Từ chuyện MC Phan Anh đến văn hóa like, share trên Facebook

Zing - 30/05/2016, 17:30

Câu chuyện về MC Phan Anh trong chương trình "60 phút mở" hiện gây tranh cãi trên mạng. Liệu văn hóa like, share của giới trẻ có cần được coi trọng?

Chương trình 60 phút mở do MC Tạ Bích Loan dẫn dắt cùng nhiều khách mời gồm MC Phan Anh, nhà báo Hồng Thanh Quang, nhiếp ảnh gia Na Sơn, nhà báo Hoàng Minh Trí (biệt danh Cu Trí), chuyên gia tâm lý hành vi Phạm Mạnh Hà hiện gây chú ý trong cộng đồng mạng.

Nội dung chính của chương trình xoay quanh câu hỏi "Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?', trong đó nhấn vào câu chuyện MC Phan Anh chia sẻ clip thí nghiệm cá chết ở Vũng Áng do VTC thực hiện.

Theo đó, nam MC 8X cho rằng, những điều anh viết trên trang cá nhân là quan điểm của bản thân, đôi khi có thể không chính xác.

Tu chuyen MC Phan Anh den van hoa like, share tren Facebook hinh anh 1
Chương trình 60 phút mở với sự tham gia của MC Phan Anh đang gây tranh cãi trên mạng xã hội. Ảnh: FBNV.

 

Còn MC Tạ Bích Loan và các khách mời lại đánh giá việc chia sẻ một clip không có tính xác thực sẽ gây hậu quả nghiêm trọng trong dư luận.

Vậy Facebook, mạng xã hội và văn hóa like, share có cần được coi trọng hay không?

Tôi chia sẻ thì sao?

Với những ai sử dụng Facebook, mọi người đều biết nút like (thích) và share (chia sẻ) rất hữu dụng.

Đối với các tin tức trên mạng, nếu thấy thú vị, đồng tình, hưởng ứng hoặc chưa biết bình luận gì, bạn có thể "tặng" chủ nhân 1 like. Trong trường hợp muốn chia sẻ thông tin đó đến nhiều người hơn hay muốn lưu về trang cá nhân, bạn sẽ chọn share.

Theo ý kiến của thành viên Kennyha, nút share là cách lan truyền thông tin rất hiệu quả. "Chỉ cần lướt Facebook là mình có thể nắm bắt tất cả tin hot, tin nóng. Một bài viết, video thường được đánh giá dựa trên lượt thích và chia sẻ", người này nói.

Tú Quyên - 25 tuổi, nhân viên văn phòng - cho biết, cô dành phần lớn thời gian cho công việc. Vì vậy, nút "share" trở thành cách cô để không bị tụt hậu.

"Ví dụ, mình biết địa điểm bán quần áo đẹp qua share của bạn bè, học tiếng Anh từ bài chia sẻ ở các nhóm học ngoại ngữ, nắm bắt tin tức hot của showbiz, thế giới qua share trong cộng mạng. Thậm chí những tin tức chính trị, xã hội ở Facebook cũng rất đầy đủ", Quyên tâm sự.

Nguyễn Minh Hà - 21 tuổi, sinh viên Y Hà Nội - nhận định, Facebook là thế giới riêng, thể hiện cá tính, cuộc sống, quan điểm cá nhân. Do đó, việc chia sẻ gì lên "tường" nhà mình là việc của mỗi người.

"Cũng như căn phòng của mình vậy. Mình muốn mua tranh, ảnh ca sĩ nào dán lên tường là do sở thích của thích. Hay bỗng dưng, mình muốn bôi bẩn lên sàn, trần cũng là ý của mình. Facebook là cuộc sống cá nhân. Đừng áp đặt người khác phải theo suy nghĩ của bạn", nam sinh thẳng thắn.

Đồng quan điểm, Ngọc Diệp chia sẻ, nếu các thông tin ở mạng xã hội bị quản lý chặt chẽ và phải kiểm chứng tất cả thì đã không còn là mạng xã hội nữa rồi.

Ngọc Diệp kể thêm, nhiều trường hợp trẻ em đi lạc, tìm đồ, xác nhận thông tin nhờ nút "share" và "like" thu được kết quả rất nhanh. "Ví dụ như trường hợp người cha bị lạc con tâm thần khi đưa đi chữa bệnh, nhờ sự giúp đỡ của cư dân mạng, chỉ sau 1 đêm đã tìm được con. Hoặc gần đây, có trường hợp người con đi nước ngoài nhiều năm không có tin tức gì, nhờ chia sẻ của Facebook mà liên lạc về nhà. Nút chia sẻ rất có ích vào lúc này".

Song Minh chỉ ra, thời gian gần đây, những bài share các sự kiện hình sự, bạo lực học đường, tai nạn giao thông,... đưa tin rất nhanh, thông tin được cập nhật ngay lập tức nhờ sự chia sẻ của nhiều người.

Hãy trở thành người share có ý thức

Với cộng đồng mạng, đặc biệt là giới trẻ, Facebook giờ đây không chỉ đơn thuần là nơi vui chơi, mà đã trở thành thương hiệu cá nhân, kênh chia sẻ suy nghĩ của bản thân, thể hiện cá tính. Thời gian gần đây, Facebook còn được sử dụng để bán hàng online, quảng bá thương hiệu...

Vì vậy, tin tức ở mạng xã hội này có tính lan tỏa rất nhanh rộng, với nhiều nội dung tốt xấu lẫn lộn, thật giả khó kiểm chứng. Người đọc phải đối mặt với khả năng "ngộ độc thông tin" cao và với những người không có sự tỉnh táo, việc "ăn quả lừa" là không hiếm.

Tu chuyen MC Phan Anh den van hoa like, share tren Facebook hinh anh 2
Facebook chiếm vị trí quan trọng trong việc lan truyền thông tin ở thời đại ngày nay. Ảnh: Sebastian Pytka.

 

Chỉ mới thời gian trước, một số dòng trạng thái như: "Ai đi qua xin 1 like", "1.000 like cho em bé châu Phi khốn khổ", "Không share là không có trái tim”, cho tới các clip chửi bới, đánh nhau, video hành hạ động vật... được chia sẻ vô kể trên mạng xã hội.

Hồ Quang Trung đặt câu hỏi: "Nhiều lúc mình lấy làm khó hiểu vì sao có những thứ rất nhảm nhí, nội dung bậy bạ mà có nhiều người like và share đến vậy?

Hình thức câu like, câu share cũng nhiều cấp độ, từ tin gây sốc, giật gân, đến sai sự thật, bịa đặt. Điều khó hiểu hơn cả là những bài như vậy lại có lượng người vào bình luận đông đảo".

Đồng ý với Quang Trung, Thế Huỳnh (26 tuổi, Xuân La, Hà Nội), mạng xã hội giờ đây rất nguy hiểm, không cẩn thận là "sập bẫy ảo như chơi".

"Mình thích đọc các bài chia sẻ, suy tư của bạn bè. Nhưng hiện nay có một nhóm người mà mình gọi là 'chọc cho chửi', nghĩa là ở bất cứ vấn đề gì, tình huống gì, cũng viết status với lối tư duy 'ngược dư luận', khen người xấu, lên án người tốt với cách lập luận và ngôn từ có tính gây sốc.

Những bài như vậy bao giờ cũng được vài trăm chia sẻ, cả nghìn like (thích) và vài trăm bình luận. Càng nhiều người sa đà vào tranh luận, công kích, Facebook đó càng nhiều người theo dõi", Huỳnh cho hay.

Chỉ mới thời gian trước, mỗi khi có người nổi tiếng qua đời, những trang như "1.000 like để hồi sinh" hay "1.000 share để chia buồn" lại nở rộ, gây phản cảm, đào sâu thêm nỗi đau của gia đình, bạn bè người quá cố.

Vài tháng trước, một cặp vợ chồng ở quận Đống Đa (Hà Nội) bị xử phạt vì tung tin đồn có người nhiễm Ebola ở Việt Nam lên Facebook, với mục đích câu view, share, người theo dõi cho trang bán hàng qua mạng.

Trong tháng 5, công an tỉnh Thái Bình từng khởi tố vụ án một thanh niên đăng tin sai sự thật "cá chết hàng loạt tại biển Cồn Vành", gây hoang mang cho người dân cũng như dư luận.

Đừng share quá nhanh, đừng like quá nhiều

Trong thế giới mạng, có những người không cần biết đúng hay sai, chỉ cần nhắc đến sự kiện nóng, tiếp cận đúng đối tượng, những gì muốn ủng hộ sẽ được ủng hộ.

Còn người đọc, nếu vô tâm, không suy xét kỹ sẽ trở thành công cụ cho sự lan truyền. Còn nếu để ý suy nghĩ, sẽ cảm thấy hoang mang giữa đúng và sai, "lạc" vào rừng thông tin ảo.

Tất nhiên, không thể đánh đồng những người dùng mạng đều là nhảm nhí, tào lao. Vấn đề phụ thuộc vào ý thức, thái độ, hành vi của cá nhân khi chia sẻ trên thế giới ảo.

Mạng xã hội giờ đây trở thành một phần của cuộc sống, quan trọng đối với nhiều người. Chính ở nơi thông tin phong phú, đa chiều ấy, mỗi người cần phải xây dựng cho mình một "bộ lọc".

Nút like, share tưởng như vô hại, rất có thể sẽ là nguồn gốc gây nên bất đồng, mâu thuẫn và làm người khác bị tiêm nhiễm quan điểm sai lệch về các vấn đề xã hội.

Khi tiếp nhận thông tin, muốn chia sẻ, hãy suy nghĩ về nó nhiều hơn, tìm hiểu kỹ hơn, tra cứu sâu hơn. Đừng share quá nhanh, đừng like quá nhiều.

 

60 phút Mở là chương trình trên kênh VTV6, phát sóng 9h sáng chủ nhật cách tuần. Nội dung chương trình bàn luận về các vấn đề xã hội trên nhiều góc độ, khía cạnh, kết cấu gồm 3 phần: Chủ đề mở, Trường quay mở và Khách mời mở.

Các chủ đề đã từng bàn luận trong chương trình như "Người ta làm từ thiện vì ai?", "Xiết chặt quyền phá thai, nên hay không?", "Quyền chê sếp công khai", "Chuyện tướng và duyên"...

 

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất