"Tôi từng "nghiện" C2 và tôi thực sự lo rằng mình phải đi khám!"
40.000 thùng hàng C2 và Rồng đỏ vượt ngưỡng chì cho phép gấp 17 lần nhưng không thể thu hồi do đã tiêu thụ hết. Người tiêu dùng yêu thích nhãn hiệu nước giải khát này khiến nó bán rất chạy, nhưng giờ thì họ rơi vào tình cảnh không biết mình đã uống bao nhiêu chai nước nhiễm chì vào người?
Theo thống kê mới nhất từ công ty URC, trong đợt thu hồi các lô sản phẩm C2 và Rồng Đỏ nhiễm chì, ít nhất đã có 40.000 thùng trong các lô nhiễm chì vượt ngưỡng cho phép không thể thu hồi do đã tiêu thụ hết. Hiện tại, đơn vị này mới chỉ thu hồi được 1.200 thùng, số còn lại thì đã bán hết.
Điều này chứng tỏ cả 2 sản phẩm của URC đều bán rất chạy và nhận được sự tin tưởng lớn từ người tiêu dùng. Khi thông tin 5 lô sản phẩm thuộc nhãn hàng này không đảm bảo an toàn được nhiều phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, nhiều người dân cảm thấy rất hoang mang vì xưa nay, có không ít người uống hai loại nước này - đặc biệt là C2 hàng ngày.
Tôi từng "nghiện" C2 và giờ tôi nghĩ mình phải đi khám
Ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân là một trong những người tiêu dùng bày tỏ thẳng thái độ lo lắng của mình trên facebook, vì bản thân anh chia sẻ, mình đã từng rất mê C2. Trong nhiều năm liền, anh thường xuyên sử dụng loại nước uống này.
"C2 là loại nước uống thường trực trong thời học sinh cấp 3 của tôi. Tôi nhớ năm lớp 10, C2 là loại nước được yêu thích nhất. Lúc đầu, nhãn hàng này mới chỉ có hương vị táo, sau đó lại có thêm vị chanh và cả 2 đều ngon khiến tôi rất thích".
Trung Quân chia sẻ, anh đã từng uống sản phẩm này thay nước, cứ khát là uống như một thói quen. "Không chỉ có tôi mà nhiều bạn bè cũng uống C2 thay nước như thế. Thậm chí cánh anh em nghệ sĩ, mỗi lúc tập luyện mệt mỏi hoặc trình diễn, khi khát họ cũng rất hay gọi C2".
Ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân.
Vì vậy, khi thông tin một số lô hàng của loại nước uống giải khát này bị nhiễm độc được công bố rộng rãi, Trung Quân cảm thấy rất thất vọng. " Tôi cảm thấy rất mất lòng tin. Rõ ràng họ đã không tôn trọng và quan tâm đến người tiêu dùng. Họ có thể đã kiểm soát được chất lượng sản phẩm nhưng cuối cùng những lô hàng nhiễm độc vẫn ra đến thị trường và tiêu thụ một số lượng lớn như thế thì quả thực rất vô trách nhiệm ".
Trung Quân cho biết, anh chắc chắn sẽ phải sớm đi khám xem lượng chì tích lũy trong cơ thể như thế nào. "Tôi cũng không biết sức khỏe của mình như thế nào nhưng thực sự rất lo lắng vì tôi biết, nhiễm độc chì sẽ vô cùng nguy hiểm. Với niềm tin và sự yêu thích, sử dụng nhiều C2 trong thời gian dài như thế, tôi thật sự bức xúc khi biết sản phẩm này có dư lượng chì cao như vậy" , Trung Quân nói thêm.
Lo sợ hàm lượng chì tích tụ trong cơ thể suốt thời gian qua
40.000 thùng C2, Rồng Đỏ đã bán hết trên thị trường đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn người đã uống phải sản phẩm nằm trong những lô hàng có vấn đề này mà không hề hay biết.
Là một người thuờng xuyên uống C2 trong suốt nhiều năm qua, bạn Kim Ngọc (SV năm 4 trường ĐH Công nghệ TP. HCM) hết sức lo sợ: "Mấy tháng qua tôi đã theo dõi thông tin trên báo, đài để hiểu thêm về vụ việc C2 nhiễm chì, ban đầu chỉ có 2 lô hàng có hàm lượng chì vượt ngưỡng, tôi còn tự trấn an rằng chắc mình không xui xẻo đến mức uống phải những chai C2 trong lô đó. Nhưng đến khi thống kê mới đây cho biết 40.000 thùng C2, Rồng Đỏ có vấn đề nhưng đã tiêu thụ hết, tôi thực sự rất sốc...".
Ở các quán trà đá ven đường, mặc dù C2 vẫn được bày bán nhưng hầu hết mọi người đều chọn trà đá hoặc các loại nước khác.
Theo Ngọc chia sẻ, buổi trưa cô thường xuyên đến những quán vỉa hè uống nước cùng bạn bè trong thời gian chờ buổi học vào đầu giờ chiều, và những lúc đó Ngọc luôn gọi C2 để uống. "Tôi nghĩ đó là nước trà thanh mát, nguyên chất, có lợi hơn nhiều so với cafe, nước ngọt, nào ngờ... Tôi không biết thời gian qua mình có uống phải sản phẩm C2 nhiễm chì hay không, nếu có thì chỉ hy vọng hàm lượng chì trong máu không quá cao để phải điều trị...", Ngọc tâm sự.
Trả lời trên báo Tiền Phong, PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên hóa học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết, khi bị nhiễm độc chì, phải đưa thuốc đặc trị vào để giúp đào thải vì chì là loại kim loại nặng được liệt vào mức độc mạnh, có khả năng tích lũy sinh học trong cơ thể con người, lâu dần sẽ gây bệnh như gây phá hủy dần tủy xương là bộ phận sản xuất ra hồng cầu.
Khi chì đã vào cơ thể thì khó để đào thải, nếu không có thuốc đặc trị để đẩy chì ra khỏi cơ thể thì nguy cơ tử vong là cực cao.
Phụ huynh bắt đầu tính chuyện đưa trẻ đi xét nghiệm
Có con nhỏ thuờng xuyên uống C2 suốt thời gian qua, anh Tạ Minh Thắng (Thụy Khuê) lo lắng: "Các con tôi uống C2 nhiều. Tôi cũng nghĩ loại nước này sẽ tốt hơn nước có ga nên hay mua chiều con. Bây giờ nghe tin C2 bị thu hồi, tôi rất lo lắng vì đọc trên báo, nghe nói chì tích lũy ở trẻ em mạnh hơn người lớn".
Anh Thắng cho biết, từ hôm đọc được thông tin về sản phẩm C2 và Rồng đỏ bị thu hồi, anh đã khuyên các con không được sử dụng các loại nước uống này. "Tôi cũng đang tính chuyện đi khám cho các cháu vì dù hiện tại các bé đang rất khỏe mạnh nhưng tôi vẫn thấy lo lắng".
Những chai C2, Rồng đỏ vẫn xuất hiện khắp các kệ hàng siêu thị, hiệu tạp hóa những thưa người mua hơn.
Đồng tình với quan điểm này, chị Vũ Thị Tâm (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Gia đình mình thì người lớn không uống nhiều C2 hay Rồng đỏ nhưng loại nước này hai con gái đều rất thích. Thực sự là mình cũng không nhớ trước đó đã cho các bé tiêu thụ nhầm những chai C2 có lượng chì cao vượt ngưỡng hay không, nên rất lo lắng".
Chị Hồng Thái chia sẻ hiện tại hầu như bạn chỉ uống nước lọc mà không sử dụng bất kì loại thức uống nào khác để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Hồng Thái (nhân viên y tế mầm non, TP Huế) bày tỏ: "Mình từng là fan của trà xanh C2 nhưng khi đọc thông tin có hàm lượng chì cao trong sản phẩm, mình cũng hơi sốc một chút. C2 là một sản phẩm gần đây mới được kiểm nghiệm và phát hiện hàm lượng chì cao, loại này cũng lâu năm rồi mà còn bị vậy thì không biết những loại sau này như thế nào nữa nên chắc từ giờ đi đâu mình chỉ uống nước lọc thôi".
Trong thời gian này, thanh tra Bộ Y Tế cũng cho biết ngoài URC thì sẽ thanh tra toàn diện với bốn công ty nước giải khát lớn là Pepsi, Coca-Cola, Wonderfarm. Thông tin này cũng khiến nhiều người dân như ngồi trên đống lửa, tất cả những gì người tiêu dùng đang làm là... cầu may.
" Bây giờ mà có kết quả các sản phẩm nước giải khát của những công ty lớn đó có vấn đề thì đúng là chỉ còn biết uống nước lọc để đảm bảo an toàn sức khỏe mà thôi!" , chị Hoài Thu, 30 tuổi, ngụ Quận Bình Thạnh chia sẻ.
Kiểm tra hàm lượng chì trong cơ thể bằng cách nào?
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Phạm Duệ, Nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, trước việc nhiều người nghi ngờ bị nhiễm độc chì, tốt nhất là nên đi xét nghiệm để có kết quả chính xác.
"Hiện tại Trung tâm chống độc của Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị lấy mẫu máu và nước tiểu của người dân đến khám và sẽ đưa lên Viện hóa học Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xét nghiệm. Ngoài ra không có thêm công đoạn gì và người bệnh cũng không phải nhịn ăn để lấy mẫu phẩm xét nghiệm. Kết quả sẽ được trả trong vòng 2 - 3 tuần" , bác sĩ Phạm Duệ cho hay.
Theo bác sĩ Phạm Duệ, mỗi mẫu xét nghiệm là 200 nghìn đồng, thường xét nghiệm cả trị liệu là mẫu máu và mẫu tiểu hết khoảng 400 nghìn đồng. Nếu trường hợp bệnh nhân nhiễm độc chì thì việc điều trị sẽ chia thành nhiều đợt và rất phức tạp.
Video được xem nhiều nhất