Thi trượt - muốn khóc, hãy cứ khóc đi!
Thấy buồn, cứ buồn - muốn khóc, cứ khóc. Không gì ngăn cản các bạn đối diện với thực tế với một tâm thế thành thật, trước tiên là với bản thân mình.
Trong thời khắc này, nhiều thí sinh đã thở phào khi vượt qua bước ngoặt khó khăn, nhiều thí sinh còn hồi hộp chờ điểm chuẩn và nhiều thí sinh ngậm ngùi với kết quả trượt tốt nghiệp THPT hoặc trượt đại học. Và những người chưa thành công là những người tôi muốn chia sẻ trong bài viết này.
1. Ai đó sẽ khuyên các bạn rằng Bill Gates, Steve Jobs, Mark Zuckerberg... từng dở dang sự học. Thế giới này đã được thay đổi bởi những “kẻ thất học” như thế. Đây là những lời động viên sáo rỗng, xa rời thực tế. Vì đó là những khối óc thiên tài hiếm có. Và chính họ cũng ưu tiên tuyển những nhân viên có bằng Đại học loại ưu vào công ty của mình khi họ đứng trong vai trò nhà tuyển dụng. Nên, hãy nhìn thẳng vào thực tế, các bạn trượt rồi, đừng bị lừa mị.
Ảnh minh họa. |
Hoặc những người thân thiết sẽ động viên chúng ta “học tài thi phận”. Người tài là người phải thắng trận cần thắng, phải biết vượt qua mọi nghịch cảnh để vươn tới kết quả mình cần. Trong hệ thống giáo dục này, 12 năm học vừa qua, có “trận chiến” nào quan trọng với các bạn kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua? Tôi nhắc lại, các bạn đã trượt rồi, đừng tự huyễn hoặc nữa!
Một vài người khác sẽ vỗ về “quân tử trả thù 10 năm chưa muộn”. Đây là lời dạy của Khổng Tử cách đây hơn 2000 năm. Trong xã hội hiện đại, việc bạn chậm 15 phút trong một cuộc hẹn quan trọng, có khi bạn phải đánh đổi hơn 10 năm rất nhiều lần. Nên, các bạn đừng bị ru ngủ bởi những lời lẽ kiểu này.
Cũng có người bảo bạn đừng buồn, thành bại là chuyện thường. Tôi đồng ý rằng trong cuộc sống ai cũng trải qua thất bại, nhưng hỏng thi sao không buồn cho được?
2. Tôi nói tất cả những điều trên không phải để các bạn nhụt chí, nao lòng. Tôi muốn các bạn nhìn thẳng vào thực tế và vượt qua thời khắc khó khăn này. Thấy buồn, cứ buồn; muốn khóc, cứ khóc.
Không gì ngăn cản các bạn đối diện với thực tế với một tâm thế thành thật, trước tiên là với bản thân mình. Sự thành thật trước thất bại này là trải nghiệm quý giá vô cùng trên con đường đời dài dặc sau này. Và xã hội này cũng cần những con người thất bại mà thành thực hơn những cử nhân thích khoe khoang, sĩ diện hão.
Ảnh minh họa. |
Các bạn đều đã 18 tuổi và bắt đầu chập chững những bước đi tự lập đầu tiên vào đời. Có những người kiêu hãnh với khởi đầu thuận lợi, có người đi những đoạn đường đầu gập ghềnh hơn. Song, dù thất bại, đừng để bị lừa mị bằng những lời động viên tâng các bạn lên mây và “trượt là do cơ chế”.
Cũng đừng ủ ê rằng mình sinh nhầm thời hay đổ lỗi cho hoàn cảnh. Hãy nhìn vào thực tại thô ráp, gồ ghề về thất bại rồi gắng gỏi bước qua nó. Lúc đó, các bạn sẽ thấy rõ hơn giá trị bản thân mình và tự tin coi thất bại là một bài học chứ không phải lảng tránh mỗi khi có người hỏi về chuyện thi cử.
Quan trọng hơn, Đại học không phải “trận chung kết cuối” của cuộc đời nếu đỗ Đại học mà xong hoài bão thì đời vô vị lắm! Cũng như vậy, trượt Đại học không đồng nghĩa với mọi cánh cửa đã khép lại với tương lai. Chỉ một cánh cửa (tất nhiên khá lớn) khép lại tạm thời- cửa giảng đường. Nhưng cánh cửa này khép lại, vô vàn cánh cửa khác với bao tiềm năng và ẩn họa khác lại mở ra. Ý chí tự cường và nghị lực con người khi bạn bước qua chông gai trong thời khắc này là chìa khóa cho mọi cánh cửa sau này.
Và nói như một nhà báo: “Nếu không đi hết nỗi đau thất bại của ngày hôm nay, anh sẽ không được hưởng niềm hạnh phúc trọn vẹn trong chiến thắng ngày mai”.
Điều này tin được, vì đó là logic cuộc đời.
Video được xem nhiều nhất