​Tiếp sức nhiều nhưng…chẳng dám nhận bao nhiêu 

Tuổi trẻ - 03/07/2016, 14:25

TTO - Cứ mỗi khi tháng 7 về, trong số những thông tin về thi cử của thí sinh được quan tâm, những câu chuyện bên lề về “nơi ăn, chốn ngủ” thường gây xúc động nhất.

Bánh mì được phát miễn phí trước điểm thi trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng nhưng không nhiều người nhận - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Bánh mì được phát miễn phí trước điểm thi trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng nhưng không nhiều người nhận - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Chuyện “tiếp sức mùa thi” năm nào cũng nhận được ánh mắt thiện cảm của cả xã hội. Không ai phủ nhận những việc làm như “giúp thí sinh qua đường”, “bữa cơm trưa miễn phí”, “cõng thí sinh vào phòng thi” đã giúp đỡ tích cực cho thí sinh, đồng thời cổ vũ cho một xã hội ngày càng văn minh, giàu tính nhân văn.

Tuy nhiên qua hai ngày thi, tôi có dịp rảo quanh gần 10 điểm thi tại Đà Nẵng và thấy rằng bên cạnh hình ảnh đẹp ấy vẫn còn những điều chưa hợp lý và… lãng phí.

Trưa 1-7, tại điểm thi Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu) tôi chứng kiến rất nhiều em nhỏ trong gia đình phật tử trần người đứng giữa nắng để tặng bánh mì chay miễn phí cho mọi người. Các em nhỏ đứng dưới nắng, mồ hôi nhễ nhại khiến ai cũng cảm động. Nhưng trớ trêu, ba thùng bánh mỳ với gần 200 cái được mời phát nhưng…người dám nhận không là bao nhiêu.

Một phụ huynh trước điểm thi này giải thích: “Nhà tôi ở Đà Nẵng nên buổi trưa con thi xong đưa con về nhà ăn luôn. Với cả nhìn các cháu để thùng bánh mì dưới đường giữa cái nóng như thế này bản thân tôi cũng không dám ăn chứ chưa nói là cho con ăn. Thức ăn không đóng hộp cẩn thận dễ ngộ độc thì gây họa cho con mất”.

Cuối giờ thi, tôi đếm được số người nhận bánh mì chỉ trên đầu ngón tay, chủ yếu là phụ huynh. Có người nhận rồi treo xe vậy chứ không dám ăn. Quá giờ trưa, một số bánh mỳ được phân phát cho những bàn tình nguyện viên áo xanh và một số người bán vé số đi ngang qua.

Trong khi đó tại điểm thi trước trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, một số hội làm từ thiện nhưng lấn ra đường quốc lộ để phát cơm khiến CSGT phải nhiều lần nhắc nhở để lập lại trật tự.

“Giúp đỡ những thứ thí sinh cần chứ không phải có cái gì đưa ra cái đó”, đó là câu nói mà tôi nghe được trong quán cà phê khi chờ thí sinh ra khỏi phòng thi.

Theo thiển ý của tôi, mọi sự giúp đỡ đều đáng được trân trọng và ghi nhận. Nhưng sự giúp đỡ cũng phải phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Khi chia sẻ câu chuyện phát bánh mì không ai dám nhận với một số phụ huynh, họ nói rằng nếu đó là nước đóng chai hoặc hộp sữa thì họ sẵn sàng nhận bởi “trưa nay không dùng thì để tối con ôn bài uống. Còn nếu nhận mà không dùng là có tội”.

Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay được tổ chức tại 35 tỉnh, thành là chủ ý của Bộ GD-ĐT nhằm giúp xã hội giảm một phần gánh nặng tiền bạc và giúp một số địa phương giải tỏa áp lực về phòng ốc, nhân lực phục vụ thi cử.

Điều này đã cho thấy được tác dụng khi không còn một lượng lớn thí sinh, xe đò dồn về một số đô thị lớn cùng một thời điểm. Tiếc là trong năm đầu tiên nên một số hoạt động tiếp sức vẫn chưa “bắt kịp” thời sự, vẫn ăn theo “bổn cũ soạn lại”.

Trước kỳ thi này, tôi vẫn nhớ chia sẻ của một bạn trong CLB đồng hương thường tổ chức tiếp sức thí sinh tại Đà Nẵng các năm trước. Bạn này cho biết do năm nay tại Đà Nẵng không khó khăn về đi lại và chỗ ở như các năm nên hội của bạn không tổ chức ra quân để tránh lãng phí thời gian, sức lực cho các thành viên. Thay vào đó các bạn đã “chuyển hướng tiếp sức” bằng cách cùng nhau soạn ra một cuốn cẩm nang lưu ý các lỗi thí sinh hay mắc phải.

Lời cuối trong bài viết này tôi xin nhắc lại mọi sự giúp đỡ đều đáng được trân trọng và không kém phần quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là làm sao để sự giúp đỡ ấy thiết thực, hiệu quả và tránh cho xã hội sự lãng phí. 

Đang tải video ...
Thi sinh Nguyễn Hữu Nhật Minh chia sẻ trước giờ thi môn Hóa - Thực hiện: LÊ TRUNG

>> Bấm f5 tiếp tục cập nhật 

NGUYỄN TRƯỜNG TRUNG

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất