Triệu phú chia sẻ 5 điều ít biết về tiền

Zing - 02/02/2016, 08:59

Ảnh hưởng tiêu cực từ cha mẹ về cách tiêu tiền, tâm lý chờ đợi... là những điều gây cản trở cho mọi người trong việc trở nên giàu có.

Trang Business Insider mới đây chia sẻ 5 điều phần lớn mọi người chưa biết về tiền bạc của một tiến sĩ, triệu phú tự thân lập nghiệp có tên Daniel (30 tuổi).

"Chúng ta không bao giờ thực sự tìm hiểu bất kỳ lời khuyên thiết thực về tiền bạc của xã hội. Cha mẹ, giáo viên và các ông chủ đã không dạy những quy luật căn bản cần phải thực hiện để có cuộc sống thành công. 

Trên truyền hình, các chuyên gia phân tích tình hình thị trường chứng khoán nhưng đa số mọi người sẽ không bao giờ bận tâm.

Trở thành người giàu dường như là điều không thể, bởi không hệ thống giáo dục nào dạy ta điều đó. Bởi vậy, những gì chúng ta cần làm là hiểu rõ cách thức hoạt động của tài chính cá nhân" - ông nói. 

1. Cha mẹ dạy ta giá trị của đồng tiền

Hầu hết các hành vi tài chính đều bắt nguồn từ cha mẹ. Khi mua đồ, bạn thường có xu hướng vận dụng các lời dạy bảo của phụ huynh.

Một số người không bao giờ mua một món đồ hay sử dụng một loại dịch vụ, đơn giản vì cha mẹ họ không làm như vậy. Đây là lối suy nghĩ gây bất lợi, khiến bạn không nắm được bản chất của đồng tiền.

Hầu hết mọi người chịu ảnh hưởng từ cách sử dụng tiền bạc của cha mẹ.

 

Ví dụ, trong lần mua máy tính xách tay, tôi đã không lựa chọn loại có bảo hành. Bởi khi đó, giọng nói của cha vang lên trong đầu: “Con trai à, không nên chọn loại máy có bảo hành. Đó là sự lãng phí vì con sẽ chẳng dùng đến nó. Họ chỉ bày cách để bán được hàng thôi”.

Đa số phụ huynh dạy con tiêu tiền an toàn. Họ muốn con cái dùng tiền để đi học và kiếm việc làm.

Tôi từng nhận được rất nhiều lá thư từ các bạn trẻ. Họ chia sẻ, cha mẹ sẽ rất tức giận nếu họ không nhận được bằng đại học. Thực tế, tất cả những điều này chỉ tạo ra sự tuân thủ bề ngoài, làm hài lòng cha mẹ.

 

2. Đại học không phải con đường dẫn đến tự do tài chính

Đa số sinh viên đại học tốt nghiệp ở tuổi 22. Nhưng phải đến 20 năm sau, họ mới trả hết khoản nợ vay vốn sinh viên trị giá khoảng 300 USD hàng tháng.

Khi thời điểm được giải thoát khỏi nợ nần đến gần, họ nảy sinh ham muốn mạnh mẽ về cuộc sống tốt đẹp hơn. Bởi thế, họ thường có xu hướng chi tiêu lãng phí cho bản thân và gia đình.

Khoảng 45 tuổi, khi trải qua nửa cuộc đời, họ rơi vào khủng hoảng. Tại thời điểm này, nhiều người nhận ra, bấy lâu nay, tất cả điều họ làm chỉ vì tiền.

Việc học hành cũng vậy. Thực tế, một số người đi học để lấy kiến thức và vận dụng. Song đa số đến trường học vì “tình yêu đồng tiền”.

Điều này khiến họ khủng hoảng trầm trọng, dẫn đến các hành vi hoặc xây dựng, hoặc phá hoại.

Thay vì ngồi hàng giờ trên giảng đường, bạn nên đọc nhiều sách, tham gia các hội nghị và học hỏi từ thực tế. 

 

Dù thế nào, học đại học cũng không phải con đường dẫn đến tự do tài chính. Nó thường khiến bạn nghèo đi.

Hầu hết mọi người hoàn thành việc học với các thông tin không thiết thực và kỹ năng không hữu ích. Thay vào đó, bạn nên đọc nhiều sách, tham gia các hội nghị, học hỏi từ một người thầy giàu kinh nghiệm về kinh doanh và cuộc sống.

Điều đó sẽ khiến bạn tốn một khoản nhỏ. Nhưng đổi lại, bạn học được rất nhiều điều về tiền bạc nhờ hệ thống giáo dục của chính bạn.

3. Loại bỏ tâm lý “một ngày nào đó” trở nên giàu có

Khi nhìn thấy ngôi nhà đẹp, vài người thường nói: “Một ngày nào đó… tôi sẽ đủ khả năng sở hữu ngôi nhà như thế”. Tuy nhiên, với lối suy nghĩ tiêu cực này, “một ngày nào đó” sẽ không bao giờ đến, bởi bạn đang giả định, bản thân không đủ tự tin và tự trọng để cam kết hoàn thành mục tiêu trong thời gian rõ ràng.

Thay vào đó, bạn nên nói rằng: “Căn nhà này là của tôi. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì để có được nó”.

Thái độ này phản ánh niềm tin vào bản thân. Một khi mục tiêu được khẳng định trong tâm trí, cộng với lòng quyết tâm đủ lớn, mọi hành động sẽ dẫn bạn đến thành công.

Bạn không nên “há miệng chờ sung” hoặc chờ đợi hoàn cảnh bên ngoài xảy ra trước khi hành động. Thói quen “một ngày nào đó” sẽ kìm hãm khả năng, sự sáng tạo và giới hạn thành công của bạn.

4. Giàu có là lựa chọn của bạn

Trở thành người giàu có - đó là lựa chọn của bạn. Không ai khác có thể làm thay bạn.

Tuy nhiên, hầu hết mọi người không có lựa chọn này. Vì họ không biết rằng, họ có thể.

Cách dễ dàng nhất để giàu có là chấp nhận mong muốn lối sống trong khuôn khổ. Từ đó, bạn có thể phát triển các mục tiêu và phác thảo kế hoạch, hành động để thực hiện nó.

Thông thường, mọi người không dám khẳng định mình sẽ giàu, bởi tâm trí họ bị che lấp bởi những ham muốn khác như cờ bạc, ăn chơi giải trí và nhiều hành vi có hại khác. 

Giàu có là sự lựa chọn không thể tránh khỏi. Bởi những người không chọn nó thường gặp nhiều khó khăn trong phần đời còn lại. Bằng việc lựa chọn mình giàu có, bạn sẽ chỉ tập trung vào các hoạt động mang lại lợi nhuận. 

Bạn nên tìm hướng đi mới bằng cách kết bạn với những người hiểu biết thực sự về giá trị của đồng tiền và sự giàu có.

 

5. Tránh xa những tư tưởng sai lầm 

Nhiều người có quan điểm sai lệch về tiền bạc. Không ít thầy giáo dạy học sinh rằng, có tiền là không tốt.

Tư tưởng sai lệch của người truyền tri thức khiến một số người cảm thấy tội lỗi về việc trở nên giàu có. Sai lầm đi xa hơn khi họ kết luận, người giàu là xấu.

Sự thật là đồng tiền có giá trị riêng của nó. Bất cứ ai nói có tiền là việc sai trái thì những người đó không nên tồn tại trong cuộc sống của bạn.

Thay vì làm theo thói quen, hành vi và triết lý từ người khác, bạn nên tìm hướng đi mới bằng cách kết bạn với những người hiểu biết thực sự về giá trị của đồng tiền và sự giàu có. 

Khi bạn theo đuổi cuộc sống thịnh vượng, bạn sẽ tìm hiểu thái độ và hành vi liên quan đến tiền bạc. Thông thường, bạn có thể hiểu rõ bản thân, có những điều chỉnh cần thiết.

Cuối cùng, bạn sẽ giàu có, bởi bạn đã nghiên cứu và áp dụng thành công những chân lý để tăng cường mối quan hệ của bạn với đồng tiền.

 

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất