Thủ khoa ĐH Ngoại Thương: "Chan bún 3 tháng thì được, cả đời thì không"
Anh còn có trong tay hai tấm bằng đại học xuất săc ngành Kinh tế và Luật, cùng một “mớ” trải nghiệm thực tiễn.
Hoàng Đình Quang - Thủ khoa của trường Đại học Ngoại thương
Kiên trì làm công việc đúng ngành, đúng trình độ dù lương thấp hay làm nhân viên chan bún với mức lương khá từ 5, đén 7 triệu? Đâu mới là lựa chọn khôn ngoan?
Cùng trò chuyện với Hoàng Đình Quang (sinh năm 1994, quê Thái Bình), thủ khoa đầu ra trường Đại học Ngoại thương Hà Nội (năm 2016), là người phá vỡ kỷ lục điểm số 50 năm của ngôi trường này, là chủ nhân của cuốn sách giáo dục 1200 trang, tái bản ba lần và hiện là trợ lý tổng giám đốc với mức lương nghìn đô, xung quanh câu chuyện này:
- Anh nghĩ sao về phép so sánh, lương cử nhân mới ra trường thấp hơn cả lương nhân viên chan bún?
Đó là phép tính ngắn hạn. Đa số cử nhân đều hy sinh mức lương hiện tại để đổi lấy thu nhập cao hơn trong tương lai.
Lương của họ cao thật nhưng dù tăng ca đến mấy cũng không vượt quá 10 đến 12 triệu/tháng và mức lương đó không tăng theo thời gian. Trong khi đó, cử nhân nếu chăm chỉ học hỏi, kiến thức và kinh nghiệm ngày càng vững thì mức lương họ nhận được là khó đoán trước.
Chưa kể đến 35–40 năm sau, họ rất dễ bị thay thế. Với công việc lao động phổ thông, chủ xí nghiệp muốn mướn người trẻ hơn là người có kinh nghiệm.
"Phải chịu khó thực tập, lăn xả vào công việc thì khi ra trường mới có kinh nghiệm, mức lương được trả đủ để sống và tiếp tục phấn đấu"
- Nhiều nhà tuyển dụng “hô to”, cử nhân mới ra trường đừng nhìn vào lương mà hãy xem mình học hỏi được gì. Nhưng nếu mức lương được trả quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống thì làm sao để học hỏi và cống hiến?
Có hai vấn đề, một là, chủ lao động đừng tuyển người theo kiểu “bắt chanh bỏ vỏ”, chỉ muốn thuê người đã có kinh nghiệm. Họ nên biết, sinh viên mới ra trường ít kinh nghiệm nhưng khả năng học hỏi lại cao, nền tảng tốt. Nếu các họ chịu tin vào tiềm năng của các bạn ấy thay vì nhìn vào giá trị sử dụng hiện tại thì sẽ thu được lợi ích dài hạn hơn.
Hai là, bản thân sinh viên trong 4 năm học đừng chỉ cắm đầu vào cuốn sách. Phải chịu khó thực tập, lăn xả vào công việc thì khi ra trường mới có kinh nghiệm, mức lương được trả đủ để sống và tiếp tục phấn đấu.
- Với những sinh viên trót lười biếng, thiếu năng động trong 4 năm học, ra trường lương chẳng đủ sống thì liệu đi làm công nhân hay nhân viên chan bún với mức lương 5 - 7 triệu có phải là lựa chọn tốt?
Đó là suy nghĩ ngắn hạn. Họ nên nhờ gia đình chu cấp thêm một thời gian nữa để được đi làm công việc đúng trình độ, chịu khó va vấp và học hỏi.
Còn nếu mà gia đình lại quá nghèo, không lao động thì không có ăn, mà lại vẫn muốn quay về làm việc đúng ngành học thì buộc phải nỗ lực gấp 2, gấp 3 lần.
Phải học mà bù lại 4 năm lười biếng đó, sáng chiều chan bún, tối học chuyên môn, ngoại ngữ, rồi cũng sẽ có cơ hội đến với chuyên ngành của mình.
Như tôi, quãng đời sinh viên tưởng như đã quá nỗ lực để giờ có một công việc tốt, mức lương ổn nhưng tôi lại phát hiện, mình vốn lười học ngoại ngữ. Và thế là bây giờ, ngày làm 8 tiếng, tối đến vẫn phải thức đêm để tự học tiếng Anh.
"Có năng lực mới có quyền ngã giá"
- Theo bạn, ngoài quan điểm “làm gì cũng là làm, miễn đúng luật và lương ổn”, các bạn trẻ còn có nhìn nhận sai lạc nào nữa về chuyện việc làm?
Tôi không dám nói đó là sai lạc, có thể là một sự hiểu lầm thôi. Nhiều bạn ra trường, được tuyển vào các công ty ngước ngoài, lương khởi điểm cao. Nhưng quả thật, họ chỉ là con ốc vít trong một cỗ mày khổng lồ, mọi thứ đã được chuyên nghiệp hóa nên cơ hội học hỏi, sáng tạo, phá cách là rất ít.
Ngược lại, nhiều bạn đi làm ở các công ty nhỏ, không oai, lương không cao nhưng lại được thử sức ở nhiều mảng, tiếp xúc với thực tế và học hỏi được nhiều hơn. Về lâu về dài, lương của họ sẽ tăng lên tương xứng với năng lực.
Cử nhân ra trường, đúng là đừng đặt nặng chuyện lương lậu mà nên xem nơi nào mình học được nhiều hơn. Mà thực sự, tôi không hiểu các bạn cần lương bao nhiêu để trang trải cuộc sống. Riêng tôi, chỉ 2,5 đến 3 triệu là đủ rồi. Năng lực chưa có, không thể mơ lương cao. Có năng lực mới có quyền ngã giá.
- Tốt nghiệp thủ khoa trường ĐH hàng đầu cả nước với hai tấm bằng đại học xuất sắc ngành Kinh tế và Luật, cùng một “mớ” danh tiếng về thành tích khủng, chắc hẳn anh từng nghĩ về mức lương khởi điểm cao?
Không hề! Tôi còn lo mình thất nghiệp, thậm chí là lo ngay ngáy, cho dù, sau 4 năm đại học, bằng cấp tôi có đủ, tài chính tôi vững vàng và giá trị bản thân cũng chẳng thiếu. Và tôi vẫn lo mình thất nghiệp chứ chưa nói gì đến mưu cầu lương khởi điểm cao.
- Bằng cấp có đủ, tài chính vững vàng, giá trị bản thân không thiếu, vậy anh lo thất nghiệp vì điều gì?
Vì năng lực của tôi không giống các bạn. Thời sinh viên, các bạn tham gia hoạt động nhiều, đi làm khắp nơi, kinh nghiệm nhiều lắm. Các bạn có quá nhiều điều để viết trong CV và kể khi tham gia phỏng vấn. Các bạn toàn thực tập ở những công ty lớn, còn tôi chỉ đi làm ở một vài công ty “siêu bé”.
Tôi lại chẳng có thời gian thực tập, ngoại hình xấu xí, Tiếng Anh chưa thật sự ổn.
Và quan trọng nhất là, tôi bị áp lực bởi danh hiệu thủ khoa và hai tấm bằng xuất sắc. Mọi người chỉ thấy tôi có cái danh đó, biết đến tôi qua một vài bài báo, thậm chí có thể nghĩ “tên thủ khoa này chắc lại mọt sách thôi”. Lo lắng lắm chứ không có chuyện tự tin đâu.
"Đừng chỉ nhìn vào lương bổng"
- Vậy một thủ khoa xuất sắc như anh đã làm gì để thoát khỏi nỗi lo ấy?
Tất nhiên tôi không ngồi đợi, không thể nghĩ mình là thủ khoa thì người ta sẽ tìm đến tận nhà giao việc được. Lo lắng một hồi, tôi tự đưa ra cho mình ba sự lựa chọn. Một là, đi du học. Hai là, rải CV xin việc, đi làm cho một công ty nào đó để học hỏi. Ba là, làm dự án cá nhân.
Cuối cùng, tôi chọn phương án cuối cùng bởi, còn trẻ thì cứ thử, sai cũng được.
- Thế nhưng bây giờ, anh lại là trợ lý tổng giám đốc của một công ty lớn gần 1000 nhân sự. Khi gặp gỡ nhà tuyển dụng, anh có đề ra một mức lương khởi điểm cụ thể? Và anh mong muốn mức lương là bao nhiêu?
Tôi không nghĩ đến đó để xin việc mà chỉ cho rằng đó là một cuộc gặp gỡ. Xin kể một chút về cuộc phỏng vấn hôm đó, thật sự “khủng” vì có một tổng giám đốc, 2 phó tổng, 1 trợ lý tổng, 1 chuyên viên tuyển dụng.
Họ bảo tôi giới thiệu về bản thân, tôi chỉ nói 2 ý là: tốt nghiệp thủ khoa và có hai bằng đại học. Tôi biết, người ta đánh giá cao trải nghiệm kinh doanh chứ chẳng để ý đến thành tích đâu.
Rồi tôi kể về những trải nghiệm có được khi tư vấn, hỗ trợ cho các vụ việc tranh chấp lao động và hôn nhân gia đình, trải nghiệm khi hỗ trợ marketing, kinh doanh cho các công ty... từ thời còn là sinh viên.
Tôi cũng kể về dự án cá nhân mình đang làm, họ bảo dự án ấy không khả thi. Tôi phản bác trực tiếp, tiết lộ kế hoạch cụ thể … Nói chung, cá tính tôi rất mạnh.
Họ hỏi tôi về mức lương mong muốn, tôi bảo: “Bạn em làm kiểm toán cho một công ty lớn, lương khởi điểm là 7,5 triệu nên em cũng chỉ đề xuất mức lương đó”.
Vị tổng giám đốc nói, người như tôi chỉ phù hợp để làm thứ gì đó của riêng mình nhưng nếu đi làm cho doanh nghiệp thì mức lương 15 đến 20 triệu/tháng mới xứng với năng lực của tôi.
Tôi vui vẻ ra về, cuối cùng, 1 tháng sau họ gọi tôi đi làm với vị trí trợ lý, lương khởi điểm không tệ.
- Nếu họ tuyển anh vào làm với mức lương 7,5 triệu/tháng thật, anh sẵn sàng làm chỉ để học hỏi không?
Có thể có cũng có thể không (cười), còn tùy vào việc tôi học hỏi được gì nữa. Tất nhiên, khi đó tôi cũng đã có dự án riêng nên dễ lựa chọn hơn!
- Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Video được xem nhiều nhất