hội chấp nhận, những người đồng tính ở Hàn Quốc vẫn hy vọng một ngày họ không còn phải giấu mình.

tui-phan-cua-nguoi-dong-tinh-han-quoc

Micky Kim, phải, và bạn đời Tony Ruse. Ảnh: CNN

"Tất cả mọi người ở tòa thị chính thành phố đến chúc mừng hôn sự của chúng tôi, kể cả những người tôi không hề quen biết. Nhưng ở Hàn Quốc, không ai biết đến cuộc hôn nhân này, tôi thậm chí không thể nói với gia đình mình", Micky Kim nói với CNN về lễ cưới của anh với bạn đời Tony Ruse tại California, Mỹ, hai năm trước.

Họ hàng của Micky chỉ biết rằng Ruse là người cùng làm với anh tại phòng thu ở Seoul, Hàn Quốc. Khi được hỏi về cuộc sống cá nhân ở một sự kiện dành cho gia đình mới đây, Micky chia sẻ anh cảm giác như không thở nổi vì giờ đột nhiên phải giả vờ mình là một người khác. Anh nói rằng có bạn gái được một năm để che đậy thân phận.

Micky cho hay anh cũng làm điều tương tự khi thực tập tại một công ty lớn ở Hàn Quốc. "Tôi lại phải giấu mình vì công việc, bởi vì các sếp của tôi đều đã 40-50 tuổi và họ không thực sự biết đồng tính là gì, và tôi sợ bị mất việc", anh nói.

Nhiều người Hàn Quốc vẫn nghĩ đồng tính là một hiện tượng ngoại lai, đặc biệt là thế hệ cũ. Một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Pew, Mỹ, cho thấy 57% những người được phỏng vấn cho rằng đồng tính là không chấp nhận được. Chỉ 18% nói rằng có thể chấp nhận.

Ở Hàn Quốc có những người đồng tính là các nhân vật nổi tiếng, như đạo diễn phim Kim Jho Gwang-Soo, người từng đấu tranh trước tòa để được kết hôn với Kim Seung-Hwan. Nhưng họ chỉ là số ít và quá xa lạ với văn hóa truyền thống.

Làn sóng phản đối lễ hội văn hóa đồng tính Hàn Quốc (KQFC) năm nay trở nên dữ dội đến nỗi các nhà tổ chức phải đổi ngày. Những người biểu tình bảo thủ chống lại sự phô trương của cộng đồng đồng tính vì coi đó là tội lỗi và là gương xấu cho trẻ em.

"Bạn không thể công khai nói rằng mình là người đồng tính ở Hàn Quốc, vì đây là một nước rất bảo thủ. Điều tồi tệ nhất là bị chối bỏ và cô lập khỏi cộng đồng, như gia đình, nơi làm việc, môi trường xung quanh, xã hội, và đất nước mình", Kang Myeongjin, nhà tổ chức KQFC giải thích.

Người cố vấn về chuyển giới, Edhi Park cho biết trẻ em tìm đến trung tâm hỗ trợ khủng hoảng thanh niên đồng tính DDing Dong nơi cô làm việc. "Các thanh thiếu niên này không hề có thông tin từ nhà trường hay cộng đồng, vì vậy họ nghĩ rằng họ đã mắc bệnh", cô nói.

Trung tâm mới được thành lập và hoạt động trong khoảng một năm, và là một trong số ít các dịch vụ cho thanh niên đồng tính. Park cho rằng vấn đề về đồng tính nên được giảng dạy một cách cởi mở ở các trường học Hàn Quốc. Với những thanh thiếu niên này, người duy nhất để hy vọng chính là giáo viên của họ, vì giáo viên đứng ở vị trí trung lập.  "Điều này vô cùng quan trọng", cô nói.

Ngay cả Micky Kim cũng nhớ cảm giác rối bời khi ở tuổi teen. Lúc nào anh cũng băn khoăn về bản thân, nghĩ mình bị tâm thần hay bị điên.

"Bởi vì bạn không biết người đồng tính nào nên bạn nghĩ mình là người điên duy nhất. Vì thế tôi đã rất trầm cảm và vài lần cố tự tử", anh nói.

Giờ đây Micky quyết định mở lòng để giúp mọi người ở quê nhà hiểu và thông cảm với người thuộc giới tính thứ ba. Theo anh, người Hàn Quốc không mấy biết tới cộng đồng này, và đó chính là một phần lý do Hàn Quốc là nơi người đồng tính khó được là chính mình.

Anh cho rằng tình hình đang dần trở nên tốt hơn, tin rằng luật bình đẳng hôn nhân ở Mỹ gần đây sẽ có tác động đến việc này.

"Mặc dù Hàn Quốc không cởi mở với người đồng tính, nhưng Hàn Quốc vẫn thích làm những điều mà Mỹ làm. Vì thế tôi nghĩ họ cũng sẽ theo trào lưu đó", anh cười và nói. 

VnExpress

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất