Tấm bảng chỉ đường đến bệnh viện Từ Dũ của người đàn ông không biết chữ

Kênh 14 - 20/08/2015, 09:05

Hàng ngày, có lẽ những ai đi trên giao lộ Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP. HCM) đều quá quen thuộc với tấm biển chỉ đường đi bệnh viện Từ Dũ (TP. HCM), nhưng ít ai biết tác giả tấm biển ấp áp tình người đó một chữ bẻ đôi cũng không biết.

Để bảng chỉ đường nhưng không biết... chữ

Dù không biết mặt con chữ nhưng điều đó không quan trọng với anh Nguyễn Văn Nam (tác giả tấm biển), bởi theo anh giúp đỡ được người đi đường là vui rồi.
 
3-a1936

Anh Nam mặc dù không biết chữ nhưng tấm biển chỉ đường của anh đã giúp biết bao người.

Tấm biển ghi:

"Anh chị em nào đi bệnh viện Từ Dũ nhìn theo mũi tên thấy nhà lầu màu vàng, nhìn lên trên thấy hình mẹ bồng con. Cảm ơn!",

xuất phát từ việc có quá nhiều người hỏi đường, đôi khi anh bận việc gì đó không thể trực tiếp chỉ thì có tấm bảng hướng dẫn thay. Đang trò chuyện với chúng tôi về tấm biển đầy tình người này, đột nhiên có người đi đường ghé lại hỏi, anh liền bước tới gần người đó chỉ tay nói:

"Nhìn kìa, cái nhà lầu cao cao màu vàng có hình mẹ bồng con đấy, đó là bệnh viện Từ Dũ. Hay là nhìn tấm biển này cũng được nè em trai”. Anh Nam cho biết, trung bình một ngày anh chỉ đường khoảng 50 - 60 lượt người như thế, chủ yếu là đi bệnh viện Từ Dũ. 

Anh Nam tâm sự: "Công việc này không ai trả lương, cũng chẳng ai yêu cầu. Nhưng càng ngày càng có nhiều người hỏi nên tôi nghĩ phải làm cái biển hướng dẫn, để phòng khi mình bận việc đi đâu đó không trực tiếp chỉ đường được. Thú thật tôi nghĩ ra tấm bảng chỉ đường này chứ nào có biết chữ đâu. Hồi đó nhà nghèo quá, lại ham chơi nên không đi học. Nhiều khi buồn ngồi nhìn tấm bảng cũng chạnh lòng".
 
1-a1936

Tấm biển đặt ngay góc ngã tư có mũi tên hướng về bệnh viện Từ Dũ giúp người đi đường không còn bỡ ngỡ.

Anh Nam kể, vì không biết chữ mà có lần anh đã ngượng ngùng từ chối khéo người hỏi đường khi người này đưa mẩu giấy có ghi địa chỉ nơi nào đó. "Người hỏi đường này ghi địa chỉ trong giấy mà bảo tôi xem trong đó rồi chỉ đường đi giúp. Lúc này, tôi chỉ biết đứng đơ người và ngượng ngùng từ chối. Đây có lẽ là lần tôi cảm thấy hổ thẹn với lòng mình nhất", anh Nam nhớ lại.


Anh Nam là con trai trong một gia đình đông anh em ở phường Cầu Kho (quận 1). Mẹ mất sớm, ba đi theo người phụ nữ khác từ khi anh còn là một cậu bé, không học hành nên gia nhập đám trẻ bụi đời la cà đến khi trưởng thành. Cũng trong thời gian đi bụi đời, anh vướng vào lao lý và mãi về sau này mới đứng lên từ vấp ngã đó để làm lại cuộc đời.


Năm 2009, anh vay tiền người thân bạn bè mua áo mưa về bán tại đường Cao Thắng, cũng từ đó tấm biển chỉ đường ra đời. Chỉ vào tấm bảng màu xanh bên vệ đường, anh Nam vui vẻ kể:"Tôi đã làm biển chỉ đường này với 4 loại chất liệu khác nhau rồi. Cái đầu tiên làm bằng bìa carton nhưng cứ vài ngày lại phải thay bìa khác vì trời mưa làm ướt, còn trời nắng cũng làm mờ chữ. Loại thứ hai bằng thạch cao nhưng cũng chỉ được một thời gian phải thay bằng mica. Chất liệu này không chịu nổi nắng Sài Gòn nên cũng giòn, vỡ mất mấy cái. Cuối cùng phải thay cái biển mới làm bằng chì, không hỏng, không gãy với giá trên 600.000 đồng".

 
"Tình người không thể đong đếm"
 

Tính đến nay, tấm bảng chỉ đường đi bệnh viện Từ Dũ cũng đã yên vị nơi góc đường này được 6 năm, giúp đỡ không biết bao nhiêu người. Theo anh Nam, người hỏi đường chủ yếu là ở các tỉnh lên Sài Gòn.

"Họ là những người con xa xứ lần đầu tiên đến nơi đất khách quê người với nhiều bỡ ngỡ, mình là người ở đây phải biết giúp đỡ phần nào là đạo lý làm người tôi, huống hồ đây chỉ đơn giản là chỉ đường. Tình người không thể đong đếm, tính toán được mất đâu và tấm biển mình làm ra cũng như tình cảm của mình gửi gắm vào đó để giúp đỡ mọi người", anh Nam tâm tình.

5-a1936
Một thanh niên định hỏi đường nhưng nhìn thấy tấm biển chỉ đường đã rất bất ngờ.
 

Ngày nào cũng vậy, mỗi sáng anh lại mang theo tấm biển chỉ đường được lau chùi sạch sẽ cho hết bụi bẩn rồi để ở góc ngã tư cho dễ quan sát nhất, đến tối lại chở về. Công việc bán áo mưa của anh mỗi ngày chỉ lời được khoảng hơn 100.000 đồng, mùa mưa thì nhiều hơn chút, vợ anh bán cơm cùng phụ anh nuôi 3 đứa đang ở tuổi ăn học. Anh Nam hy vọng, khi nào có điều kiện sẽ làm tấm biển cao hơn để thuận tiện cho việc quan sát của bà con.

 

Ông Tư, chạy xe ôm bên đường chia sẻ:"Nhắc đến chú Nam tôi thấy tự hào về tình người ở vùng đất Sài Gòn này lắm, có thể nói chú ấy là một yếu tố chung sức cho thành phố này đẹp hơn. Tôi nhớ có lần nhờ tấm biển chỉ đường đi Từ Dũ mà người phụ nữ đã quay lại cảm ơn chú Nam rối rít. Số là hôm ấy trời mưa không thể dừng lại hỏi đường, may mà chợt nhìn thấy tấm biển chỉ đường này, người phụ nữ đã tới kịp bệnh viện".

Đối với anh Nam, hàng ngày bán hàng kiếm sống trên vỉa hè, đồng thời làm thêm cả “hướng dẫn viên” tình nguyện chỉ đường, nhiều khi mệt lắm nhưng vẫn thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, vì có thể giúp ích cho ai đó bằng việc làm nhỏ bé của mình.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất