Trào lưu selfie bên quan tài và những lần giới trẻ bị lên án
Selfie hiện là thói quen phổ biến trong giới trẻ. Tuy nhiên, nếu hành động này được thực hiện không đúng thời điểm, hoàn cảnh sẽ trở nên kệch cỡm, khó chấp nhận.
Một bộ phận giới trẻ hiện nay không ngại chụp hình "tự sướng" trong những tình huống nhạy cảm để khẳng định độ độc, lạ của bản thân. Hiện trường đám cháy dữ dội, tai nạn thương tâm hay thậm chí là đám tang... cũng có thể biến thành sân khấu cho người thích "sống ảo".
Người trẻ quá vô cảm?
Hành động chụp selfie không đúng lúc, đúng chỗ khiến nhiều người lắc đầu ngán ngẩm về văn hóa hành xử nơi đám đông của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
TS Lin Qiu - người thực hiện nghiên cứu về chụp selfie cho Đại học Công nghệ Nam Dương, Trung Quốc - cho biết khi selfie, chủ thể có thể kiểm soát mọi yếu tố như biểu cảm gương mặt, vị trí camera, các đối tượng trong nền ảnh. Chính vì vậy, bức ảnh "tự sướng" có thể bộc lộ phần nào tính cách và suy nghĩ của người chụp.
Ngày 4/11, dân mạng Việt từng phẫn nộ khi chàng trai tên Khánh (sinh năm 2000, quê Thanh Hóa) vô tư tạo dáng bên đám cháy rồi đăng tải lên Facebook.
Chàng trai Thanh Hóa bị lên án khi selfie bên đám cháy. Ảnh: FBNV. |
Chia sẻ với Zing.vn, chàng trai 16 tuổi phân trần lửa bùng lên do một đám trẻ đốt căn nhà bỏ hoang ở khu rừng phi lao, gần bãi biển. Trong nhà không có đồ đạc gì giá trị, lửa lan rất nhanh, một mình cậu không thể dập tắt được.
Tuy nhiên, lời giải thích của Khánh không được chấp nhận. Chàng trai bị "ném đá" vì hành động vô cảm, thản nhiên trước tai họa.
Những hành động phản cảm tương tự không khó bắt gặp ở Việt Nam. Trong vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại quán karaoke trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) hôm 1/11, một nam thanh niên đã đứng bên kia đường, hào hứng giơ tay chữ V, selfie trước ngọn lửa đang bốc cao ngùn ngụt.
Hay xấu xí hơn, nhiều nam nữ thanh niên thậm chí vô tư chụp ảnh tại đám tang người thân. Đây là một trong những kiểu selfie nhận nhiều "gạch đá" nhất từ phía dân mạng.
Không ít người tức giận khi thấy những gương mặt trang điểm, tươi cười trước linh cữu người đã khuất và tự hỏi vành khăn trắng trên đầu các nhân vật vô cảm, ý thức kém đó liệu còn ý nghĩa?
Trên thế giới, những hành động selfie không đúng thời điểm và hoàn cảnh tương tự cũng luôn gây bất bình.
Hồi giữa tháng 10 vừa qua, Francesca Fierros Palomino (đến từ Mexico) bị chỉ trích là vô học vì bức ảnh chụp bên linh cữu của ông tại nhà thờ, theo Daily Mail.
Trước đó, nhiều người không kiềm chế được, đã bình luận như "ngu ngốc", "ác độc", "thiếu tôn trọng"... để lên án hành vi selfie trước cảnh khách sạn Address 63 tầng (Dubai) bị "hung thần lửa ghé thăm" của một đôi du khách. Một số ý kiến cho rằng hành vi này có thể xem là phạm tội và tài khoản mạng xã hội của hai nhân vật chính nên bị khóa.
Xu hướng chụp ảnh khỏa thân tại nơi công cộng cũng khiến nhiều người thích đi du lịch bụi gặp rắc rối, thậm chí vướng vào vòng lao lý. Đầu tháng 3 năm nay, cảnh sát Peru bắt Adam Burton (23 tuổi, đến từ Anh) và Eric Xavier Mariec (28 tuổi, đến từ Pháp) vì cố tình nude tại khu tàn tích Machu Picchu.
Tháng 6/2015, Eleanor Hawkins (24 tuổi, đến từ Derby, Anh) cũng phải chịu án tù ngắn tại Malaysia khi mặc áo hở ngực và selfie trên đỉnh núi thiêng Kinabalu. Người dân địa phương cho rằng hành động này đã xúc phạm các vị thần, đồng thời là nguyên nhân gây ra trận động đất vào năm đó, tờ Telegraph đưa tin.
Thanh niên người Anh - Adam Burton - bị cảnh sát Peru bắt giữ khi khỏa thân chụp ảnh tại nơi linh thiêng. Ảnh: Telegraph. |
Mất mạng vì selfie phản cảm
Trào lưu tạo dáng độc, lạ cùng súng thật, bên động vật hoang dã, trước đoàn tàu đang lao tới... từng khiến không ít người tử vong. Theo RT, ít nhất 29 vụ chết người liên quan đến selfie trong năm 2016.
Chỉ vì muốn thể hiện "đẳng cấp" và cho ra đời những bức selfie "không giống ai", nhiều bạn trẻ tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm.
Ông James Millidge thuộc Viện nghiên cứu tàu cứu hộ hoàng gia Anh cảnh báo: “Nhiều người trẻ đang tự làm hại chính mình. Một bức ảnh selfie không đáng để các bạn phải mạo hiểm cuộc sống”.
Ramandeep Singh (15 tuổi, đến từ Ấn Độ) đã tử vong do chụp hình "tự sướng" với khẩu súng chưa khóa chốt an toàn mà cha cất trong tủ quần áo hồi đầu tháng 5 năm nay, theo Indian Express.
Đây chỉ là một tai nạn chết người giữa hàng loạt cái chết "lãng xẹt" xảy ra trên khắp thế giới vì trào lưu selfie phản cảm.
Đầu tháng 11/2015, Deleon Alonso Smith (19 tuổi, đến từ Mỹ) muốn "lấy le" với bạn bè trên mạng xã hội nên quyết định selfie với một khẩu súng đã nạp đạn. Ngay khi bức ảnh được lưu lại trong máy, khẩu súng cướp cò khiến đạn găm thẳng vào cổ họng chàng trai.
Người thân nạn nhân xấu số không khỏi bàng hoàng, xót xa khi chỉ còn một ngày, Smith sẽ chính thức trở thành sinh viên đại học
Bác sĩ thú y người Mexico - Oscar Otero Aguilar (21 tuổi) - cũng bị đoạt mạng bởi một khẩu súng đã lên nòng mượn của người bạn vào năm 2014. Trước đó, chàng trai từng đứng trước nhiều xe hơi chạy với tốc độ cao, ngồi trên môtô đắt tiền để chụp ảnh khoe trên Facebook, theo CNN.
Hồi đầu tháng 2 năm nay, một thiếu niên tên S. Dinesh Kumar đã bị tàu hỏa cán chết ở Chennai (Ấn Độ) chỉ vì muốn có một tấm ảnh ấn tượng với con tàu đang lao tới, trang The Hindu đưa tin.
Trước vấn nạn selfie phản cảm, chính quyền một số nước có tỷ lệ người tử vong vì nguyên nhân này cao như Ấn Độ, Nga đã áp dụng biện pháp nhằm giảm thiểu hậu quả đáng tiếc.
Theo Washington Post, từ đầu năm nay, chính quyền Ấn Độ đã "điểm mặt" 16 địa điểm selfie nguy hiểm ở thủ đô Mumbai và yêu cầu lắp bảng cảnh báo, thậm chí là cấm người dân tới đó chụp ảnh.
Ngay sau khi một nữ công dân Nga chết bởi tạo dáng chụp "tự sướng" với khẩu súng vào năm 2015, Bộ Nội vụ nước này đã xuất bản cuốn sách hướng dẫn người dân về thói quen selfie an toàn.
Hướng dẫn chụp ảnh selfie an toàn của Nga. Ảnh: Business Insider. |
Video được xem nhiều nhất