Thiếu gia 17 tuổi muốn bước ra khỏi cái bóng của bố

Zing - 15/10/2015, 16:46

Được gia đình định hướng và bằng sự nỗ lực của bản thân, Khải Văn làm quen với việc marketing xe ôtô từ năm 15 tuổi.

Sinh năm 1998, Nguyễn Khải Văn khiến bạn bè ngưỡng mộ khi có thể vừa học vừa phụ giúp bố trong công việc kinh doanh. 9X cho hay, cậu có 2 năm kinh nghiệm trong vai trò marketing xuất nhập khẩu xe ôtô. 

17 tuổi, Khải Văn đã có hai năm kinh nghiệm về marketing. Ảnh: K.N.

2 năm trước, mặt "búng ra sữa"

Khi còn quá trẻ mà tiếp xúc với những công việc buôn bán cần sự tư duy cao, va chạm cuộc sống, Khải Văn vấp phải không ít ý kiến về năng lực thực sự. 

Cậu cho biết: "Công việc này do bố tôi gợi ý, bản thân cũng hiểu và chủ động muốn làm để tích lũy kinh nghiệm mai sau, có thể đứng vững hơn trên môi trường cạnh tranh khắc nghiệt".

Ban đầu, chàng trai Hà thành phải tìm hiểu cách tính thuế ôtô nói riêng và các sản phẩm khác khi nhập khẩu về Việt Nam. Hơn nữa, khó khăn nhất cậu gặp là phải tra cứu rất nhiều từ tiếng Anh liên quan đến chuyên ngành. "Tôi phải tự học những điều luật xuất nhập khẩu, nó khá phức tạp, còn các loại thuế và cách tính thì cũng mất 1-2 tháng mới quen dần" - cậu kể.

Khải Văn cho hay, 2 năm trước, ai cũng bảo gương mặt cậu nhìn "búng ra sữa". Tuy nhiên, với sự quyết tâm khẳng định bản thân, cậu tự tin diện áo vest gặp vị khách hàng đầu tiên, một doanh nhân 50 tuổi người nước ngoài. Họ không khỏi thắc mắc về độ tuổi của Văn ngay khi gặp mặt. Nhưng đó cũng không là vấn đề quá lớn, với các kiến thức do bố, mẹ truyền đạt từ trước, cậu học trò 15 tuổi khi ấy thực hiện thành công đơn hàng sau 45 phút trao đổi.

5 tháng sau, vị khách này tiếp tục đặt đơn hàng. Lần này, Khải Văn có thể tự tay xử lý.

Bằng sự nỗ lực và giúp đỡ của gia đình, Khải Văn dần quen với công việc marketing. Ảnh: NVCC.

Bố Khải Văn - Yu Li Chin (48 tuổi) - cho biết, lúc đầu ông khá băn khoăn khi gợi ý con trai sớm làm kinh doanh. Tuy nhiên, do phần công việc khá dày đặc và muốn người kế nhiệm có tầm nhìn sâu rộng sau này nên ông không ngần ngại.

"Với tôi, va chạm sớm thì "khôn" sớm. Chúng ta không nên bỏ hoang phí thời gian tuổi trẻ của con cái vì chỉ sợ chúng vấp ngã. Một thời gian sau, nhận thấy việc học của Văn không bị ảnh hưởng nên tôi ủng hộ cho con tiếp tục" - ông nói.

Dành 30% thời gian học, 70% lo kinh doanh

Hồi tiểu học, do bố mẹ nuông chiều, nên Khải Văn thường ỷ lại. Cậu lười vận động, chỉ biết ăn và ngủ. Đến giai đoạn phát triển, được mặt rèn luyện từ gia đình, chàng trai dần có nhận thức về công việc, sự nghiệp tương lai. 

"Tôi và Khải Văn cùng đầu tư làm chung một số mảng liên quan tới bất động sản. Cả hai chơi thân với nhau hơn 5 năm, Văn có mỗi tính xấu là có cái tôi quá lớn... Nhưng dù sao, chúng tôi sẽ cố gắng đạt được những mục tiêu đề ra trước khi chia tay" - John Paul (sinh năm 1998, học chuyên ngành Tài chính và Kiểm toán tại Australia).

Đang học lớp 12 cuối cấp, nhưng Khải Văn không tạo áp lực cho bản thân vào những kỳ thi quan trọng sắp tới. Anh quan niệm, giữ tinh thần thoải mái, nắm vững kiến thức cơ bản thì sẽ không bao giờ "trượt". Hai năm lớp 10 và 11, chàng học sinh của THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội), từng giữ vị trí nhất nhì lớp về thành tích học tập.

"Tôi dành khoảng 30% thời gian học tập ở nhà và 70% vào những việc liên quan tới kinh doanh phụ giúp bố, bất động sản... Có thể nhiều bạn sẽ nói việc học của tôi khá ít, một ngày 24h, nhưng có khi tôi vừa làm vừa học đến 11-12h" - chàng trai 17 tuổi tâm sự.

Cô Đặng Tuyết Minh, giáo viên chủ nhiệm của Khải Văn cho biết, 3  năm liền phổ thông, cậu đều là lớp trưởng gương mẫu của lớp. "Văn có trách nghiệm với công việc, hòa đồng và nhiệt tình giúp đỡ bạn bè" - cô cho hay.

Tương lai, Khải Văn sẽ đi theo hướng kinh doanh của bố. Ảnh: K.N.

Về ngôn ngữ, Khải Văn biết thuần thục hai thứ tiếng là Anh và Trung Quốc. Xác định tương lai sẽ theo nghiệp kinh doanh, nên cậu luôn chú tâm trau dồi nhiều ngôn ngữ khi còn trẻ.

Nhiều nhận định cho rằng, làm việc quá sớm khi còn non kinh nghiệm sẽ ảnh hưởng đến mặt tâm lý. Tuy nhiên, điều Khải Văn nhận lại được nhiều hơn là cho đi. Theo đó, công việc giúp cậu biết đối nhân xử thế, rèn luyện kỹ năng quan sát và lắng nghe, cách giải quyết các bài toán kinh doanh; việc chi phối tiền nong cũng hoàn thiện hơn - điều này lúc trước Văn chưa thực hiện một cách tử tế, thỉnh thoảng vẫn chi tiêu hoang phí.

"Trong suốt những năm học cấp 3, Khải Văn đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong cuộc sống. Lúc đầu tôi cứ tưởng Văn là con nhà giàu chảnh chọe, nhưng không ngờ cậu lại hòa đồng và hào phóng" - An Đức Nghĩa nhận xét về bạn của mình.

Việt Nam là nơi đáng để sống

Hiện Khải Văn sinh sống cùng mẹ và ông bà ngoại tại Hà Nội. Bố cậu làm công ty nhập khẩu ôtô từ Mỹ và Đức. Chàng trai cũng may mắn khi được thường xuyên sang tận nơi làm việc của bố, tiếp cận với môi trường quốc tế.

Khải Văn chia sẻ, các nhân viên tại đây khá thân thiện, nhiệt tình chỉ dạy cậu nhiều điều. "Lúc đầu tôi cũng sợ sẽ không được trọng dụng, nhưng kết quả lại không như thế, bây giờ tôi và mọi người trong công ty đều có mối quan hệ thân thiết" - cậu cho biết.

Bố là người luôn đồng hành và định hướng trong công việc, học tập của chàng trai 17 tuổi. Ảnh: Yu Li Chin.

9X Hà thành tiết lộ, cậu có tính tự lập từ năm lớp 9. Các công việc đều do cậu tự giải quyết, trừ những vấn đề liên quan đến khoản tiền lớn thì mới nhờ tới sự giúp đỡ của bố mẹ.

Hết cấp 3, chàng trai xác định sẽ theo học tài chính và kinh doanh quốc tế, tốt nghiệp cử nhân, cậu tiếp tục phấn đấu để có bằng thạc sĩ.

Vừa qua, chàng trai lớp 12 cũng được bố tặng một chiếc xế hộp nhân dịp sinh nhật, nhưng đến năm sau cậu mới đủ tuổi sử dụng. "Với mức lương kiếm được tôi sắm đồng hồ và một vài món đồ công nghệ yêu thích. Số còn lại tôi bỏ vào tài khoản tiết kiệm để làm vốn, kinh doanh sau này" - cậu bày tỏ.

Trong cuộc sống và quá trình tập tành "làm việc lớn", Khải Văn luôn có sự đồng hành, âm thầm bên cạnh giúp đỡ từ bố. Đó cũng là cái bóng lớn nhất mà 9X khó có thể thoát khỏi. Đấng sinh thành từng nói với Văn rằng: "Bố sẽ truyền đạt hết cho con những gì mà bản thân có được, với điều kiện là con phải cố gắng không ngừng. Bố và con vẽ ra những ước mơ, và chúng ta phải cùng thực hiện nó".

Song, chàng trai Hà thành tâm sự, khi bước vào giảng đường đại học, bên cạnh việc thay bố tiếp quản công ty, cậu sẽ tự đi làm thêm ở bên ngoài. "Ai chẳng thích cái bóng cao cả của bố luôn bên cạnh che chở. Nhưng liệu bố có thể mãi đi theo mình, vì vậy, làm việc gì, bản thân cũng cần có chính kiến" - cậu học trò sinh năm 1998 tỏ ra chững chạc.

Đối với Khải Văn, Mỹ là một nơi lý tưởng để an cư lập nghiệp, nhưng Việt Nam cũng đáng sinh sống. Vì vậy, sau này khi công việc ổn định, cậu sẽ quay về nước để kinh doanh, góp phần xây dựng quê hương.

"Điều gì khiến anh tự hào nhất về bản thân?

- Cái tôi là một phần quan trọng để tạo nên Khải Văn của ngày hôm nay, bản thân tự hào vì điều đó, nhưng đôi lúc cũng rất thất vọng vì chính nó. Cái tôi là con dao hai lưỡi, khi đem lại rất nhiều lợi ích trong cuộc sống, nhưng mặt khác lại "xát muối" lên những mối quan hệ xung quanh". Fanpage Humans of Nguyễn Siêu phỏng vấn Khải Văn.

 

 

 

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất