Tìm ra nguồn nước "uống được" khổng lồ trên sao Hỏa, hoàn toàn nằm trong phạm vi có thể khai thác

Kênh 14 - 12/01/2018, 13:35

Sao Hỏa có nước thì ai cũng xác nhận được rồi. Nhưng có uống được hay không thì đến bây giờ các chuyên gia mới tìm thấy được.

Năm 2015, NASA đã đem đến cho nhân loại một phát hiện thế kỷ: tìm ra nước dạng lỏng chảy trên bề mặt của sao Hỏa. Phát hiện đã mở ra một thời kỳ hoàn toàn mới, đòi hỏi con người phải lập tức lên kế hoạch chinh phục sao hành tinh Đỏ trong tương lai. 

Tìm ra nguồn nước uống được khổng lồ trên sao Hỏa, hoàn toàn nằm trong phạm vi có thể khai thác - Ảnh 1.

Các dấu vết của nước trên sao Hỏa

Tuy nhiên dù tìm ra nước, nước ấy lại không thể uống được. Khả năng hợp lý nhất nếu muốn đưa con người lên sao Hỏa đó là dựa vào nước bên dưới lớp băng đá trên bề mặt hành tinh mà thôi.

Và mới đây, các chuyên gia tại Hoa Kỳ đã xác nhận tìm thấy một lượng nước khổng lồ nằm dưới một lớp băng ở vị trí cực kỳ sát so với bề mặt hành tinh. Một phát hiện có thể xem là cực kỳ ý nghĩa với những nhiệm vụ du hành sao Hỏa trong tương lai.

Cụ thể, nghiên cứu do Colin Dundas từ Cục Khảo sát địa chất Hoa Kỳ (Arizona) đứng đầu. Họ sử dụng hệ thống HiRISE (Thí nghiệm khoa học hình ảnh phân giải cao) tích hợp trên vệ tinh Mars Reconnaissance.

Họ nhận thấy có khoảng 8 địa điểm ở các vĩ độ giữa, nơi các vách đá đã bị xói mòn và để lộ ra lớp băng bên dưới. Thông thường, băng trên sao Hỏa phải nằm sâu đến cả trăm mét, nhưng lớp băng này cách bề mặt khoảng 1 - 2m mà thôi.

Tìm ra nguồn nước uống được khổng lồ trên sao Hỏa, hoàn toàn nằm trong phạm vi có thể khai thác - Ảnh 2.

Những địa điểm bị xói mòn, lộ ra lớp băng bên dưới.

Hơn nữa, băng đá tại khu vực này xuất hiện theo từng lớp - tương tự như các lớp trầm tích trên Trái đất. Điều này chứng tỏ nó có thể tiết lộ rất nhiều điều về lịch sử địa chất trên hành tinh Đỏ.

"Phát hiện này cho chúng ta một bức tranh chi tiết về một số lớp băng trên sao Hỏa" - Dundas cho biết.

"Điểm mấu chốt ở đây là các lớp băng trên sao Hỏa có thể bị chôn rất nông."

Trước đó, ai cũng biết rằng sao Hỏa có nước dưới dạng băng đá, nhưng như đã nêu, chúng nằm quá sâu. Trong khi đó, ngay cả robot tự hành mới nhất của châu Âu là ExoMars (dự kiến đổ bộ vào năm 2021) cũng chỉ đào được khoảng 2m mà thôi. 

Tìm ra nguồn nước uống được khổng lồ trên sao Hỏa, hoàn toàn nằm trong phạm vi có thể khai thác - Ảnh 3.

Thiết kế trụ sở tương lai trên sao Hỏa.

Theo Dundas, các dữ kiện ban đầu cho thấy lớp băng này khá vững chắc, nhưng cũng tương đối "trẻ", với độ tuổi chỉ dưới 1 triệu năm thôi.

Đá cũng có dấu hiệu lở xung quanh khu vực, chứng tỏ rằng lớp băng này đang bị bào mòn mỗi khi mùa hè đến. Ngoài ra do áp suất trên sao Hỏa rất thấp nên băng đá có hiện tượng thăng hoa, tức là từ thể rắn thành dạng khí luôn, khiến sự bào mòn xảy ra rõ ràng hơn. 

Dundas chia sẻ rằng phát hiện này có thể giúp ích rất nhiều cho các chiến dịch khám phá sao Hỏa sau này, vì con người có thể tận dụng được lượng nước ấy. 

"Lớp băng này được kỳ vọng lưu giữ một phần lịch sử của hành tinh, về khả năng nuôi dưỡng sự sống, và cả nguồn tài nguyên tiềm năng cho các chuyến thám hiểm trong tương lai."

Tìm ra nguồn nước uống được khổng lồ trên sao Hỏa, hoàn toàn nằm trong phạm vi có thể khai thác - Ảnh 4.

 

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science.

Theo J.D/Trí thức trẻ
 
Nguồn: IFL Science, Mirror, Independent...

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất