SV tình nguyện ở Champasak: dạy tiếng Việt và kết nối văn hóa
TTO - Sinh viên Lê Nhật Khánh Hà (khoa quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM) nói rằng: “Lớp học này không dừng lại ở chỗ chỉ dạy cho nhau ngôn ngữ mà như là chiếc cầu nối văn hóa, tình cảm con người giữa hai nước”.
Sinh viên Đoàn Hồng Vân (Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM) hướng dẫn cách viết tiếng Việt cho học viên Lào trong lớp học “1 kèm 1” - Ảnh: N.Hiển |
Những người đứng lớp dạy tiếng Việt cho 32 học viên phần lớn đã U-20, U-30 chính là các sinh viên, giảng viên của TP.HCM tham gia hoạt động tình nguyện Mùa hè xanh năm 2016 tại tỉnh Champasak.
Ngay buổi lên lớp đầu tiên, cô Nguyễn Thị Tuyết Oanh (Trường dự bị ĐH TP.HCM) đã bất ngờ gặp lại cô giáo SomSen của Trường ĐH Champasak, người bảy năm trước đã dạy mình tiếng Lào tại tỉnh Champasak.
Nghe tin có đoàn tình nguyện VN sang, cô SomSen đăng ký ngay để tham gia lớp học, trau dồi thêm vốn tiếng Việt của mình. “Không ngờ người từng dạy mình nay lại trở thành học trò để học ngôn ngữ của nhau. Nhưng xúc động nhất là dù đã bảy năm không gặp nhưng cô vẫn nhận ra, gọi đúng tên và chạy đến ôm tôi rất thân tình” - cô Oanh chia sẻ.
Hai tuần trước khi sang Lào, cô Tuyết Oanh phải soạn giáo án riêng và ngồi lại với các sinh viên để “học” giáo án trước khi lên lớp. Khi biết giáo án có phần sửa lỗi phát âm, các giáo viên tiếng Việt là người Lào ở Trung tâm tiếng Việt tại tỉnh Champasak cũng đăng ký theo học và cô SomSen là một trong số đó.
Lần thứ hai trở lại tỉnh Champasak tham gia chương trình Mùa hè xanh, anh Lường Minh Sơn (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) nói sẽ không thể quên tiệc sinh nhật mà những học viên Lào đã tổ chức bất ngờ cho anh ngay trong lớp học.
Các học viên chuẩn bị sẵn bánh kem, đàn ghita hát vang bài hát Chúc mừng sinh nhật bằng tiếng Việt ngay cuối buổi học như một món quà tinh thần gửi đến “người thầy” của mình. Những ca từ tiếng Việt cứ vang lên trong những tiếng vỗ tay không ngớt khiến cho lớp học như không còn khoảng cách về địa lý, ngôn ngữ và tuổi tác...
“Đó là những tình cảm vô cùng chân thành, chia sẻ với nhau như với những người thân quen khiến cả hai lần qua đây tôi đều thấy ấm lòng” - anh Sơn nói.
Sau giờ học, các học viên còn mời các giáo viên người Việt về nhà mình ăn cơm, thăm gia đình. Thậm chí, cả lớp còn tổ chức một đội bóng để mời các thầy cô cùng giao lưu.
“Cô thầy Việt qua đây ai cũng quý, mình coi như người nhà thôi” - cô giáo Julie Sengamanivong (Trường THPT Champasack) chia sẻ.
Video được xem nhiều nhất