Trào lưu selfie và những cái chết thương tâm của người trẻ

Tiin - 08/07/2016, 14:48

Theo Priceonomics, ít nhất có 12 vụ chết người liên quan đến selfie năm 2015. Đa số nạn nhân là những người trẻ tuổi. Chỉ vì một bức hình, họ phải trả giá bằng cả tính mạng.

 
 

 

 

Ngày nay, trong thời đại smartphone lên ngôi, hiếm người chưa từng nghe tới từ 'selfie' hoặc không có lấy một tấm hình 'tự sướng'.

Mỗi ngày, hơn một triệu bức ảnh 'tự sướng' được chia sẻ trên mạng xã hội. Năm 2013, 'selfie' được bình chọn là ngôn từ của năm trong từ điển Oxford.

Selfie cùng với sức mạnh của công nghệ số trở thành một thứ văn hóa, trào lưu phổ biến trong giới trẻ.

Những cái chết ở tuổi đôi mươi

Chụp ảnh selfie tưởng chừng như vô hại, song nó tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến những tai nạn kinh hoàng. Không ít người đã phải trả giá bằng cả tính mạng, chỉ vì muốn có một bức hình độc đáo.

Theo báo cáo của Priceonomics, ít nhất 12 vụ chết người liên quan đến selfie trong năm 2015. Con số này còn cao hơn cả số người mất mạng vì bị cá mập cắn (8 người).

 

Nam sinh người Nga mất mạng vì đu ra ngoài tường để chụp ảnh selfie.

Tuần trước, một khách du lịch người Đức vừa tử vong khi 'giả vờ bay' để chụp tự sướng tại khu phế tích Machu Picchu ở Peru. Chỉ một ngày trước đó, một du khách Hàn Quốc cũng mất mạng sau nỗ lực chụp selfie trên đỉnh thác Gocta, Peru.

Trước đó, không ít vụ việc thương tâm cũng xảy ra ở khắp nơi trên thế giới.

Tháng 3/2014, một chàng trai chụp ảnh trên nóc xe chở gia súc. Do mải mê tạo dáng, anh chạm phải nguồn điện 35 V và bị giật chết. Một tuần sau đó, sự việc tương tự xảy ra tại Kerala, Ấn Độ.

Tháng 8/2015, một chàng trai 25 tuổi người Trung Quốc mạo hiểm chụp hình bên thác nước Long Men. Do bị phân tâm bởi máy ảnh, anh bị rơi xuống và mất mạng. Trong số những bức hình trong điện thoại, có cả tấm đầy ám ảnh lúc anh bị ngã từ đỉnh thác.

Tháng 9/2015, một sinh viên tại Nga trèo lên tòa nhà 9 tầng ở Moscow và đu mình ra ngoài bờ tường để giả vờ như anh đang rơi xuống. Không may, nam sinh trượt tay, rơi xuống và qua đời khi mới 17 tuổi.

Tại Mexico, tai nạn kinh hoàng đã xảy ra khi một chàng trai 21 tuổi vô tình tự bắn vào đầu mình khi tạo dáng với súng.

Những cái chết thương tâm và hy hữu vẫn xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Trong số những người thiệt mạng, đa số là các bạn trẻ, 75% là nam giới. Độ tuổi trung bình của họ là 21 tuổi.

 

Bất chấp nguy hiểm, nhiều bạn trẻ trên thế giới vẫn tham gia trào lưu selfie mạo hiểm.

Chết vì… độ tự sướng quá cao

Cuối tháng 1 năm nay, vì muốn có một tấm hình hút hàng nghìn like (thích) trên mạng xã hội, ba sinh viên đã chụp ảnh tự sướng tại đường tàu. Hậu quả, họ bị tàu đâm chết vì không kịp rời khỏi hiện trường.

Ông James Millidge thuộc Viện nghiên cứu tàu cứu hộ hoàng gia Anh cho hay: 'Nhiều người trẻ đang tự làm hại chính mình. Một bức ảnh selfie không đáng để các bạn phải mạo hiểm cuộc sống'.

Bất chấp những cảnh báo, nhiều người vẫn liều lĩnh đặt bản thân vào vị trí nguy hiểm để chụp những bức ảnh độc đáo nhằm thể hiện mình và thu hút like (thích), lượt bình luận trên thế giới ảo.

Mới đây nhất, vụ việc một cặp đôi người Trung Quốc trèo lên cột thu lôi của tòa cao ốc để selfie và quay clip khiến dân mạng bất bình.

Đoạn video dài chưa đầy một phút nhưng đủ khiến người xem thót tim tới mấy lần, khi cô gái bịt khẩu trang che kín mặt hết ngồi lại đứng trên diện tích rất nhỏ nhưng tay vẫn bấm máy chụp hình không ngừng.

 

Cặp đôi Trung Quốc liều lĩnh selfie trên đỉnh tháp cao

Thực tế, nhiều bạn trẻ tham gia vào những thử thách selfie mạo hiểm để giành lấy 'phần thưởng' là những like (thích), share… trên mạng xã hội hoặc thử thách bản thân.

Thế nhưng, ranh giới giữa trải nghiệm và sự liều lĩnh, bất chấp tính mạng rất mong manh. Chỉ một cái sẩy chân, họ sẽ phải trả giá rất đắt. Đó là mạng sống, tuổi thanh xuân và cả nỗi đau của những người ở lại. 

Thế giới ngăn chặn 'đại dịch' selfie như thế nào?

Trước tình trạng những vụ tai nạn, mất mạng, lộ ảnh nóng… vì selfie ngày càng gia tăng, nhiều nước đã đưa ra những biện pháp nhằm hạn chế nguy cơ từ hành động tưởng như vô hại này.

Tại London (Anh), bất cứ ai mang theo gậy tự sướng vào các khu vực đông người, địa điểm lớn như Wembley Arena, O2 Arena, Học viện Brixton… đều bị cấm để tránh nguy cơ gây thương tích cho người sử dụng và cản trở tầm nhìn của khán giả khác.

Các nữ cổ động viên cũng không thể chụp selfie với chân sút thần tượng người Iran của mình vì lệnh cấm từ Liên đoàn bóng đá nước này.

Vài năm trước đây, giới chức Hàn Quốc cho biết, các cơ quan chức năng sẽ bắt đầu đặt ra những biện pháp xử phạt người bán gậy tự sướng. Theo đó, những người buôn bán trái phép sẽ phải nộp phạt 30 triệu won (tương đương gần 550 triệu đồng) và thậm chí là đối mặt với mức tù 3 năm.

 

Hướng dẫn chụp ảnh selfie an toàn của Nga.

Theo Washington Post, trong tháng 1 vừa qua, Ấn Độ có số người tử vong vì selfie cao nhất trên thế giới. Đó là lý do lệnh cấm selfie được áp dụng tại nhiều điểm du lịch của quốc gia này.

Năm 2015, chính phủ Nga cũng đưa ra hướng dẫn chụp selfie nhằm nhắc nhở và bảo đảm an toàn cho công dân nước mình.

Tuy nhiên, các biện pháp trên chỉ ngăn chặn virus selfie lan truyền trên mức độ bề mặt khi nhiều người trẻ vẫn liều lĩnh, chủ quan và không lường trước những  hậu quả nghiêm trọng.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất