Thâm nhập "tổng kho tiên dược làm đẹp" khiến chị em phát cuồng
Người đưa tin -
22/05/2015, 16:56
Vài năm gần đây, khi đời sống được nâng cao, chị em phụ nữ đã chú ý hơn đến nhu cầu làm đẹp của mình, đặc biệt là với người ở thành thị.
Một trong muôn vàn cách thức để “ngày một đẹp hơn” thì đa phần chị em tìm đến “thuốc tiên” collagen và coi đây là giải pháp tối ưu cho cuộc đại tu nhan sắc của mình. Tuy nhiên, nhiều người đã vỡ mộng bởi “thuốc tiên” này vì thị trường thật giả biến ảo khó lường…
Nắm bắt được nhu cầu khủng khiếp trên, thị trường collagen đã bùng nổ một cách chóng mặt với vô vàn những mặt hàng, chủng loại mẫu mã và tiếp thị đến tận tay người tiêu dùng bằng nhiều phương cách khác nhau. Khi bán hàng, bất cứ nhà phân phối nào cũng dùng những mỹ từ đẹp nhất, tuyệt vời nhất để ca ngợi sản phẩm của mình và thường thì ai cũng nói đó là hàng xách tay, chính hãng, được nhập khẩu từ Nhật, Mỹ, Úc cùng một số nước Châu Âu…
Tuy nhiên, thực tế thì không phải như vậy bởi qua điều tra, phóng viên đã phát hiện nhiều sự thật kinh hoàng từ “thủ phủ bào chế thần dược” được chị em phụ nữ phát cuồng này. “Thủ phủ” ấy không phải là ở các nước có truyền thống sản xuất mặt hàng collagen như đã kể trên mà là tại các cơ sở làm mỹ phẩm giả, kém chất lượng ở ngay sát bên kia biên giới…
Mỹ phẩm làm đẹp đựng bằng… can
Trước khi có chuyến thực tế này, chúng tôi đã được ông Hoàng Văn Sơn – Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn cho biết, hàng năm, đơn vị bắt được hàng trăm vụ kinh doanh, vận chuyển, buôn bán mỹ phẩm giả, nhái, trong đó có nhiều loại mỹ phẩm làm đẹp, làm trắng da đang được chị em phụ nữ săn lùng.
“Toàn là mỹ phẩm của nước ngoài không rõ nguồn gốc đưa sang. Không phải nói ngoa chứ có đợt bắt và đi tiêu huỷ hàng ô tô mỹ phẩm. Bắt nhiều, tiêu huỷ nhiều, ấy vậy mà giới buôn lậu vẫn tìm cách tuồn sang”, ông Sơn cho biết.
Mỹ phẩm dưỡng da, làm trắng da có chứa hợp chất collagen đang là món hàng được săn lùng nhiều nên giới buôn lậu cũng dựa vào đó mà hoành hành. Ông Sơn cho biết, mỹ phẩm giả có rất nhiều loại, trên bao bì loại thì ghi chữ Thái, loại chữ Hàn và có loại còn ghi cả Nhật... Có loại đựng cả vào can, màu đục, quánh, không có nhãn mác. Có đợt, sau khi đổ mỹ phẩm xuống hố tiêu huỷ, nhân viên chi cục còn thu được cả tiền bán can để sung vào quỹ đoàn…”.
Một hộp mỹ phẩm toàn chữ Hàn, nhưng được pha chế tại Trung Quốc.
Nhiều năm trong nghề, tuy nhiên, theo ông Sơn, những thứ được cho là “mỹ phẩm” trên thực tế nhiều loại đơn vị ông cũng chẳng thể biết đó là “tạp chất” gì. Khi bắt được chủ hàng hoặc người vận chuyển họ nói sao thì cũng chỉ biết nghe vậy. Còn việc người ta vận chuyển cả can mỹ phẩm về nước, chắc chắn ai cũng hiểu, chả ai bán cả can, thay vào đó, người ta pha chế, đóng gói nhỏ, dán nhãn mác và hô biến thành sản phẩm nhập ngoại với giá trên trời. Cũng không loại trừ sản phẩm mà nhiều “bà mẹ” rêu rao trên các mạng rằng đây là hàng xách tay, hàng nhập ngoại,… mỗi người mỗi kiểu lăng xê cho sản phẩm của mình nên mỹ phẩm nào là thật, mỹ phẩm nào là dởm, quả rất khó phân biệt.
Ông trùm mỹ phẩm dởm vùng biên
Lang thang tại chợ Đông Kinh, chợ Đồng Đăng (Lạng Sơn), khi hỏi về những loại mỹ phẩm có thành phần hợp chất khiến phụ nữ “trẻ mãi không già” ấy, tôi đã nhận được sự chỉ dẫn tận tình của các đầu mối bán lẻ. Theo đó, họ nói, nếu muốn mua tận gốc, mua số lượng lớn thì cứ qua khu chợ Việt Trung (Tân Thanh) và hỏi một người được cho là “ông trùm” của loại hàng này… Đất biên giới có khá nhiều người kinh doanh mỹ phẩm, nói đúng ra là tự pha chế hoặc lấy từ xưởng pha chế chui bên Trung Quốc rồi hô biến thành mỹ phẩm ngoại. Nói về các ông trùm này, người ta nhắc nhiều đến cái tên D có vợ là H. Ông trùm này có thị phần làm ăn lớn, chủ các đại lý từ khắp nơi mườn mượp kéo đến, có người còn lấy cả ô tô hàng. D có thâm niên kinh doanh “mỹ phẩm dưỡng da” hàng chục năm, thậm chí ông chủ này có hẳn một xưởng pha chế mỹ phẩm nhưng được đặt bên kia biên giới.
Hộp mỹ phẩm toàn chữ Hàn, nhưng được pha chế tại Trung Quốc
Tôi tìm đến cửa hàng trưng bày mỹ phẩm của D tại khu chợ Việt Trung. Có lẽ nhìn vào gian hàng, ai cũng thấy choáng ngợp, đủ loại màu sắc, đủ loại mỹ phẩm. Tuy nhiên, đây mới chỉ là số ít mỹ phẩm do xưởng của D pha chế. Còn nhiều, rất nhiều sản phẩm khác do D pha chế đã được tung ra thị trường nhưng không được bày ra đây bởi lý do “quy ước làm ăn”.
D không có ở cửa hàng, vợ chồng ông trùm này xuống Hà Nội bàn chuyện làm ăn. Thông tin đó là do Th, là cháu ruột D, người quán xuyến và quyết định tất cả mọi việc tại gian hàng này khi vợ chồng ông trùm mỹ phẩm đi vắng nói cho tôi hay.
Thích hàng nước nào chỉ việc… thay nhãn
Tại cửa hàng, quan sát tôi thấy Th đang bóc nhãn mác có chữ Trung Quốc ra khỏi một hộp mỹ phẩm có mẫu mã vô cùng bắt mắt. Gỡ bỏ nhãn mác cũ, Th thay bằng nhãn mác mới có chữ Hàn Quốc. Nhìn lọ mỹ phẩm trên không ai có thể biết đó là hàng nhái và càng không thể biết lọ mỹ phẩm ấy lại được sản xuất tại một cơ sở thơ sơ của ông chủ D. Quan sát, tôi thấy trên kệ hàng có gần trăm sản phẩm, có giá từ một trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng. Các loại mỹ phẩm này được in dưới nhiều mẫu mã khách nhau, ngôn ngữ thể hiện chủ yếu bằng chữ Thái, Hàn, Nhật. “Tất cả các loại mỹ phẩm làm trắng da ở đây đều là tự pha chế và vận chuyển từ Trung Quốc về”, Th không giấu khi tôi nói rõ tên người đã giới thiệu mình tới đây để “ăn hàng”.
Cầm vài lọ mỹ phẩm dưỡng da được cho là có hợp chất collagen có chữ Hàn, tôi hỏi: “Có cả mã vạch cơ à, nhưng mà loại này có phải do mình tự pha chế không?”. “Dĩ nhiên là có mã vạch rồi. Đánh lừa người mua cả thôi, thấy mã vạch, người ta mới yên tâm mua, gì chứ in mã vạch thì có khó gì đâu”, Thắm tiếp lời. “Còn cả chữ Thái, Nhật nữa?” - “Ôi dào, bây giờ cứ nhìn thấy chữ Tàu thì người ta hoảng, chả ma nào muốn ngó ngàng đâu. Chữ gì là do mình tự in mà, in chữ Hàn, Nhật, Thái người ta mua liền, thậm chí không có hàng mà bán ý chứ. Mà chắc anh cũng biết, các loại mỹ phẩm tắm trắng, dưỡng da là thương hiệu của những nước này mà, mình cũng dựa vào đó mà làm ăn thôi” - Th chia sẻ bí quyết.
Tôi phàn nàn với Th, đang khát nguồn mỹ phẩm dưỡng da, tắm trắng có collagen loại rẻ mà hiệu quả để về bán cho đối tượng mới tập tễnh dùng mỹ phẩm, như công nhân, sinh viên, hoặc làm nhái một số loại mỹ phẩm danh tiếng từ Đức, Mỹ nhưng chưa biết ở đâu có. Lúc này Th mới quả quyết: “Nhà em làm được mà. Nhà em có cả một xưởng pha chế mỹ phẩm. Em biết, một số nơi đang kháo nhau về mỹ phẩm tắm trắng có chứa tinh chất collagen, loại này nhà em cũng làm được. Anh có thể đặt hàng, nhà em pha chế cho…”.
Và để đi đến kết luận, Th tiếp tục giới thiệu năng lực của mình: “Mỹ phẩm tắm trắng thì nhiều, chất lượng như thế nào là do anh chọn, trắng siêu nhanh hay siêu trắng nhanh đều có, tất cả phụ thuộc vào ý tưởng kinh doanh của anh. Anh cứ ra yêu cầu, nhà em pha chế cho. Không có gì nhà em không làm được cả, kể in ấn, mẫu mã cho đến việc cho ra lò một loại mỹ phẩm tắm trắng mới toanh là chuyện quá dễ dàng”.
Bất cứ ai muốm mở đại lý hoặc đặt hàng với số lượng nhiều, nhà Th đều đáp ứng được hết. Th kể rằng, khách hàng từ khắp nơi tìm về cửa hàng nhà cô. Họ đặt tiền rồi ông chủ D chuyển vào xưởng để pha chế. Những loại mỹ phẩm do xưởng nhà Th làm ra bán rất chạy, có lúc chủ các đại lý dưới Hà Nội còn gọi lên “mắng” vì “tội” sản xuất chậm, khách hàng mua nhanh quá, không có hàng để bán.
Nói rồi Th bảo, gần trăm sản phẩm thế này đấy nhưng còn rất nhiều sản phẩm nhà em không bày ra đây, bởi vì đó là những sản phẩm độc quyền mà bên em đã cam kết với chủ các đại lý phân phối, tức họ đặt nhà em làm cho họ và họ là nhà phân phối độc quyền luôn. Nếu nhà em đem ra bày bán hoặc bán cho người khác là vi phạm quy ước làm ăn.
Minh Võ/ PLO
Video được xem nhiều nhất
Bình luận