Trên phố đi bộ ồn ào náo nhiệt, những nghệ sĩ điếc câm vẫn say sưa "hát"
Sài Gòn 7h tối, phố đi bộ mỗi lúc một đông hơn. Ở một góc nhỏ của con phố, nhóm 3 người nghệ sĩ đường phố đang lặng lẽ bật chiếc loa, phát lên những bài hát thật đẹp. Tôi đừng đây thật lâu, chắm chú ngắm nhìn họ "hát", họ đang hát bằng những ngón tay.
- Quán cafe Sài Gòn với món chocolate "made-in-Viet Nam" vừa được lên NewYork Times
- Ăn "cơm nhà" ở ngoài hàng: Ai cũng thử một lần khi ghé Sài Gòn
- Nhóm bạn trẻ Sài Gòn biến công viên ngập rác thành vườn cây xinh xắn
- Sài Gòn rộng lòng vậy đó!
- Happy Young House - Nhà trọ kiểu mới, "ngon, bổ, rẻ" siêu hút sinh viên Sài Gòn
Những ngón tay biết "hát"
Mọi người đứng lại xem mỗi lúc một đông. Những nghệ sĩ lại càng vui sướng. Đôi tay, đôi chân, và ánh mắt của họ hòa cùng với giai điệu du dương khiến cho ai nấy đều cảm thấy thích thú. Tôi quyết định ngồi nán lại đến cuối buổi để được trò chuyện với những con người đặc biệt này.
Nhóm nghệ sĩ câm điếc biểu diễn văn nghệ vào mỗi tối trên phố đi bộ Nguyễn Huệ.
11h đêm, phố đi bộ đã vắng đi nhiều. Cô trưởng nhóm nghệ sĩ ngồi xuống bên chiếc loa nghỉ ngơi sau một buổi biểu diễn dài đầy cảm xúc. Cô Phạm Cao Phương Thảo (1958) là người duy nhất trong nhóm có thể trò chuyện được cùng tôi. Cô tâm sự: "Nhóm của cô thuộc Hội người điếc câm TP. HCM. Hoạt động biểu diễn này do cô và các bạn trong hội nghĩ ra và đã duy trì được nhiều tháng nay trên phố đi bộ".
Những nghệ sĩ say sưa với màn biểu diễn của mình, mặc dù họ không thể nghe được những giai điệu của bài hát.
Cô Thảo kể rằng thời còn trẻ cô yêu âm nhạc lắm. Mỗi lúc buồn, vui cô lại ngân nga những câu hát để cuộc sống trở nên nhẹn nhàng hơn. Bạn bè vẫn hay gọi cô là cuốn từ đển âm nhạc. Thế rồi từ khi con trai cô không may bị di chứng của kháng sinh nên trở nên câm điếc, cô Thảo dành trọn cuộc đời mình cho các hoạt động của hội người câm điếc thành phố.
Cô Thảo có một người con trai là người điếc câm, vì thế cô thấu hiểu được những khó khăn của người câm điếc. Dù đã lớn tuổi nhưng cô luôn sát cánh bên các bạn để làm nguồn động viên cho họ.
"Hôm nọ, cô vừa làm việc vừa nghe nhạc, bài hát rất hay, ca từ cũng rất đẹp, nhưng nhìn sang các bạn điếc câm, họ không nghe được, không thể cảm thụ được những ca từ giai điệu ấy, tự nhiên nước mắt cô chảy xuống. Cô nghĩ sao các em thiệt thòi nhiều đến thế, liệu có cách nào để các em có thể nghe được những bài hát này?" - cô Thảo bồi hồi tâm sự.
Thế rồi sau một thời gian suy nghĩ, cô Thảo đã sáng tạo ra một cách để các bạn điếc câm có "thưởng thức" được những bài hát. "Mỗi ca khúc đều có ca từ, và người điếc câm cũng có ngôn ngữ riêng của họ, cô dành thời gian để dịch những lời bài hát sang ngôn ngữ của các bạn để các bạn cũng được "nghe" nhạc như cô vậy" - cô Thảo chia sẻ.
Cô Thảo là người đã dành thời gian tập luyện cho các bạn câm điếc biểu diễn bài hát bằng ký hiệu ngôn ngữ.
Khi được tiếp cận các bài hát bằng cách thức thú vị này, các thành viên trong hội đều vô cùng thích thú. Mọi người cùng nhau tập luyện và nhanh chóng thành thạo. Kể từ đó nhóm đem hình thức biểu diễn bằng ngôn ngữ ký hiệu đi biểu diễn ở rất nhiều nơi trong thành phố, nhận được rất nhiều sự khen ngợi của mọi người.
Người dân rất thích thú với những màn biểu diễn này, mọi thể hiện sự ngưỡng mộ cũng như đồng cảm bằng việc để lại một ít tiền vào chiếc thùng quyên góp cho nhóm.
Đầu năm 2016, nhóm quyết định đưa hình thức biểu diễn này ra phố đi bộ để vừa đem lại những giây phút giải trí cho các thành viên trong nhóm vừa góp vui cho mọi người và lại có thêm một nguồn quỹ nhỏ để duy trì hoạt động. Cô Thảo kể: "Cứ mỗi tối vào lúc 7h, cô cùng các bạn lại ra đây. Phố đi bộ vừa mát mẻ vừa nhộn nhịp, có rất nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ nên khi được hòa vào không khí này ai nấy cũng rất vui".
Sống như những đóa hoa
Cô Thảo kể cho tôi nghe rằng, nhiều lần cô đứng bên cửa sổ, thử bịt hai tai lại, nhìn ra ngoài đường, xem mọi người nói chuyện với nhau, từng dòng người chạy qua nhau, nhưng chỉ 10 phút thôi cô đã cảm thấy vô cùng khó chịu. "Cái cảm giác nhìn thấy mọi thứ, nhưng không nghe được, không thể hiểu được, nó ấm ức lắm! Cứ nghẹn ngay phần ngực của mình, khiến mình khó chịu vô cùng" - cô Thảo xúc động chia sẻ.
Cô Thảo đã thử đặt mình vào hoàn cảnh của những bạn câm điếc để cảm nhận rõ nhất những khó chịu mà các bạn đang gặp phải. Người bình thường đôi khi còn không thể nói hết những bực dọc của mình, huống hồ người không thể nói được.
Phải đặt mình vào hoàn cảnh của những người điếc câm thì chúng ta mới có thể cảm nhận hết những thiệt thòi mà họ đang gặp phải. Người ta vẫn thường nói "Không có ngôn ngữ là không có tất cả". Ngày từ nhỏ họ đã không thể nghe nói được, nên hoàn toàn không thể tiếp thu kiến thức một cách trọn vẹn. Vì vậy khi lớn lên, trí tuệ của người câm điếc cũng vì vậy mà chậm phát triển hơn người bình thường.
Một số người hứng thú với màn trình diễn cũng dừng lại và múa theo nhóm.
Hoạt động văn nghệ này đã đem đến một niềm vui rất lớn cho cuộc sống của những bạn điếc câm.
Việc hòa nhập với cộng đồng đã là một điều khó khăn, nên chuyện kiếm được một công việc ổn định cũng không mấy dễ dàng. Cô Thảo đã rất nhiều lần hỗ trợ các bạn điếc câm tìm kiếm công việc, nhưng một phần lớn nhà tuyển dụng không hiểu được ngôn ngữ của người điếc câm, và người điếc câm thì không thể nghe được những điều nhà tuyển dụng nói. Sự bất đồng ngôn ngữ ấy dẫn đến nhiều khó khăn trong công việc.
"Còn rất nhiều điều khó khăn khác, khi mà xã hội nhiều người vẫn xem các bạn câm điếc là cỏ cây, gỗ đá, không có tâm hồn, rồi trêu chọc, chèn ép. Thế nhưng dẫu có nhiều lúc ấm ức rớt nước mắt, tâm hồn của các bạn câm điếc vẫn luôn lạc quan và yêu đời" - cô Thảo vui vẻ nói.
Đứng suốt nhiều giờ đồng hồ liền nhưng cô Thảo vẫn chưa một lần nghỉ giữa chừng, những bài hát cứ thế tiếp nối nhau và cô vẫn cứ múa, cứ "hát" thật say mê.
Có lẽ vì không nói được, không nghe được, nên họ luôn giữ trong mình những điều thuộc về phần trong sáng nhất của con người. Hoạt động biểu diễn trên phố đi bộ đã phần nào đó giúp những bạn điếc câm có cơ hội được tiếp xúc với xã hội, nhận được sự đồng cảm và chia sẻ của mọi người, để rồi chỉ cần một nụ cười hay một tràn vỗ tay cũng đủ làm các bạn hạnh phúc.
Các bạn nhỏ được bố mẹ chia sẻ về hoàn cảnh của những bạn điếc câm, từ đó giúp các em mở lòng và đồng cảm với các bạn.
Họ - những đóa hoa đặc biệt, đang hàng ngày hàng giờ khoe sắc tỏa hương làm cho cuộc sống thêm muôn màu muôn sắc. Nhìn cách họ múa, tôi chợt nhớ đến những câu hát: "Và tôi sống như đóa hoa này, tỏa ngát hương thơm cho đời. Sống với khát khao rằng được hiến dâng cho cuộc đời. Hôm nay dẫu có gian nan thì ngày mai là ngày tươi sáng hơn. Tôi sẽ viết nên câu chuyện của cuộc đời riêng tôi".
Mỗi loài hoa mỗi sắc hương, mỗi loại lại đẹp riêng theo cách của mình. Những người khuyết tật trong nhóm biểu diễn đã truyền đến cho mọi người một niềm tin yêu vào cuộc sống, khi chính họ đã vượt lên nghịch cảnh để luôn sống vui và có ích.
Nếu có dịp ghé ngang xem những nghệ sĩ "hát" bằng những ngón tay trên phố đi bộ, bạn hãy nở một nụ cười thật tươi và đừng quên tặng họ một tràng pháo tay cổ vũ, chắc chắn họ sẽ hạnh phúc lắm đấy!
Video được xem nhiều nhất