Không ít người tò mò người đàn ông đứng đằng sau Trang Hạ là ai? Dù có thấp thoáng ở đâu đó trong những câu chuyện của chị về một người đàn ông mê nuôi gà, chó, mèo, rùa... rất hài hước, yêu vợ, chiều con; thì nếu chẳng thể để anh ấy lộ diện hãy nghe "lời khai" của Trang Hạ về "con lợn" dễ thương của mình.
Tôi muốn gặp... "anh ấy", chị có thể cho tôi gặp "bố của những đứa trẻ" nhà chị được không?
Tôi sẵn sàng đưa cho bạn số điện thoại của anh ấy, chỉ có điều sợ bạn chẳng dám gặp thôi. Trước kia truyền hình đã có lời đề nghị được ghi hình anh ấy. Tôi cũng đã đố họ có thể thuyết phục được ông xã lên tivi. Và rồi về nhà kể với chồng, chồng tôi cười hỉ hả anh sẽ gặp ngay, làm cứ lo lo. Sau mới biết ông ấy bảo nếu họ gọi anh sẽ cử "thằng béo" (bạn thân của anh ấy) ra tiếp thay để đóng vai chồng Trang Hạ. Đấy bạn của muốn gặp ông Béo không?
Lý do gì khiến anh ấy ngại truyền thông đến vậy?
Chuyện anh ấy bắt cướp, anh ấy làm cáp quang trên hệ thống toàn quốc thì chẳng thấy ai phỏng vấn. Anh ấy chẳng ngại nhưng sẽ không bao giờ muốn gặp báo chí với tư cách là chồng Trang Hạ. Anh ấy đủ tự tin vào bản thân để chẳng phải đứng dưới bóng ai cả.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên để nảy sinh "thiên tình sử" nhờ tông xe ngoài đường của chị có vẻ được nhiều người biết tới...
Chúng tôi tông xe vào nhau, khi về đến nhà tôi lại nghĩ anh ta không biết có bị làm sao không nên tôi mua bông băng quay lại cho anh ấy. Chút thương cảm dù mình là người đúng luật đã khiến cuộc đời tôi gắn với anh ấy. Sau này, ông xã tôi vẫn đùa là giá đền cho tí tiền có phải đỡ "mắc nợ" không? Đôi lúc anh ấy đùa mà tôi thường tưởng thật. Anh ấy lại bảo: "Em phải cảm ơn vì có một người chồng hài hước trong nhà để em có thể vui chứ". Và quả là tôi đã hiểu ra khi còn trẻ chúng ta luôn mong ở người đàn ông của mình sự lãng mạn. Tuy nhiên, hài hước mới là yếu tố quan trọng. Sự lãng mạn đôi lúc chỉ làm cho cuộc sống bi kịch hơn, còn sự hài hước có thể biến những ngày đen tối đỡ u ám hơn. Tôi muốn nói đến sự hài hước của tinh thần lạc quan, vui vẻ chứ không phải là kiểu hài hước tầm phào.
Chắc hẳn có rất nhiều câu chuyện thú vị trong gia đình chị...
Có thời điểm tôi gặp trục trặc nghề nghiệp với loạt bài cô dâu Việt Nam ở nước ngoài, bố chồng bảo: "Bố làm báo 40 năm không điều tiếng gì, sao con chưa gì đã có vấn đề". Nhưng chồng tôi thì đùa: "Thôi em bỏ nghề báo đi, về đây với anh ngày 2 sọt đi buôn, tối vợ chồng cởi trần hú hí với nhau".
Lại có thời gian tôi quá bận với những công việc, dự án đến mức quay cuồng và chẳng có thời gian cho gia đình, ông xã tôi chỉ bảo: "Này, em xem lại xem, em làm vợ kiểu gì mà đã bao lâu không nhớ ôm chồng?". Tôi cá là sẽ có rất nhiều ông chồng sẽ nói: "Lương em bao nhiêu, em ở nhà đi anh trả". Nhưng chồng tôi chỉ vậy, một cách vừa trách móc, vừa thấu hiểu và thông cảm, cả ủng hộ trong đó.
Status hài hước của Trang Hạ về bàn tay của bố khiến phần nào hình ảnh một người đàn ông rất thú vị hiện ra.
Một lần nữa khi gia đình tôi có trục trặc. Và vào lúc tôi được thả ở đồn công an vào lúc nửa đêm, tôi chỉ ước có một người đàn ông ôm lấy mình. Và tôi đã về nhà, trèo lên giường ôm lấy anh ấy. Cũng có thể có người sẽ bĩu môi: "Đấy, cô thấy chưa, có đi ra ngoài tưởng làm mưa, làm gió được gì nhưng cuối cùng vẫn chẳng có chốn dung thân". Nhưng anh ấy lại cười bảo: "Cảm ơn các anh công an đã "lùa" được vợ mình lên giường". Và tôi biết ơn vì tất cả điều đó.
Đã có thời gia đình chị gặp trục trặc ư? Lý do là gì vậy?
Đúng vậy, có thời kỳ gia đình tôi trục trặc, tôi dọn ra ở riêng. Nhưng chúng tôi không nói nặng lời với nhau một câu. Tôi cũng chẳng nhớ đích xác lý do là gì. Lúc đó tôi có một anh bạn thân, người làm cùng dự án văn học mạng, thân đến mức chồng tôi còn tưởng đó là bồ của tôi. Khi tôi đi ra khỏi nhà, dọn ra ở riêng, tôi cũng không biết bằng cách nào anh ấy có được số điện thoại của anh bạn này và nhắn: “Thằng hèn, mày để cho cô ấy đi một mình à?”. Cho đến ngày quay lại với nhau, chồng tôi kể mới biết. Còn anh bạn thì cũng xác nhận có tin nhắn đó nhưng cứ tưởng của một thằng hâm nào nhắn nhầm nên cũng xóa tin nhắn ngay và không trả lời.
Sau này, chúng tôi có thể quay lại được với nhau vì chúng tôi vẫn dành cho nhau sự tôn trọng và không hề xúc phạm nhau đến nửa lời. Bởi thế đôi lúc anh ấy vẫn trêu: "Nhà người ta thì bát đũa xô thường xuyên, nhà này thì bát đũa không xô mà có gặp là gặp ngay gió, bão".
Thật khó tin khi Trang Hạ vẫn khiến người ta hình dung là phụ nữ ăn nói có vẻ ngoa ngoắt, ngôn từ gây sốc, nhưng lại có vẻ dịu hiền và ôn hòa trong gia đình đến thế...
Việc nào ra việc đó, những phát ngôn của tôi gây sốc với bạn, nhưng không sốc với bản thân tôi. Người ta nói con chim đang bay không thể trả lời cho con chim ở trong lồng là thế. Ví dụ khi tôi từng nói nếu chồng ngoại tình tôi sẽ đút tay túi quần huýt sao ra khỏi nhà, bạn có thể coi là một phát ngôn sốc. Nhưng đó là suy nghĩ rất bình thường của tôi. Đôi lúc tôi nghĩ phải đi học nghiên cứu về tâm lý đám đông để lý giải mã tại sao những phát ngôn của mình dễ được coi là gây sốc đến thế.
Ngay cả việc tôi nói rằng bí quyết đi ra khỏi nhà chồng chỉ mang theo điều khiển TV, điều khiển điều hòa, mật khẩu và thẻ ATM... nhiều người cũng cho rằng là một phát ngôn đặc biệt, có tính hư cấu. Dĩ nhiên tôi sẽ không chọn mang theo quần áo hay gấu bông... Tôi càng thấy rõ sự hài hước giúp người ta sống sót qua những bi kịch một cách tuyệt vời nhất. Tôi cũng nhận ra rằng mọi giây phút khó khăn, thất vọng, nghèo túng đều đáng sống cả. Tôi luôn cảm ơn chồng mình vì sự hài hước anh ấy mang lại.
Mẹ tôi trước khi mất đã trăng trối rằng đừng lấy thằng đó vì bà nghĩ nó nghèo, tiền đồ chẳng có gì khi lúc đó anh ấy chỉ là một anh công nhân ở xưởng in. Bà lo cho tương lai con cái. Nhưng tôi chưa bao giờ lấy tiền đồ hoặc tiền và đồ ra để đánh giá một người đàn ông. Tôi tin vào trực giác của bản thân mình.
Chị cũng từng nói khi mới lấy nhau, anh ấy là người vô tâm như bất kỳ một người đàn ông khác, còn chị cũng là một cô dâu mới sợ mẹ chồng như bao phụ nữ nào. Vậy điều gì đã khiến chị có thể thay đổi một người đàn ông lười, vô tâm thành một ông chồng đảm đang, tâm lý, một ông bố tuyệt vời của các con như vậy?
Đúng thế, phụ nữ lấy chồng cuộc đời bước sang trang mới, cái gì cũng lạ lẫm. Nhưng các ông chồng thì vẫn vậy, vẫn ở trong nhà mình, vẫn ăn cái bát cũ, thậm chí nhìn cái trần nhà cũng cũ. Các cô dâu mới nếu có gì ấm ức không biết nói với chồng thì chỉ biết khóc, chẳng dám lên tiếng.
Chồng tôi lấy vợ xong vẫn ham chơi như thường, có lần đi chơi đến 2 giờ sáng, tôi khi đó bụng chửa vượt mặt đợi anh ấy về rồi hỏi: “Có đói không, em nấu gì cho ăn”. Mẹ chồng thì bức xúc vì thằng chồng thì lêu lổng, con vợ lại ngu, đã thế còn chẳng biết dạy chồng. Thế nhưng việc đó khiến anh ấy xúc động mãi.
Một lần khác, chồng tôi vốn chẳng bao giờ dẫn vợ đi dạo khi mang bầu, được ngày đầu tiên đi dạo thì dẫn vợ xuống ngay 1 cái hố rồi đau đẻ ngay lúc đó. Nếu như người khác có thể trách móc anh chồng vô tích sự này nọ, nhưng tôi thì không. Và chính vì thế, việc này lại khiến anh ấy hối hận.
Trang Hạ luôn nói về chồng bằng một giọng điệu trìu mến pha lẫn niềm tự hào.
Đây cũng là câu chuyện được kể lại là mà lúc nào các con tôi cũng cười khoái trá, nhưng ông xã thì hối hận cho đến bây giờ. Dù cũng không có việc gì nghiêm trọng nhưng ông ấy muốn con có thể được chào đời đủ tháng, đủ ngày...
Tôi nghĩ anh ấy đã thay đổi từ những điều nhỏ nhặt như thế. Chúng tôi có sự trưởng thành trong hôn nhân vì những sự tôn trọng và khích lệ, thấu hiểu. Bạn đừng nói rằng tất cả là số phận. Thực tế chẳng có món quà nào từ trên trời rơi xuống nếu bạn không tự trưởng thành. Tính cách tạo nên số phận, đó là sự thực.
Với 3 đứa trẻ việc chăm sóc không hề dễ dàng, vậy trong nhà chị ai là nhân lực chủ chốt trong việc chăm sóc con cái?
Chúng tôi thường làm cùng nhau. Trong nhà chồng tôi đóng vai thiện, còn tôi ở vai ác, nghiêm khắc hơn. Những lúc tôi đi tập thể thao, bất kể trời nắng nóng, đêm đông lạnh hầu như tôi luôn duy trì đều đặn, thì anh ấy là người cho bọn trẻ ăn, đưa bọn chúng đi học, đưa bọn chúng đi bộ... đều do anh ấy đảm nhiệm. Nếu thấy một ông bố dắt theo mấy đứa trẻ đi chạy quanh Hồ Tây thì đó là chồng tôi.
Chúng tôi luôn có một khoảng thời gian được nhắc rõ trong lịch là thời gian chơi với con. Đó là quyền lợi nhưng cũng là nghĩa vụ. Nếu mẹ bận, bố sẽ cùng lũ trẻ xem gà nở, ném gối vào mặt nhau, bố con tập võ, chơi với mèo, dắt chó đi dạo...
Cậu con trai út của Trang Hạ với món quà "made by" bàn tay của bố, thứ mà cậu bé có thể nhận được hàng ngày.
Nhà tôi không có tivi để lũ trẻ luôn dành thời gian chơi với nhau và tham gia các hoạt động có ích khác. Tôi mê nhất khoảng thời gian nhìn bố và con gái tập võ với nhau.
Nếu buổi sáng tôi đi tập võ hoặc chạy bộ, thậm chí đi công tác dài ngày, tôi biết ở nhà các con và bố đều ổn, hai nhóc vẫn được bố cho chạy bộ hoặc đi bơi hàng ngày, vườn thượng uyển trên gác vẫn có con gái tưới chăm chỉ, mười lăm phút vào bếp của cả nhà đã có bữa cơm nóng hổi ngon miệng, và kể cả ông xã đi vắng thì tôi cũng lo được mọi việc tươm tất, vì gia đình có một nhịp sống an bình rồi. Có lẽ sau nhiều năm hôn nhân, chúng tôi vẫn còn yêu nhau, và vô cùng cần nhau, đó mới là của cải vô giá của thời gian.
Một bàn tay để chia sẻ đời sống này, một bàn tay nắm tay nhau, dù là để giúp vợ đứng tấn, giúp con sửa đàn violin và chuẩn bị cọ vẽ tranh sơn dầu, hay chỉ đơn giản là bàn tay sửa giúp vợ chiếc xe máy thể thao, hay ẵm con ốm giúp vợ... Những điều ấy, thực ra không chỉ cần tay bố mà cần toàn bộ tình yêu và cả cuộc đời của người đàn ông tôi đã chọn làm chồng.
Gửi bình luận, thích và chia sẻ trên
Gửi bình luận, thích và chia sẻ trên
Video được xem nhiều nhất
Bình luận