Tình yêu tuổi học trò: Đừng đánh mất chính mình!
“Làm sao để kiểm soát được cảm xúc khi đó với bạn gái của mình?”, “Lỡ như em có bầu nhưng không muốn nói cho ba mẹ biết thì em phải làm sao?”
Rất nhiều câu hỏi về vấn đề tình yêu, tình dục được các bạn học sinh cấp 3 đặt ra trong chuyên đề “Tình yêu tuổi học trò” được tổ chức vào ngày 13/5.
Giúp nhau tạo ra những cảm xúc tích cực
Tuổi học trò với những rung động đầu đời về tình yêu luôn là những cảm xúc dễ thương, trong sáng. Nhưng cùng với những rung cảm đó, làm sao để duy trì những cảm xúc tích cực cho nhau, không “vượt rào”, đi quá giới hạn cho phép là điều mà rất nhiều các bạn học sinh quan tâm.
“Làm sao để kiểm soát được cảm xúc khi đó với bạn gái của mình?” - một bạn hỏi.
Theo TS Xã hội học - ThS Tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy, để kiềm chế những cảm xúc của mình thì những nguyên tắc về giá trị đạo đức, quan niệm sống của mỗi bạn trẻ là quan trọng nhất. “Bản năng tình dục của con người là cực kỳ mạnh. Nếu không có bản lĩnh thì rất dễ bị hoàn cảnh xô đẩy”- TS xã hội học - ThS tâm lí trị liệu Phạm Thị Thúy nói thêm.
Cô kể về những câu chuyện mà mình từng tư vấn: “Có cô bạn gái mới yêu cậu bạn trai chỉ có vài tháng, rủ bạn trai về nhà chơi và cho bạn vào phòng riêng của mình. Bạn trai ngỏ ý muốn quan hệ thì bạn gái không đồng ý nhưng bạn trai vì đã không kiềm chế được nên đã ép bạn gái của mình. Cô bạn gái cảm nhận rằng người bạn trai chỉ yêu bản thân cậu ấy chứ không tôn trọng cô và cảm thấy như rơi vào vực thẳm...
Rồi có trường hợp có cô bạn đi sinh nhật với bạn bè và có uống một vài ly bia. Cô thấy chóng mặt nên nhờ bạn trai mình đưa về nhà. Không ngờ rằng bạn trai không đưa cô về nhà mà lại chở cô vào nhà nghỉ rồi làm chuyện đó”.
Tình yêu tuổi học trò có thể giúp cả hai tạo ra những cảm xúc tích cực trong học tập, công việc và sinh hoạt hằng ngày. Ảnh minh họa: Internet
“Cả hai trường hợp trên, đều là do cảm xúc nhất thời của các bạn trẻ trong tình yêu nhưng các bạn nam cần biết rằng mình phải có bản lĩnh để khước từ những cảm xúc nhất thời đó, để bảo vệ bạn gái và bảo vệ cả chính mình. Phải kiểm soát được lý trí của mình để không sa vào những trường hợp như vậy”, TS xã hội học - ThS tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy nói thêm.
Dẫn chứng từ câu chuyện của con trai mình, học tiếng Trung Quốc vì cảm mến một bạn gái người Trung Quốc, ThS Vũ Cẩm Vân cho rằng tình yêu tuổi học trò có nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, những xúc cảm, rung động đầu đời về giới tính giữa nam và nữ khiến các bạn luôn muốn dành nhiều thời gian cho nhau, muốn sở hữu nhau quá mức và sau đó vô tình đánh mất chính bản thân mình.
Theo ThS Vân, thay vì chỉ nghĩ về tình dục thì các bạn có thể tạo cho nhau những cảm hứng trong học tập, trong công việc hay cả trong những sinh hoạt đời thường để cùng nhau tiến bộ và xây dựng một tình yêu trong sáng, bền vững.
Cần thời gian để biết mình có đang yêu thật lòng hay không
Các bạn trẻ thường vội vàng cho rằng một ánh nhìn hay sự quan tâm nhất thời của đối phương là tình yêu nhưng tình yêu cần nhiều thời gian hơn nữa, nhiều thử thách hơn nữa để khẳng định.
Đó không phải là việc chiều chuộng đối phương, bạn thích làm gì, muốn làm gì thì mình chiều theo, hay công khai yêu nhau một cách lố lăng trên các trang mạng, ôm hôn nhau ngay trong sân trường… Khi cả hai dành cho nhau sự quan tâm, yêu thương chân thành thì tình yêu đó mới lâu bền.
Cần thời gian để tình yêu được khẳng định bằng sự quan tâm, lắng nghe, chia sẻ với nhau về hững khó khăn trong cuộc sống. Đó mới là một tình yêu bền vững. Ảnh minh họa: Internet
TS Xã hội học -ThS Tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy kể rằng những trường hợp mà cô từng gặp phải trong quá trình tư vấn luôn khiến ba mẹ đau đầu vì cái lý của con trẻ khi yêu.
“Có một người mẹ tìm đến để tâm sự rằng chị có cô con gái đang trong độ tuổi biết yêu. Chị không cấm con gái yêu nhưng có một điều khiến chị phiền lòng là từ ngày bạn biết yêu, ngày nào bạn cũng qua nhà cậu ấy để làm hết việc này đến việc kia, chăm sóc cho bạn trai như một người vợ đảm đang.
Người mẹ thấy vậy khuyên rằng không nên làm như thế vì sẽ làm hư bạn trai và cả bản thân mình nhưng bạn gái không nghe và khăng khăng bảo đó là tình yêu của bạn, bạn có quyền quyết định. Người mẹ định nói với bạn trai của con gái về việc đó nhưng chưa kịp nói ra thì mẹ của bạn trai đó đã kêu bạn gái đến nhà và nói thẳng rằng không nên sang nhà để làm việc như vậy nữa.
Bạn gái đó cảm thấy bị tổn thương và về nhà khóc lóc, trách mẹ mình vì cứ tưởng mẹ sang nhà bạn trai để nói”.
“Các bạn phải có sự lựa chọn cho riêng mình. Các bạn sẽ yêu như thế nào, quan hệ tình yêu đó nó đi về đâu, các bạn có bước qua ranh giới giữa tình yêu và tình dục hay không?
Tất nhiên, tình dục là sự thăng hoa của tình yêu nhưng nó phải đủ chín, đủ yêu nhau về cảm xúc, đủ yêu nhau về trí tuệ, đủ điều kiện tôn trọng lẫn nhau, đủ điều kiện để nếu cưới nhau về, sinh con mình có nuôi được không, có đủ trách nhiệm chưa? Lúc đấy thì tình dục là điều tuyệt vời.
Nếu tình dục quá sớm thì sẽ có rất nhiều nguy cơ, sự tổn thương xảy ra ngoài ý muốn mà chúng ta không lường trước được”, TS xã hội học - ThS tâm lí trị liệu Phạm Thị Thúy phân tích.
Theo Thanh Tuyền
Pháp luật TPHCM
Video được xem nhiều nhất