Trào lưu "Like là làm": Tưởng mình là vai chính oanh liệt, hoá ra chỉ là vai phụ pha trò đáng thương
Thật ra họ chỉ đang là một kẻ phục vụ cho xã hội, phục vụ cho vài ba phút cười cợt của mọi người. Ngỡ rằng mình là vai chính khi theo trào lưu trong khi người khác còn xem mình không bằng một vai phụ đáng thương.
Những kẻ nhàn rỗi sinh nông nổi
Tuổi thơ của chúng ta ai cũng có một (vài) đứa bạn nghịch dại và thích ra giá cho mỗi lần chơi ngu của mình. Ví dụ như có đứa sẽ thách cả đám gom tiền mua cho nó cái xe đồ chơi nếu nó dám ra giật tóc nhỏ lớp trưởng, không thì phải bao nó ăn vặt suốt tuần nếu nó vượt qua thử thách tự chọn là một màn bốc đầu xe đạp ngay trước cổng trường giờ tan học.
Còn biết bình luận gì đây về một thế hệ không có tự trọng?
Thời thế thay đổi, bây giờ chả cần món đồ chơi hay cái bánh, cái kẹo nào cả nhưng bạn vẫn tha hồ xem những màn "xiếc người" muôn hình vạn trạng với mức độ dại dột còn kinh khủng khiếp hơn xưa. Đổi lại là một "mức giá" rất nhẹ nhàng và hoàn toàn miễn phí: Like! "
Chỉ cần hình này được 2000 like là mình sẽ up clip sexy dance, 5000 thì chơi hẳn clip ngực trần", "Khi nào đủ 10k like mình sẽ ăn son và đăng clip cho mọi người cùng xem", "Ai muốn xem clip ăn cháo lưỡi của mình và bạn gái thì like nhé, đến sáng mai đủ 1000 like thì mình up ngay". Mới đây nhất là câu chuyện về thanh niên tên N.T với châm ngôn sống "mình thích thì mình tự thiêu thôi" khi "ra giá" với cư dân mạng "chỉ cần 40k like là tự thiêu rồi nhảy xuống cầu Tân Hóa. Việt Nam nói là làm!". Kéo theo đó là một trào lưu khó hiểu khi vô số người hùa theo đăng tải những dòng thách thức "đủ 7k like không mặc gì chạy vòng vòng", "đủ 60k like múc nước sông uống "...
Có những ngày lên Facebook, lướt một vòng newsfeed mà cảm giác không khác gì đang chứng kiến những màn đấu thầu... ngược, bạn trẻ cũng háo hức ra "giá" và hứa hẹn những "sản phẩm" không tưởng nhất. Cơ thể, sự an toàn, sự riêng tư và cả lòng tự trọng của bản thân trở thành những món hàng có thể đem ra trao đổi một cách dễ dàng.
Khát khao muốn thể hiện một cách mù quáng
Giữa một biển những người dùng Facebook, tất cả mọi người đều muốn trở thành người quan trọng và có khán giả cho riêng mình. Số lượng like trở thành đảm bảo cho sự quan trọng, sự nổi tiếng cũng như mức độ quan tâm của mọi người dành cho mình. Nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để trau dồi, bồi đắp những giá trị bền lâu như tri thức, quan điểm, góc nhìn, phong cách thời trang, lối sống mà thường sẽ đi đường tắt bằng việc làm những trò thật sốc, càng sốc càng tốt. Những cái tên "lừng lẫy" một thời như Kenny Sang, Quân Kul chắc chắn là không ai không biết. "Ô danh cũng là danh" - và nhiều bạn trẻ đã bất chấp đánh đổi bản thân chỉ để được làm "một ai đó".
Nhưng thứ gì không được bồi đắp từ cốt lõi, từ gốc rễ thì sớm muộn gì cũng sụp đổ. Hãy thử nhìn xem những hiện tượng mạng 2-3 năm trước giờ đang ở đâu, và trong mắt người khác họ nhận được bao nhiêu sự tôn trọng. Dù cho Quân Kul có ăn năn hối lỗi và quỳ xuống xin BGK Vietnam Idol cho mình cơ hội để làm lại cuộc đời bao nhiêu lần thì mãi mãi trong mắt mọi người, giá trị của những con người này luôn trong tình trạng "cần phải xem xét lại".
Chúng ta đang sống trong thời đại của Internet, của mạng xã hội, có những thứ sẽ không bao giờ xóa được. Một khi đã có người chụp lại, đã có nơi đăng tải thì dù cho có 10, 15 hay bao nhiêu năm sau nữa thì những lỗi lầm, những phút bồng bột, những trò nghịch dại năm nào vẫn sẽ để lại dấu vết, không nơi này thì nơi khác.
Nhiều người nhìn qua chắc hẳn sẽ nghĩ "Cái bọn này không sợ gì ư?", nhưng sự thật từ tận đáy lòng, cái "hội không sợ gì" kia lại chính là những người yếu đuối, nhút nhát và mất niềm tin ở bản thân nhất. Thái độ liều mình chỉ là một lớp sương mờ che lấp đi cho những giọt mồ hôi đầm đìa sau gáy, cái run rẩy lẩy bẩy của bàn tay mỗi khi đối diện với thử thách hay tâm trạng bất an lo lắng, liên tục phải chạy vào xem status đã có bao nhiêu người like, có ai chửi bới gì mình không, có đứa nào chơi ngoài đời lên bình luận vạch mặt mình không.
Tôi dám cá khi bắt đầu châm lửa, anh chàng "nói là làm" đã sợ xanh cả mặt. Vì nếu chẳng sợ thì việc gì vừa châm lửa xong là nhảy ùm ngay xuống nước như vậy? Còn cô gái up clip ăn son, đừng nói với tôi rằng sau khi nhấn nút "Dừng" mà cô ấy vẫn ngồi nhồm nhoàm ăn hết cả thỏi thay vì chực chờ chạy vào nôn lấy nôn để nhé! Ở một khía cạnh nào đó, những nhân vật này đáng thương nhiều hơn đáng trách. Đó mới chính là bức tranh thật về họ.
Quan trọng hơn nữa, đang có một sự đánh tráo khái niệm giữa "không sợ gì" và "ngu ngốc". Điểm chung của cả hai đều là khiến những người xung quanh thắc mắc về hành động của họ. Tuy nhiên về bản chất, người không sợ gì hành động bằng một trái tim được bơm đầy sự tin tưởng vào bản thân cùng một cái đầu lí trí, người ngu ngốc hành động với cả hai hoàn toàn trống rỗng. Người không sợ gì quyết tâm làm một thứ gì đó vì nó cần thiết và sẽ giúp họ trở nên tốt hơn mà không màng đến việc người khác nghĩ gì về mình. Người ngu ngốc cũng quyết tâm, nhưng thứ họ làm không ích lợi bổ béo gì mà chỉ đơn giản là thỏa mãn sự háo thắng của chính mình cũng như tìm được chút sự quan tâm từ cư dân mạng. Những đối tượng này có một niềm tin mãnh liệt rằng những thứ họ làm là khác biệt, là nổi bật, là đi ngược lại với đám đông mà không nhận ra rằng thật ra họ chỉ đang là một kẻ phục vụ cho xã hội, phục vụ cho vài ba phút cười cợt của mọi người rồi thôi. Ngỡ rằng mình là vai chính trong khi người khác còn xem mình không bằng một vai phụ đáng thương.
Làm những điều khờ dại và nguy hại đến chính mình chưa bao giờ được xuất hiện trong những định nghĩ avề tuổi trẻ. Đây không chỉ là câu chuyện về lời hứa, sự cam kết. Dù những bạn trẻ trên có thực hiện thử thách do chính mình đưa ra hay không thì giá trị của họ đều đã rớt xuống tận đáy đại dương ngay từ cái khoảnh khắc họ mở mồm ra nói/ đăng tải những điều ngu ngốc kia mất rồi!
Bức xúc không làm ta vô can
Sẽ có người bảo rằng "ơ hay cuộc đời của ai người đó chịu trách nhiệm, nó ngu thì nó chịu". Xin thưa, ai mạnh miệng nói ra câu này thì chắc hẳn chưa bao giờ được nghe về lí thuyết cửa sổ vỡ của tác giả Malcolm Gladwell. Tóm tắt đơn giản: một ngôi nhà với một cánh cửa sổ vỡ nghe thì có vẻ bình thường, nhưng chính vì cánh cửa đó mà nhiều người sẽ đập phá tiếp những phần còn lại của của ngôi nhà, và không sớm thì muộn cả khu vực đó sẽ tràn ngập những tên giết người, đám trộm cắp, nghiện hút... Vậy nên đừng chủ quan nghĩ rằng cuộc sống này sẽ mãi tốt đẹp mặc kệ bao nhiêu người "ra giá" để tự thiêu rồi nhảy cầu đi chăng nữa. Hãy là sự thay đổi mà bạn muốn thấy trên thế giới này.
Xin phép mượn tựa sách của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang để tạm kết cho câu chuyện này: "Bức xúc không làm ta vô can". Những cái bĩu môi, vài đôi câu chửi không làm thế giới này tốt hơn. Một khi đám đông tò còn tò mò, háo hức muốn xem thì những vở diễn này chắc chắn vẫn sẽ còn "tiếp diễn". Bạn không nhất thiết phải đứng tách mình khỏi đám đông để thay đổi thế giới, chỉ cần chắc chắn đám đông mình đang đứng cùng là một đám đông thông minh, thế là đủ!
Video được xem nhiều nhất