Sự thật về ngày Halloween có thể bạn chưa biết

2 sao - 27/10/2016, 18:10

Halloween là một ngày hội được tổ chức hàng năm trên thế giới, thế nhưng nó được tổ chức để kỷ niệm cái gì và bắt nguồn từ đâu? Màu sắc ngày lễ Halloween ở các nước trên thế giới có điểm gì khác biệt?

Halloween là ngày 31/10 hằng năm, có tên gốc là "All Hallows’Eve". Rồi dần dần từ chữ "All Hallows' Eve" người ta gọi thành "Hallows' E'en" và cuối cùng thì trở thành "Halloween".

Lễ hội Halloween bắt nguồn từ dân tộc Celt - dân tộc cổ xưa thuộc tây Âu sống cách đây hơn 2.000 năm trên các vùng đất bây giờ là Anh quốc, Ireland và miền Bắc nước Pháp. Nhưng vì nhiều lý do, mãi đến thập niên 1800 mới trở thành tục lệ được nhiều người hưởng ứng.

Truyền thuyết về lễ hội Halloween

Theo truyền thuyết của nước Ireland thì từ ngữ “Jack-ó-lanterns” đến từ một người có tên là Jack. Jack là một chàng thiếu niên đã chết nhưng linh hồn không được phép lên Thiên Đàng vì lúc sống, anh ta vốn là một người tham lam, bủn xỉn, thường cất giấu tiền bạc, keo kiệt không hề bố thí cho ai một chút gì. Thế nhưng anh ta lại cũng không thể xuống Địa Ngục vì lúc còn sống anh ta đã từng chơi đùa với ma quỷ, nên quỷ không bắt anh ta.

Chuyện kể rằng, trước đó có con quỷ đến quấy phá một vùng dân cư, người dân đến cầu cứu các vị tu sĩ đem các vật thánh đến “yểm” và “khóa các cửa” ra vào. Nhờ vậy, con quỷ bị bắt… Jack nhận ra đó là con quỷ thường vui đùa với mình và Jack đã tìm cách gỡ vật “yểm ma quỷ” mở đường cho quỷ chạy thoát. Để đền ơn cứu mạng, quỷ hứa với Jack là sẽ không bắt hồn Jack về địa ngục.
 

 

 

Khi Jack chết vì một tai nạn, linh hồn Jack bị thiên đường từ chối. Jack liền tìm đến địa ngục, nhưng quỷ không cho vào vì lời hứa trước đây. Thấy Jack lạnh lùng khổ sở, quỷ bèn lấy một ít than hồng bỏ vào trong ruột một quả bí ngô và đưa cho Jack để sưởi ấm trên đường trở lại trần gian. Để cho không khí thông vào nuôi lửa, Jack phải đục thủng quả bí ngô.. và ánh lửa từ trong đã chiếu ra soi sáng nẻo đường lang thang của Jack. Có lẽ Jack phải cầm đèn đi lang thang trên mặt đất cho đến ngày phán xét cuối cùng của nhân loại.


Ý nghĩa ngày Halloween

Tại sao dưới ánh sáng khoa học và kỹ thuật mà các nước Âu, Mỹ vẫn dành một ngày lễ hội cho người của "cõi Âm" mà đại diện là chàng Jack?

Jack là nhân vật tưởng tượng nhưng đã thực sự hiện thân trong cuộc đời, trong thân phận làm người... mà lại là một người cô đơn. Khi chết, Jack trở thành cô hồn, không chỗ dung thân... Thiên Đàng và Địa Ngục đều từ chối!

 

 

Truyền thống lễ hội Âu Mỹ đã dành cho Jack một ngày. Một ngày được trở lại với cõi dương. Trong ngày đó, Jack có thể sống vui chơi thoải mái, vì người sống đã hóa trang thành ma quỷ để linh hồn Jack có chỗ trà trộn vào cho đỡ cô đơn. Đây là ý nghĩa nhân bản của lễ hội Halloween.


Lễ hội Hallowween ở các nước trên thế giới

Ireland: được xem là vùng đất của lễ hội Halloween tại đây người ta vẫn đốt lửa và các gia đình ngồi quây quần bên nhau như tập tục xưa. Vào ngày này, mọi người sẽ ăn món “barnbrack” - loại bánh nướng trái cây - một món ăn truyền thống của người Ireland. Trong đó, người ta sẽ bọc cọng rơm hay cái vòng nhỏ bằng vải và đặt vào trong bánh. Nếu người nào ăn trúng miếng bánh có chiếc vòng thì được xem là may mắn còn có cọng rơm thì có nghĩa là một năm làm ăn thịnh vượng. Trẻ em vẫn được chơi trò “trick or treat” quen thuộc trong lễ Halloween.

 

 


Ở Ireland, mọi người còn chơi trò “đớp táo” quen thuộc. Táo sẽ được treo trên khung cửa hay trên cây và người chơi sẽ phải cố cắn bằng được trái táo đó.

 

Bên cạnh đó, một số người dân Ireland còn giữ truyền thống cổ xưa là đi xem bói trong ngày này. Người Ireland cũng tin rằng phụ nữ nào “bắt” được một chiếc nhẫn trong chiếc bánh của ngày Halloween có nghĩa là cô sẽ kết hôn vào Halloween năm sau.

 

 

 

Mỹ: Ở đây, Halloween là một lễ hội công chúng rất trông đợi và được tổ chức vô cùng hoành tráng từ phần trang trí đến các hoạt động vui chơi giải trí. Lễ hội Halloween cũng được xem là một bữa đại tiệc gợi cảm ở nước này, đây được xem là dịp để mọi người che giấu con người thật của mình để khám phá những mặt tối của bản chất và vui vẻ một cách vô hại.

Mặc dù nguồn gốc lễ hội Halloween ban đầu là xua đuổi tà ma và bảo vệ mùa màng nhưng ngày nay ở Mỹ, Halloween đã trở thành cơ hội cho một chút quậy phá hư hỏng. Lễ Halloween phiên bản Mỹ cũng không thể thiếu hình ảnh những đứa trẻ xách giỏ đi gõ cửa khắp nơi với câu chào cửa miệng “Lừa hay lộc?” để xin kẹo, đây cũng là một nét đáng yêu và độc đáo riêng của lễ hội này.

 

 

 

Anh: Trong đêm Halloween người Anh ở thành thị sẽ diễu hành ở các con phố cà hát bài “Punkie nighr song” và cầm những chiếc lồng đèn bằng củ cải đường đã đươc chạm khắc đi khắp nơi. Tại vùng nông thôn thì người ta sẽ treo đèn lồng ở ngoài cổng để bảo vệ ngôi nhà khỏi những linh hồn lang thang trong đêm Halloween. Ngoài ra người Anh còn có tâp tục ném đá, rau cải và quả hạch vào lửa dể xua tan sự sợ hãi những linh hồn lẩn khuất. Ngoài ra, trò “Trick or treat” cũng được ưa thích tại đây.

 

 

Trò "Trick or treat" - "Cho kẹo hay bị ghẹo"
 
Pháp: Lễ hội Halloween tai đây thường được mọi người diện các trang phục rất đáng sợ như xác ướp, yêu tinh, phù thủy, ma cà rồng… để “nhát” với nhau. Trò “Trick or treat” thường không diễn ra tại nhà mà được mọi người kéo nhau từ cửa hàng này đến cửa hàng khác để xin bánh kẹo.
 
Mexico: cũng là một trong những đất nước tổ chức lễ hội Halloween rất đặc sắc. Lễ hội này được người bản địa gọi là “Dia de los Muertos”, tiếng Anh là Day of the Dead tức “Ngày của sự chết”. Dia de los Muertos thường kéo dài 2-3 ngày.

 

 

Trang phục hóa trang mang đậm chất Mexico

 

Không chỉ là một lễ hội, ở Mexico Dia de los Muertos còn là dịp để mọi người tưởng nhớ những người thân đã khuất. Trong bữa tiệc, những người còn sống thường nhắc lại các kỷ niệm đẹp về người đã chết và ăn mừng những điều tốt đẹp khi người thân của mình còn sống. Lễ hội Halloween của Mexico thường có kẹo hình đầu lâu, những bữa tiệc gia đình hoành tráng, rất nhiều rượu… để mọi người cùng quây quần ca hát nhảy múa. Ở Mexico, lễ hội này được tổ chức linh đình như một đại lễ trên khắp mọi miền đất nước.

 

 

Nhà thờ ở Đức
 
Đức: Ở miền Nam Đức, lễ hội Halloween được tổ chức từ ngày 30/10 đến hết 8/11. Trong những ngày này, người dân Đức thường đến nhà thờ tôn vinh những vị thánh đã chết vì đức tin với Chúa Trời và thăm viếng mộ của những người thân đã khuất. Một nét rất thú vị của lễ Halloween ở Đức là các gia đình sẽ giấu hết dao trong ngày lễ vì họ tin rằng điều này sẽ giúp các linh hồn của người thân không bị tổn thương khi về thăm nhà.

 

 

Nhật Bản: Người Nhật có lễ hội Obon tương tự như lễ Halloween đều là ngày dành cho các linh hồn của người dã khuất. Trong lẽ này thức ăn được chuẩn bị kỹ lưỡng, đèn lồng đỏ đươc treo khắp nơi trong đêm. Đôi khi những chiếc lồng nhỏ được thả trôi trên sông trong ngày lễ Obon.

 

 

 

Việt Nam: Sự du nhâp văn hóa từ phương Tây vào và lan rộng nhanh chóng thì lễ hội Halloween ngày càng được các bạn trẻ yêu thích. Trong ngày này các ban thỏa sức vui chơi, giải trí bên bạn bè bằng cách hóa trang thành các nhân vật mình thích hay đơn giản tụ tập bạn bè đi ăn uống với nhau.

Ngày nay, lễ hội Halloween đã lan rộng nhanh chóng với sự tiếp nhận của hầu hết mọi người chứ không còn gói gọn đối với các nước phương Tây. Có thể nó không còn mang ý nghĩa gốc nữa nhưng khái quát thì Halloween là lễ hội giành cho sự vui chơi, thoải mái nên được giới trẻ mọi nơi đón nhận hưởng ứng sôi nổi.

 

Châm Phạm

 

Theo Vietnamnet

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất