“Tâm truyền” – những bức tranh ấm tình thầy trò

Lao động - 01/11/2015, 21:49

Tâm Truyền là tên một triển lãm của hai thầy trò họa sĩ Trần Văn Trù (SN 1944) và Nguyễn Ngọc Dân (SN 1972) được ấp ủ suốt 8 năm qua và được khai mạc vào chiều 1.11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Đã khá quen trong giới mỹ thuật, họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân (Dân dây điện) trưng bày những tác phẩm mới với mảng đề tài quen thuộc: dây điện, cột điện, loa phường… rối bung và ngột ngạt trong thành phố. Tuy nhiên, triển lãm Tâm Truyền của họa sĩ Dân dây điện như một cách tri ân với người thầy của mình bởi những bức tranh dây điện lần này của anh trông mềm mại hơn và dường như mang cả một cảm giác bức xúc về một xã hội hiện đại. 

Nếu như ở những triển lãm trước, những bức tranh về dây điện rối rắm của Nguyễn Ngọc Dân mang tính chất quyết liệt thì ở triển lãm này, nó nhẹ nhàng và trữ tình hơn và khi hòa cùng những tác phẩm với mảng đề tài là những điều bình dị, yên ả chốn làng quê của thầy Trù. Triển lãm không tạo nên sự đối lập, ngược lại còn rất trọn vẹn khi nó thể hiện được cách nhìn của hai nghệ sỹ ở hai thế hệ về hai nửa đời sống xã hội, một hiện đại, một đơn sơ mộc mạc.

 
Họa sỹ Nguyễn Ngọc Dân chia sẻ: “Triển lãm này được tôi và thầy Trù ấp ủ suốt 8 năm qua. Những bức tranh được trưng bày lần này mang hơi thở của cuộc sống, thiên nhiên và những điều gì đó rất là quê hương. Đó là tranh của thầy Trù, còn tranh của tôi lại phản ánh hơi thở cuộc sống của một xã hội đang phát triển”. Nói về tên và lý do của cuộc triển lãm, Họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân cho biết đó là cách mà anh thể hiện sự biết ơn của mình đến người thầy yêu quý. “Tâm truyền” đơn giản là cách mà thầy Trù đã dạy dỗ và truyền đạt cho anh những kiến thức quý giá.

Nhận xét về triển lãm Tâm Truyền, họa sĩ Đào Hải Phong chia sẻ: “Triển lãm mang hơi hướng của sự hiện đại, có một số tranh nhỏ phảng phất tinh thần của phương Đông. Có những bức tranh nhỏ của cụ Trù vẽ rất là đẹp, dù là nhìn xa hay gần. Triển lãm này cho tôi nhận ra, những điều tạm gọi là quá khứ vẫn giữ nguyên giá trị. 

Tranh dây điện của họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân 

Cũng theo họa sĩ  Đào Hải Phong: “Họa sĩ Dân dây điện là một học trò rất ưu tú của thầy Trù, mạnh dạn không làm giống thầy nhưng kính cẩn mời thầy cùng triển lãm. Nghệ sĩ  không được phép làm giống thầy mà là lấy tinh thần của thầy truyền lại. Anh ấy nhìn vào những vấn đề rất bình dị để đưa đến công chúng. Dân rất thích làm to và hoành tráng, thích trả giá cho nghệ thuật, đó là điều rất cần trong nghệ thuật. Lớp họa sĩ  trẻ như Dân có tính phóng sự trong các bức tranh, Dân muốn nghệ thuật có điểm nhấn và phản ánh được một vấn đề nào đó của xã hội. 

Tranh của họa sỹ Trần Văn Trù. 
Những bức tranh về dây điện mà Dân vẽ tưởng rối rắm, vu vơ nhưng thực chất đã được sắp xếp, bố cục rất khéo. Dây điện đối với Dân có lẽ mang lại cho anh ta cảm giác gì đó như sự bức xúc, đó là chất xúc tác để Dân vẽ nên bức tranh như vậy”.
Về nghệ sĩ Trần Văn Trù, theo lời nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế: “Tranh hoa và tranh chân dung tự họa là hai mảng tranh hay nhất của ông. Ở những bức tranh hoa, ta gặp một Trần Văn Trù với một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, trữ tình, đằm thắm nhưng ở các bức chân dung tự họa, ta gặp lại ông với một khí chất cương hoạch, kiên nghị, cứng cỏi".
 
 Tranh của họa sỹ Trần Văn Trù.
 Những bức tranh mang hơi thở cuộc sống ở hai góc nhìn khác nhau của hai họa sỹ ở hai thế hệ.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất