Tết của cụ bà sống … 3 thế kỷ

Afamily - 01/02/2016, 14:18

Mùa xuân đầu tiên của thế kỷ XX, cụ Trù đã là cô bé 8 tuổi. Cụ từng kể lại cho con cháu nghe cái cảm giác bủn rủn, thèm khát “một bữa no” trong ngày mồng một Tết cách đây 116 năm trước.

Cái tết thuở hàn vi

Xuân 2016 này, cụ bà Nguyễn Thị Trù (SN 1893, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã bước sang tuổi 123 và trở thành cụ bà cao tuổi nhất thế giới. Với độ tuổi này, cụ khiến nhiều người kinh ngạc khi cuộc đời cụ đã “vắt” qua ba thế kỉ.

Cụ từng sống 7 năm ở thế kỉ 19, chứng kiến nhân sinh quan trọn 100 năm thế kỉ 20 và ở thế kỉ 21 cụ đã sống được 15 năm. Hiện tại thần trí cụ bà không còn minh mẫn, nhưng theo kết quả kiểm tra y tế mới nhất mọi thông số sức khỏe đều đảm bảo ngưỡng an toàn.


123 tuổi nhưng mọi thông số sức khỏe của cụ đều đảm bảo ngưỡng an toàn

Theo bà Nguyễn Thị Ba (78 tuổi, là con dâu út của cụ Trù), cụ bà có tất cả 10 người con thì đến 8 người đã qua đời. Hai người còn sống năm nay đều ngoài tuổi 80. Người chồng quá cố mất cách đây 41 năm. Không chỉ chồng mà phần lớn các con và cháu nội, ngoại của cụ cũng đã có người thành “thiên cổ”.

Người thân của cụ chia sẻ, lúc còn rất minh mẫn cụ Trù thỉnh thoảng vẫn chuyện trò với con cháu vui nhất là ngày Tết. Vì ngày này cụ có cả trăm con cháu vây quanh, người gọi bà, người gọi bà cố… rối rít.

“Mẹ tôi chỉ việc xoa đầu các cháu, chắt, chút, chít… đã mệt nhừ. Bà ngồi cười móm mép suốt, tưởng như ngày xuân kéo dài bất tận”, bà Ba chia sẻ.

Những dịp như thế, cụ vẫn thường “ôn cố tri tân”, kể cho con cháu nghe về cái Tết thuở thiếu thời. Cụ muốn thế hệ mai sau hiểu hơn về một thời đói rách của ông cha khi phải làm thân nô lệ, để đời sau biết trân quý bản sắc dân tộc.

Đó là những năm cụ chỉ mới lên 6, lên 7 lúc này người Pháp đã biến Nam Kỳ thành chiếc bánh, mặc sức cắn xé. Đời sống đói khổ, với những gia đình bần nông như cha mẹ bà Trù, Tết là điều hết sức xa xỉ.

Cụ kể năm lên 7, món quà tết duy nhất là chiếc áo cũ nát, chi chít vết may vá mà mẹ cụ thức thâu đêm để làm. Mồng một Tết, cụ được ăn một bữa no với nửa chén cơm trắng và mớ tôm kho mà cha bà bắt ngoài đồng.

Một chiếc áo và bữa cơm thủa đó, trở thành kỉ niệm khắc cốt ghi tâm của đứa trẻ nhà quê đã xuyên suốt… 3 thế kỉ.

Lớn lên, cụ lấy chồng nhờ mối lương duyên hai gia đình mai mối. Những đứa con của cụ cùng chung số phận đói khổ như cha mẹ ngày trước. Cái Tết trong túp lều tranh nơi vùng quê chiêm trũng, chẳng khác là bao so với ngày thường.

Theo thời gian, những ngày Tết bắt đầu đầm ấm dần lên. Bên vách đất đã treo câu đối đỏ. Bữa cơm ba ngày Tết đã có ít tôm cá. Cả nhà còn lên vùng nội đô xem khách du xuân.

Mong con cháu sum vầy ngày xuân

Khi các con thực sự khôn lớn, lập gia đình cụ Trù và chồng mới được hưởng niềm an nhiên đầu năm mới. Lúc này, bà Ba cũng đã về làm dâu nên hiểu rõ hồi ức của mẹ chồng.

Bà Ba kể: “ Để chuẩn bị tết cả nhà hồ hởi đi đãi nếp nấu bánh chưng, bánh tét. Ra sông bắt tôm, cá về kho, chiên đủ thứ. Vùng Đa Phước ngày xưa toàn đầm lầy, tôm cá nhiều vô kể. Chúng tôi đi cắt lúa nếp có khi phải lội sâu hơn lưng quần. Khi tôi về làm dâu, các anh, chị chồng đều đã có gia đình. Ngày Tết đại gia đình quây quần bên nhau đông như trẩy hộ i”.


Bà Ba vẫn ngày ngày chăm sóc mẹ chồng chu đáo

Đại gia đình cụ Trù có “thông lệ” họp mặt vào ngày mồng 2 Tết âm lịch. Các con cháu dù đi đâu làm gì đều trở về sum vầy.

Theo lời bà Ba, thời điểm con cháu đông đủ nhất, quay thịt ba con heo vẫn chưa đủ. Những ngày Tết đủ đầy theo thời gian, nhưng bà Ba cho biết càng về già mẹ chồng càng buồn phiền hơn.

Bà Ba kể: “Mẹ tôi nói sau này chẳng còn trông ngóng gì nữa. Cụ buồn vì mình còn mà các con, thậm chí là cháu đều mất. Rồi các cháu, chắt… ít ghé về thăm bà, tình cảm gia đình vì khoảng cánh 3-4 thế hệ càng lạnh nhạt.

Vì thế cụ nói thích Tết của ngày xưa hơn. Cụ không bao giờ quên được những tiếng pháo nổ rền vang đêm giao thừa. Mẹ tôi còn kể chi tiết năm nào cũng đốt 2 băng pháo, cả mấy chục con, cháu về vây kín sân” .


Cụ Trù vui vẻ bên con cháu

Đón chào xuân Bính Thân 2016 này, cụ Trù đã chẳng còn nhớ gì nữa. Cụ bị lẫn, nói chuyện một mình không cần ai nghe, không cần ai hiểu. Bà Ba cho biết, cụ bị lẫn như thế đã 2 năm nhưng may mắn là cụ vẫn ăn, uống được.

Cũng đã mấy năm, ngày tết trong gia đình cụ Trù hết sum vầy. Như bà Ba nói: “Tôi chẳng thể nhớ hết tên, mặt các cháu. Chúng nó ai có lòng tưởng nhớ đến bà, cố… thì về thôi. Lúc còn minh mẫn ngày tết mẹ chồng tôi thường nói thèm nghe tiếng pháo nổ, khó là giờ ước mong đó không được rồi. Tôi chẳng biết giờ nổ pháo mẹ có nhận ra không.

Tôi mong con, cháu tết này có thể về sum vầy để đại gia đình mở hội như trước đây”.

 

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất