Tiệm bánh mỳ thịt gà ngon nức tiếng Sài Gòn thu về 20 triệu đồng/ngày

Kênh 14 - 19/06/2015, 11:57

Với nguyên liệu tự chế biến theo công thức gia truyền 40 năm, tiệm bánh mỳ cô Bích (Q. Gò Vấp, TP. HCM) mỗi ngày bán khoảng 2.000 ổ bánh mỳ, mỗi ổ 12.000 đồng mang về thu nhập lên đến hơn 20 triệu/ngày.

Nếu đến Sài Gòn mà bạn không ghé tiệm bánh mỳ Bích, thì đó là một điều đáng tiếc, vì đây là tiệm bánh mỳ cóc ngon “nức tiếng” với hương vị không thể chê vào đâu được. Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Bích (hơn 50 tuổi, chủ quán), bánh mỳ của cô được mọi người ủng hộ bởi tất cả nguyên liệu để làm nhân bánh mỳ là do cô tự chế biến theo công thức gia truyền của cha cô để lại. 
 
Đến nay, tiệm bánh mỳ của cô Bích đã được hơn 40 năm, và vị ngày càng ngon, càng hấp dẫn hơn nhờ công thức bổ sung do chính cô nghĩ ra nhằm đáp ứng nhu cầu của thực khách. Theo cô Bích, người kế thừa đều có thể sáng tạo ra bất kỳ nguyên liệu nào nhưng chắc chắn phải giữ nguyên công thức bơ-pate của cha cô.
 

Gọi là tiệm cho sang chứ thực ra chỉ đơn giản là chiếc xe bánh mỳ nhỏ gọn, nằm khiêm tốn sau những bảng hiệu khác bên cạnh. Thế nhưng vừa mở cửa, khách đã đến rất đông.
 

Khách phải xếp hàng chờ đến lượt mình.
 
Theo cô Bích, ban đầu cha cô mở tiệm bánh mỳ chỉ bán những nguyên liệu có sẵn, vì thế rất ít khách. Ông biết nếu cứ như thế không sớm thì muộn, tiệm cũng sẽ đóng cửa, thế là ông tìm hiểu khẩu vị của thực khách. Sau một thời gian nghiên cứu, ông sáng tạo ra bơ-pate như là linh hồn của món ăn này và nhanh chóng thu hút được khách hàng.
 
Cô Bích chia sẻ: “Có được thành công ngày hôm nay là nhờ cha tôi đã sáng tạo ra công thức bơ-pate đặc biệt mà không nơi nào có được, đó là hương vị chính của ổ bánh mỳ. Đó cũng là công sức và tâm huyết của cha nên chúng tôi quyết định tiệm có thể thêm, bớt hoặc sáng tạo ra bất kỳ nguyên liệu nào nhưng với bơ-pate thì không bao giờ thay đổi”.
 

Đa số thực khách đến đây đều "bị nghiện" bởi bơ-pate gia truyền của tiệm.
 
Nói là tiệm cho sang, chứ thực ra đó chỉ là một chiếc xe đẩy, với bảng hiệu khiêm tốn trên vỉ hè, cái tên bánh mỳ cóc ra đời từ đó, cũng như người Sài Gòn quen gọi các hàng quán vỉa hè là quán cóc thế nhưng bánh mỳ cô Bích không còn xa lạ với người sành ăn nơi đây. Sau này, khi tiếp quản xe bánh mỳ từ cha mình, cô Bích không mua chả lụa, thịt nguội có sẵn như cha, mà thay vào đó là thịt gà xé do cô sáng tạo ra. 
 

Cô Bích còn sáng tạo thêm nguyên liệu làm từ ức gà xé...
 

... gỏi chua ăn cùng bánh mỳ cho đỡ ngán.
 
Vị thơm dai của ức gà, vị giòn ngọt của sụn kèm theo vị béo nhưng không ngấy của bơ-pate, vị chua chua của gỏi, hơn hết bánh mỳ được giữ nóng giòn làm cho người sành ăn càng thêm thích thú.
 
Thịt gà xé được chế biến từ ức gà, sau khi luộc chín thì xé nhỏ và xào cho rút hết nước, thịt săn lại, dai và thơm nức. Với bơ-pate, sau khi làm bơ, cô Bích phải đi chợ từ sớm để mua được gan heo còn nóng hổi, thêm vào đó là gia vị và nước sốt làm theo công thức riêng, rồi hấp lên thành pate. Sau đó trộn chung với bơ tạo nên một hỗn hợp bơ-pate đặc trưng của tiệm. Gỏi chua cũng phải tự tay làm thì cô Bích mới yên tâm.
 

4 người tại quán chia nhau làm theo "dây chuyền": người mổ bánh, người thêm bơ-pate, người bỏ gà, người thêm gỏi và giao cho khách nhưng vẫn không kịp.
 

Bánh mỳ cóc khi làm xong được gói ghém khá kỹ để giữ vệ sinh.
 
Ngoài ra, tiệm chỉ bán một loại bánh mỳ hình tròn lấy từ lò bánh mỳ duy nhất, mỗi ngày cô Bích bán 2.000 ổ bánh mỳ nhưng không lấy một lần mà cô yêu cầu giao bánh mỳ làm nhiều “ca” theo giờ cố định để có thể giữ được độ giòn, và nóng của bánh mỳ. 
 

Người mua đến quán chỉ cần giơ tay ra hiệu số lương bánh mỳ là chủ quán hiểu ý làm ngay.
 

Với những "mối ruột" còn chuẩn bị sẵn tiền.
 
“Mỗi tuần, tôi đều ăn bánh mỳ cóc ở đây ít nhất là 3 lần, bánh mỳ rất ngon, mà giá lại hợp túi tiền, thêm vào đó cô bán bánh mỳ là người vui  tính, dễ mến, có lần tôi vội quá quên mang tiền, nhưng cô vẫn vui vẻ đưa bánh cho mình”, bạn Nguyễn Đức Minh (SV năm 3 ĐH Công Nghiệp TP. HCM) cho biết.
 

Ông Jerry ban đầu đến mua vì hiếu kỳ hình dạng của bánh mỳ cóc ở đây, thế nhưng bây giờ ông đã là khách quen của Tiệm.
 
Ông Jerry (Giáo viên dạy tiếng Anh tại Việt Nam) cho biết: “Ban đầu tôi đến ăn vì thấy hình dạng bánh mỳ ở đây thật thú  vị. Thế nhưng bây giờ tôi là khách quen thân thiết tại tiệm này rồi, tôi hay ghé qua tiệm trước khi đến lớp”.
 
Chỗ cô Bích luôn ưu tiên bán trước cho người già, người đi đường có con nhỏ, sinh viên vì với cô những người này cần được bán nhanh để có thể nghỉ ngơi hoặc kịp thời gian đến trường. Cô Bích chia sẻ: “Tiệm tồn tại đến ngày nay là nhờ sự yêu mến của mọi người, vì thế tôi không muốn ai phải chờ lâu, nhưng người già cần được nghỉ ngơi, trẻ nhỏ và sinh viên thì phải đi học, thế nên tôi ưu tiên những người này trước”.
 
Cô Bích tự hào: “Tuy khách thường góp ý cho tôi tăng thêm chi nhánh, nhưng một mình tôi không thể làm xuể. Có thể tôi là người bảo thủ nhưng tôi muốn tự tay mình làm tất cả nguyên liệu thì mới an tâm, vì bánh mỳ không những phải hợp vị với thực khách mà còn phải vệ sinh thì khách ăn mới có vị ngon trọn vẹn”.
 
Bạn Nguyễn Thị Thúy Nhung (ngụ Phú Nhuận) cho biết: “Từ khi còn là sinh viên, tôi đã “nghiện” bánh mỳ cóc tại đây, tôi thường ăn một lần 2 ổ, có khi tôi phải ăn liên tục 3 ổ mới đã. Theo tôi, bánh mỳ cóc tiệm cô Bích ăn rất ngon, tuy bơ-pate nhiều nhưng không bị ngấy, nhất  là bánh mỳ còn giòn, ăn rất thích”.
 
Được biết 17h30 hàng ngày là “giờ cao điểm” của quán, nhưng khách vẫn vui vẻ đứng đợi chứ không đi nơi khác. Nhiều người ở xa đến thăm Sài Gòn, nghe tiếng tiệm bánh mỳ cóc cũng tìm đến ăn thử.
 

Tuy ở Đồng Nai nhưng có việc đến TP. HCM là chị Nhung lại "ghé thăm" cô Bích.
 
Tuy đã trễ, nhưng chị Nguyễn Ngọc Nhung (23 tuổi, ở Đồng Nai) vẫn vui vẻ “xếp hàng”: “Tôi rất thích bánh mỳ, có dịp ghé thành phố, tôi đều tìm hiểu những tiệm bánh mỳ ngon để ăn thử. Thế nhưng giờ đây tôi đã là “mối ruột” của cô Bích, biết tôi ở xa đến ăn, cô Bích vui lắm và thường ưu tiên cho tôi vì sợ tôi về xa”.
 

Tận tâm với nghề, với thực khách nên cô Bích ngày càng được yêu mến.
 
Mỗi ngày, cô Bích chế biến khoảng 20 hộp bơ-pate to, 150kg thịt gà xé nhưng chỉ đến khoảng 20h là tất cả đều hết sạch mà vẫn còn khách đứng đợi. Một ổ bánh mỳ có giá 12.000 đồng, mỗi ngày tiệm bán được khoảng 2.000 ổ, thu về hơn 20 triệu đồng. Điều khiến tiệm bánh mỳ nhỏ bé này chiếm được tình cảm của khách gần xa, một phần nhờ hương vị đặc biệt khiến ai từng ăn cũng đều thích mê, hơn nữa sự vui tính, tận tâm của cô Bích cũng khiến các thực khách khó tính luôn hài lòng.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất