Thảm cảnh đái bậy giữa phố phường Hà Nội
Dù là đàn ông hay phụ nữ, thì việc thản nhiên cởi quần rồi xử lý nỗi buồn đều có các điểm chung như: giữa ban ngày ban mặt, và đều ở những con phố có lượng người lưu thông đông đúc.
Đái bậy – Choáng từ đàn ông cho tới phụ nữ
Người viết bài còn nhớ, cách đây vài năm, trên những bức tường nhà dân, khu vui chơi công cộng vẫn còn tồn tại dòng chữ in trên tường hoặc có trên cái biển, đặt chễm chệ. Dòng chữ với nội dung khiến khách nước ngoài có thể lầm tưởng đây là một phố của người Hà Nội: "Cam Dai", hay tạm dịch là Cấm Đái.
Giờ thì những dòng chữ "Cấm đái", "Cấm đái bậy", hay "Ở đây cấm đái bậy" – từng khiến chúng ta xấu hổ đến tím người trước bạn bè nước ngoài, đã mất dần trên các con phố, những bức tường. Thi thoảng lắm mới trông thấy ở một đoạn phố xa thật xa nào đó. Cứ tưởng điều nghiêm cấm đáng xấu hổ ấy đã hoàn toàn biến mất, khi mà cuộc sống của chúng ta ngày càng trở nên hiện đại, văn minh hơn.
Người đàn ông mặc vest bảnh bao dừng xe xuống tè bậy giữa đường (Ảnh: facebook PX)
Thế nhưng, có lẽ dòng chữ Cấm đái ngày nào thì trở nên lỗi mốt, nhưng thói quen tiểu bậy giữa đường phố, giữa thanh thiên bạch nhật của một bộ phận người dân vẫn chưa bao giờ là… lạc hậu. Một điều rất hiển nhiên là khi ở trạng thái "không nhịn nổi", người ta sẵn sàng gạt bỏ những ánh mắt khó chịu, đang tròn lên ngạc nhiên vì phải chứng kiến cảnh mà đáng lẽ chỉ tồn tại ở nhà vệ sinh – để quyết tâm "giải quyết nỗi buồn".
Tháng trước, cảnh một người đàn ông mặc vest bảnh bao vô tư bước ra khỏi ô tô giữa đường Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) rồi xuống "tè bậy", đã khiến người ta không khỏi bị sốc. Nếu không nhìn kỹ vào biển số, người viết bài thú thật là tưởng đang ở khu dân cư nào bên nước ngoài vì trong ảnh có khung cảnh cơ sở hạ tầng giao thông khá hiện đại, xa xa là toà nhà cao tầng cũng hiện đại không kém. Chỉ có điều, biển số xe 30A… thế kia thì chắc chắn là người Việt mình rồi! Ôi, tím mặt thay vì xấu hổ. Anh mặc vest bảnh bao bỗng chốc nổi tiếng vì bức ảnh anh đái bậy được share tới hàng trăm diễn đàn mạng và hàng nghìn người sử dụng mạng xã hội.
Rồi tiếp tục, ảnh một người đàn ông đứng cạnh chiếc xe biển xanh trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) thản nhiên tè bậy giữa đường, đã khiến cộng đồng mạng lên án gay gắt. Người ta phẫn nộ thực sự, quyết truy tìm ra nhân vật bị đứt dây thần kinh ngượng này, và phạt thật nặng để làm gương. Chuyện phạt người tè bậy không phải là chưa có.
Người đàn ông tè bậy giữa đường Nguyễn Trãi (Ảnh: TQT)
Người đàn ông mặc vest thản nhiên tiểu bậy giữa đường phố Huỳnh Thúc Kháng nói trên, bị người đi đường chụp lại và chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Sau đó, người này đã nhận nhiều sự chỉ trích của cộng đồng mạng.
Công an đã vào cuộc truy tìm lý lịch người đàn ông này có tên là Đ.Q.V. (35 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) bị nhắc nhở và xử phạt hành chính 200.000 đồng.
Một hành vi đáng xấu hổ thay, không chỉ vì 200 nghìn bị phạt mà cảm tưởng như nghe đến nguyên nhân bị phạt, cũng khiến ai nấy đều phải đỏ mặt. Thế nhưng, câu chuyện tè bậy vẫn chưa hề dừng lại.
Ngày 24/3, lại ngay giữa đoạn Hoàng Cầu, Ô Chợ Dừa (Hà Nội), một người phụ nữ có lẽ cũng vì thận yếu mà đành xuống đường ngồi tè bậy, sau khi mở cánh cửa ô tô ra để "che tạm". Gọi là che thế thôi, chứ bàn dân thiên hạ cũng đã được chiêm ngưỡng hết và bức ảnh người phụ nữ tè bậy giữa ban ngày ban mặt lại tiếp tục gây bão trên cộng đồng mạng.
Bức ảnh trên diễn đàn Beat: Người phụ nữ ngồi "xả" giữa phố
Thật khó tìm nổi lý do nào để biện minh cho người phụ nữ này, bởi đoạn đường Hoàng Cầu – Kim Liên mới là một trong những khu vực đông dân cư nhất, lượng xe đi lại rất cao và cư dân xung quanh cũng vô cùng đông đúc. Từ trước tới nay, nhắc tới việc Đái Bậy, người ta nghĩ ngay tới đám đàn ông phàm phu, chứ ít vị nữ nhi nào đủ bản lĩnh cởi quần giữa phố xá để xả "nỗi lòng" như chị này.
Dù là đàn ông hay phụ nữ, thì việc thản nhiên xử lý nỗi buồn như thế này đều có các điểm chung như: giữa ban ngày ban mặt, và đều ở các con phố có lượng người lưu thông đông đúc. Tạm chưa bàn tới buổi tối ở những con phố vắng vẻ, vì giữa ban ngày họ còn sẵn sàng như thế, nói gì đến khi màn đêm "đồng hành"…
Vì ít nhà vệ sinh công cộng, hay ngại vào hàng café?
Rất nhiều độc giả tỏ ra ngạc nhiên khi xem những bức ảnh đái bậy của người dân giữa Thủ đô. Họ đều đặt ra câu hỏi rằng: Hà Nội hào hoa, văn minh, mọi thứ cứ bóng lộn lên là thế, mà sao lại tồn tại những con người có ý thức kém đến như vậy. Tại sao không cố nhịn đến nơi có nhà vệ sinh công cộng, chỉ tốn có vài nghìn mà lại coi barie chắn đường, hay đoạn vỉa hè làm chỗ để xả!!
Nói đến đây, phải thừa nhận rằng, hệ thống vệ sinh công cộng giữa Thủ đô vừa thiếu vừa mất vệ sinh. Có những nhà vệ sinh công cộng mà khi bước chân vào, người ta phải bịt mũi bặm môi cố mà "giải quyết" nhanh để còn… chạy.
Chỉ vì thiếu nhà vệ sinh công cộng hay ngại vào hàng cafe?
Tuy nhiên, trong 4 quận nội thành là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa thì có tới 310 nhà VSCC.
Trên một diễn đàn dành cho giới trẻ, cư dân mạng bàn tán xôn xao về chủ đề "Có nên xin đi toilet nhờ ở nhà dân không", hầu hết đều cho rằng không thể xin đi nhờ vì người dân Hà Nội không quen cho người lạ vào nhà. Tuy thế, các hàng quán café trên phố cũng không phải là ít, để người ta dừng xe vào "giải quyết nỗi buồn", rồi gọi đại một cốc nước coi như là "phí". Chưa kể các trung tâm thương mại, các toà nhà chung cư luôn có nhà vệ sinh công cộng trong đó.
Nói chung, dù viện đủ các lý do thì cũng khó để giải thích cho hành vi đái bậy không thể chấp nhận nổi. Có một điều vô lý và thật ngược đời, là những chuyện cá nhân đáng lẽ chỉ xảy ra ở nơi kín đáo như chuyện đi vệ sinh, hay là "âu yếm", quan hệ tình dục với nhau, thì nay không ít người lại cứ thích phơi ra giữa bàn dân thiên hạ. Chẳng lẽ, những sự thiếu văn minh, thiếu ý thức, lồ lộ ra như thế lại chỉ được biện minh bằng một từ "Kệ" hay sao?!
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện toàn thành phố có khoảng 340 nhà VSCC được phân bố trên khu vực 10 quận nội thành và thị xã Sơn Tây. Tuy nhiên, trong số này có tới 263 nhà VSCC cố định phân bố chủ yếu ở các ngõ, phục vụ người dân trong các khu dân cư, khu tập thể.
Chỉ có hơn 100 nhà VSCC được lắp ghép bằng thép bố trí tại các địa điểm công cộng như điểm chờ xe buýt, công viên, vườn hoa, các khu vui chơi, giải trí công cộng khác...
Trong khi đó nhu cầu sử dụng nhà VSCC trên hầu khắp thành phố rất cao, đồng thời trong khu vực nội thành có hàng nghìn tuyến đường thì chỉ tính riêng trong 4 quận nội thành là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa đã có tới 310 nhà VSCC.
Điều này đồng nghĩa với việc 6 quận và một thị xã còn lại chỉ có 130 cái, tức mỗi quận chỉ có khoảng 20 nhà VSCC, trong khi có hàng trăm tuyến đường và khu vực đông dân cư và người dân lưu thông.
Ngoài hệ thống nhà vệ sinh của chính quyền xây dựng nói trên, hiện chỉ mới có Công ty CP Đầu tư phát triển Thương mại và Bất động sản Thăng Long SP là đơn vị đầu tiên thí điểm xây dựng cải tạo nhà VSCC trên địa bàn TP.
(Theo Tuổi Trẻ)
Video được xem nhiều nhất