Trò chuyện với Thuý Hằng - giọng đọc miền Nam mới của chương trình Thời sự 19 giờ
Afamily -
21/06/2015, 10:57
Là cái tên không còn xa lạ với khán giả truyền hình khu vực phía Nam, thời gian gần đây, BTV Thúy Hằng tiếp tục gây ấn tượng với khán giả cả nước khi lên sóng chương trình thời sự 19 giờ .
Với chất giọng miền Nam nhỏ nhẹ, truyền cảm, gương mặt phúc hậu đằm thắm rất Á Đông, nhiều người ví von chị như một làn gió phương nam mới mát lành của bản tin thời sự.
Biên tập viên thời sự phải là người có “tinh thần thép” để xử lý trực tiếp mọi vấn đề phát sinh.
Chào chị Thuý Hằng, chị có thể cho biết, chị đã gắn bó với VTV được bao nhiêu năm ?
Cho đến nay tôi đã gắn bó với VTV được 11 năm.
Nhiều năm trong nghề như vậy, chắc là chị có rất nhiều kỉ niệm với nghề? Có kỉ niệm nào đặc biệt nhất với chị không?
Mười một năm làm việc ở Đài, tôi trải qua nhiều loại công việc. Mới chập chững vào nghề thì làm trợ lý trường quay, trợ lý biên tập, rồi MC dẫn phụ (thường gọi là MC2, phụ trách phỏng vấn khán giả hoặc khách mời ngồi phía dưới sân khấu…), sau khoảng 2-3 năm tích lũy kinh nghiệm thì bắt đầu tham gia Biên tập chuyên mục, sản xuất chương trình mảng du lịch và thiếu nhi. Khi kênh VTV9 ra đời thì tôi chuyển hẳn sang mảng Thời sự với các công việc Biên tập, dẫn bản tin, thư ký biên tập, sản xuất tin bài như phóng viên.
Vì có cơ hội trải qua khá nhiều vai trò nên ở mỗi loại công việc đều có những kỷ niệm rất đáng nhớ. Nhưng nếu nói đặc biệt nhất thì có lẽ là công việc dẫn chương trình, vì công việc này đòi hỏi sự cẩn trọng tối đa, từ nội dung cho đến hình thức khi xuất hiện, nếu không chuẩn bị kỹ thì không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh của cá nhân mà cái nguy hiểm nhất là ảnh hưởng đến cả chương trình.
Vậy mà ở lần xuất hiện đầu tiên trong vai trò người dẫn ở một điểm cầu trong chương trình Chào năm mới, tôi chưa ý thức được đầy đủ điều này và cũng chưa hề có kinh nghiệm lên sóng, tôi chỉ nói hoàn toàn theo bản năng. May mà mọi việc diễn ra thật tốt đẹp. Cái khiến tôi ấn tượng nhất ở đây là cảm giác “hoàn hồn” sau lần lên sóng liều lĩnh ấy. Sau này nghĩ lại thấy đúng lúc đó như kiểu điếc không sợ súng ( cười).
Trước khi dẫn bản tin 19h chị cũng đã từng dẫn rất nhiều chương trình khác, vậy chị có gặp phải áp lực gì khi phụ trách dẫn một trong những bản tin hàng ngày quan trọng nhất của VTV ?
Mười một năm công tác, đã cho tôi kha khá kinh nghiệm và kỹ năng, nên tôi không quá áp lực với chương trình Thời sự 19h. Nhưng dù vậy, thời gian đầu tôi vẫn bị “choáng” với cường độ làm việc của các bộ phận để có thể lên sóng một chương trình quan trọng như vậy.
Nhiều khán giả nghĩ biên tập viên dẫn chương trình là chỉ cần đọc thuộc kịch bản dẫn trước khi lên hình là xong? Dẫn bản tin thời sự có phải cũng như vậy?
VTV từ lâu đã không còn khái niệm Phát thanh viên nữa, những người làm ở vị trí Dẫn chương trình đều là Biên tập viên. Trước mỗi bản tin, chúng tôi phải làm công việc tổng hợp tin bài của các phóng viên gửi về và Biên tập, xâu chuỗi sự kiện để lên được một Kịch bản hoàn chỉnh. Khâu cuối cùng mới là thể hiện bản tin trên sóng.
Rõ ràng công việc của một biên tập viên nhà đài chẳng phải màu hồng như người ta vẫn nghĩ có phải không ?
Công việc nào mà chẳng có cái khó khăn, vấn đề gì cũng có mặt đen và trắng mà. Nhưng nếu nói “màu hồng” cho công việc của biên tập viên truyền hình, nhất là với các bản tin Thời sự thì lại càng không đúng. Bạn sẽ phải đối mặt với cường độ làm việc chóng mặt, áp lực khủng khiếp trước giờ lên sóng, và phải có “tinh thần thép” để xử lý trực tiếp mọi vấn đề phát sinh.
Nhiều người còn nói đây là môi trường rất khắc nghiệt, nếu không phấn đấu liên tục sẽ bị đào thải theo quy luật nữa đấy!
“Cá tính để thể hiện cái tôi , gai góc để tự vệ, nhưng khi về nhà vẫn là vợ, là mẹ hết sức chăm lo cho gia đình” .
Được biết theo sự điều động công tác của VTV, chị đang phải tạm xa gia đình, một mình chuyển ra Hà Nội sinh sống và làm việc, đây có phải là đặc thù trong tính chất công việc mà bất cứ một BTV nào khi dấn thân theo nghề cũng phải chấp nhận, thường xuyên phải xa gia đình?
Không hẳn như vậy, trường hợp điều động công tác không nhiều. Tôi nhận quyết định này vì chủ trương bổ sung thêm giọng vùng miền cho bản tin Thời sự, và khi lựa chọn nhân sự thực hiện chủ trương này thì Đài cũng đã có xem xét đến các yếu tố phù hợp với điều kiện của đôi bên. Hơn nữa, đơn vị tôi làm việc hiện tại là Ban Thời sự hết sức thông cảm và tạo điều kiện cho tôi về thăm nhà thường xuyên, vì vậy chỉ hơi khó khăn thời gian đầu, còn bây giờ mọi thứ cũng dần ổn định rồi.
Là một phụ nữ, một người giữ lửa cho gia đình, thế mà vì công việc chị lại không thể ở bên chăm sóc gia đình của mình, chị có cảm thấy áy náy có lỗi với họ?
Tôi may mắn được gia đình hiểu và thông cảm với công việc của tôi. Nhưng dù vậy, tôi vẫn nghĩ đó là thiếu sót của mình, nhất là trong những ngày đặc biệt của gia đình mà mình không thể có mặt. Vì vậy, khi về nhà, tôi luôn cố gắng tạo không khí vui vẻ và dành nhiều thời gian để chăm sóc và bù đắp cho những người tôi yêu quý.
Chị có thấy điều đó giống như một sự hi sinh của chị và gia đình chị, dành cho sự nghiệp riêng của chị hay không? Và chị bù đắp cho gia đình bằng cách nào?
Có lẽ bạn nói đúng, gia đình đã luôn hiểu và ủng hộ cho công việc của tôi và cũng chưa bao giờ đòi hỏi tôi phải bù đắp gì cả, nên thật sự tôi cũng chưa nghĩ đến điều này. Tôi chỉ biết mình sẽ làm những gì tốt nhất có thể để giữ gìn mái ấm của mình.
Hầu hết các phóng viên, biên tập viên đều là những người có cá tính mạnh mẽ gai góc, thế nhưng nhìn chị, khán giả lại nghĩ khác hoàn toàn, chị có gương mặt đẹp, phúc hậu, rất duyên dáng đằm thắm, phải chăng đó chỉ là vỏ bọc bên ngoài cho những gai góc bên trong con người chị?
Tôi sống đơn giản, chỉ muốn làm tốt công việc của mình rồi về với gia đình. Tôi thấy phụ nữ Việt Nam hiện đại phần lớn cũng vậy, dù họ cá tính để thể hiện cái tôi, gai góc để tự vệ, nhưng khi về nhà vẫn là vợ, là mẹ hết sức chăm lo cho gia đình.
Để trở thành một biên tập viên giỏi, chị cảm thấy điều gì là cần thiết và quan trọng nhất?
Tôi nghĩ biên tập viên phải đọc nhiều và tìm hiểu nhiều thông tin trên nhiều lĩnh vực để tạo cho mình kiến thức nền. Đồng thời sự nhanh nhẹn và năng động sẽ giúp mình tiếp cận được nhiều cơ hội hơn.
Rất nhiều bạn trẻ cũng có ao ước khát khao được trở thành một biên tập viên của VTV như chị? Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, chị có lời nào nhắn nhủ đến các bạn trẻ đang nuôi ước mơ đó?
Nếu là ước mơ của mình thì hãy cố gắng để thực hiện. Có nhiều con đường để đi, nhưng nếu được làm công việc yêu thích thì chắc chắn mình sẽ dành hết tâm huyết cho nó, và điều đó sẽ giúp mình thành công.
Video được xem nhiều nhất
Bình luận